Phải nói rằng người Việt Nam chúng ta có truyền thống yêu thiên nhiên, trong đó có nhiều loài động vật, thực vật. Từ bao đời nay, cứ vào dịp lễ, Tết, nhiều người thường chọn chim, cá để phóng sinh, nhằm thể hiện tình thương yêu sự sống muôn loài, cùng với suy nghĩ làm điều tốt, việc thiện sẽ mang lại may mắn, sức khỏe, bình an, trời đất mưa thuận gió hòa...
Thế nhưng, ý nghĩa nhân văn ấy mất đi khi vừa được thả xong, chim, cá bị đánh bắt trở lại để phục vụ cho các mục đích khác, trong đó có quay vòng phóng sinh; người ta đã lợi dụng lòng tốt, việc thiện để kinh doanh.
Đã đến lúc phải trả lại sự cao đẹp, trong sáng của việc phóng sinh bằng sự vào cuộc của cơ quan chức năng nhằm ngăn chặn, đẩy lùi sự biến tướng. Mặt khác, người phóng sinh cũng cần cân nhắc trước khi thực hiện, có cung không có cầu tự khắc những hành vi xấu xí phải bị đào thải.
Bởi ngoài phóng sinh, có rất nhiều cách khác để thể hiện từ tâm: chẳng hạn thấy cái đinh giữa đường thì dừng lại nhặt; dắt người già qua đường; tắt vòi nước, bóng đèn không sử dụng; làm việc thiện tránh điều ác, tâm tính luôn hướng thiện; kính mẹ cha, giữ hòa khí gia đình, nhường nhịn nhau; không nói bậy chửi thề, sống gương mẫu, có trách nhiệm; tuân thủ luật pháp; tiết kiệm tiền bạc, thực phẩm… Tóm lại, có nhiều cách thể hiện việc tốt, việc thiện, ai cũng làm được, không mất tiền, chẳng phải đi đâu xa. Những nội dung này không mới, bởi từ khi cắp sách đến trường, chúng ta đã được học đầy đủ, có chăng là nhận thức của từng người để đi đến hành động cụ thể mà thôi.
Bình luận (0)