Trước hết xin được cập nhật lại câu chuyện như sau: Sáng 25-6, ông Linh đến TAND quận 4, TP HCM và bị rất đông phóng viên (không loại trừ có người không rõ có phải là phóng viên hay không) "bu" lại chụp hình, khiến ông Linh vừa đi vừa phải né tránh, đi thật nhanh, rồi cả… chạy để thoát khỏi những ống kính máy ảnh "chỉa" vào mình. Toàn bộ sự việc này đã được quay lại và tung lên mạng xã hội. Thế là chuyện ông Nguyễn Hữu Linh vốn đã "ì xèo" trước đó, nay lại thêm dịp ồn ào.
Sau khi đoạn phim "truy cùng, đuổi tận" ