Một trong số đó là bác sĩ Phạm Hồng Thái, Trưởng trạm y tế xã Bình Châu (huyện Bình Sơn, tỉnh Quãng Ngãi). Sau khi báo Người lao Động đăng tải câu chuyện hơn ¼ thế kỷ mải miết chạy chữa cho một bệnh nhân tâm thần không "máu mủ" của bác sĩ Thái, nhiều bạn đọc đã cảm phục thốt lên: "Cổ tích là có thật!".
Câu chuyện bắt đầu từ 26 năm trước, nặng lòng với phận đời kém may mắn, sống nhờ bố thí của của một thanh niên tâm thần, bác sĩ Phạm Hồng Thái đã quyết định cưu mang, chạy chữa cho người đàn ông ngây dại bằng tất cả khả năng và tài chính của gia đình. Để rồi, 26 năm sau, tất cả vỡ òa hạnh phúc khi người đàn ông ngây dại hồi phục, nhận lại gia đình.
Cảm phục!
Nghề y là nghề cao quý, thầy thuốc là những người luôn được xã hội trân trọng. Đặc biệt là những người thầy thuốc vừa có chuyên môn lẫn phẩm chất đạo đức tốt đẹp. "Cảm phục!" là cách ngắn gọn nhất mà những người được nghe về câu chuyện 26 năm đằng đẵng nuôi một người dưng bị tâm thần của vị bác sĩ này.
Người thân vào Quảng Ngãi nhận lại ông Đông trong niềm vỡ òa hạnh phúc (ảnh: Tử Trực)
Cùng chung niềm cảm mến, bạn đọc Hương Thanh bình luận: "Vô cùng cảm phục người bác sĩ này. Cứ như chuyện cổ tích vậy!".
Bạn đọc Hồ Nhật Kha tấm tắc: "Từ mẫu giữa đời thường. Nhận nuôi 1 người đã khó. Nhận nuôi người tâm thần còn khó hơn 100 lần. Khâm phục!".
Bày tỏ sự niềm xúc động đặc biệt, bạn đọc Nguyễn Tiến Chinh chia sẻ: "Trước là chúc mừng anh Đông ngày đoàn tụ với hơn ¼ thế kỷ lưu lạc. Sau là cám ơn bác sĩ từ mẫu Phạm Hồng Thái đã cưu mang, chạy chữa không công cho một người điên xa lạ chừng đó thời gian! Anh Thái xứng đáng được tặng bằng khen của Bộ Y tế, của Chính phủ, của Nhà nước. Nếu anh Thái không nhận nuôi, chạy chữa thì bệnh tình anh Đông sẽ ra sao và anh ấy sẽ làm những gì ngoài xã hội? Không ai lường được. Việc anh làm không trông chờ ai hậu tạ hay cảm ơn mà chỉ mong mỏi bệnh nhân khỏi bệnh, tìm về đoàn tụ gia đình. Anh, một bác sĩ bình thường nhưng tấm lòng, nhân cách anh cao thượng quá đỗi! Rất kính phục bác sĩ Thái và cả gia đình anh!".
"Vị bác sĩ luôn dốc lòng, dốc sức vì người khác. Ông có một trái tim nồng ấm đáng cảm phục. Có lẽ ông cũng chẳng bao giờ nghĩ những điều mình làm là to tát, lớn lao. Thế nhưng, đối với nhiều người, câu chuyện của ông thật đúng là cổ tích giữa đời thường. Những việc làm của ông, trái tim nhân ái, sống hết lòng vì mọi người của ông đủ trở thành gương sáng lương y, vị lương y như từ mẫu mà nhiều người cần học hỏi" – bạn đọc Nguyễn Minh Tâm bình luận.
Bác sĩ Phạm Hồng Thái (phải) cùng ông Nguyễn Văn Đông (ảnh: Tử Trực)
Bên cạnh niềm cảm phục, nhiều bạn đọc cho rằng vị bác sĩ này cần được vinh danh xứng đáng để những tấm gương như ông ngày càng được nhân rộng trong xã hội.
"Trên đời đúng là cần nhiều tấm lòng như bác sỹ Thái. Đề nghị Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến khen thưởng, phong tặng danh hiệu Thầy thuốc nhân dân cho bác sĩ Thái, người có tấm lòng cao cả. Đây là tấm gương sáng chói của ngành y"- độc giả Quản Thị Bích Ngọc bày tỏ ý kiến.
Quan sát tấm ảnh chụp bác sĩ Phạm Hồng Thái và người ông cưu mang, bạn đọc Minh Trịnh tinh ý: "Nhìn anh Đông áo mới tinh tươm còn bác sĩ Thái vẫn áo bạc màu. Chẳng biết nói gì, chỉ biết rằng cuộc đời có những điều đẹp như thế, chẳng nói chuyện vĩ mô, không giải cứu thế giới, cũng không giảng đạo mà hành động tuyệt vời như vậy".
Còn bạn đọc Li Nguyễn nhận xét: "Câu chuyện của bác sĩ Phạm Hồng Thái như giọt nước mát, ươm trồng tốt tươi những lương thiện, nhân văn của cuộc đời. Để khi lắng nghe, ta lại thêm yêu người, yêu đời, tin yêu cuộc sống tốt đẹp xung quanh!".
Những trái tim nồng ấm
Quả thật, cuộc đời còn rất nhiều người tốt, thậm chí là rất tốt. Những tấm lòng nhân ái, bao dung, những con người tử tế, thiện lương bồi đắp cho ta thêm hy vọng, niềm tin yêu vào cuộc sống. Và khi bắt đúng nhịp, lòng tốt sẽ được khơi gợi, lan tỏa mạnh mẽ, vô điều kiện.
Đằng đẵng 26 năm qua, bác sĩ Thái và gia đình kiên nhẫn chăm sóc ông Đông (ảnh: Tử Trực)
Câu chuyện bác sĩ Phạm Hồng Thái gợi nhớ đến những tấm lòng nhân ái đối với 3 cháu bé con của anh Nguyễn Ngọc Minh (huyện Bắc Tân Uyên, tỉnh Bình Dương) và chị Quách Thị Lạnh không may qua đời vì tai nạn giao thông vào chiều 16-1. Ngay sau khi báo Người Lao Động làm nhịp cầu yêu thương kết nối những tấm lòng nhân ái với 3 đứa trẻ con vợ chồng anh Minh, đã có hàng ngàn bạn đọc cùng một số tổ chức đã chung tay san sẻ nỗi đau và giúp đỡ cho 3 đứa trẻ mồ côi với số tiền hơn 4,1 tỉ đồng, 2 căn hộ chung cư và một môi trường học tập tốt. Suy cho cùng, họ và các cháu là những người hoàn toàn xa lạ, cũng chẳng liên quan gì đến nỗi bất hạnh của các cháu nhưng hàng ngàn trái tim nhân ái ấy đã không ngần ngại chung tay, chung lòng chia sẻ nỗi đau và chăm lo cho tương lai của các cháu. Những hành động thiện lương đó đã gieo thêm nhiều hy vọng và niềm tin yêu vào cuộc đời cho 3 cháu bé mồ côi và cho cả xã hội.
Nhờ những tấm lòng nhân ái, 3 cháu bé mồ côi ở Bình Dương đã có một tương lai tươi sáng hơn (ảnh: Như Phú)
Những con người tử tế không cần được vinh danh, lặng lẽ trao đi những điều tốt đẹp đã khiến cho cuộc sống xô bồ, đầy bon chen, nhiều góc khuất và hoài nghi càng thêm có ý nghĩa. Chỉ cần người với người sống trong tình và nghĩa thì khổ đau và bất hạnh cũng lùi xa.
Bình luận (0)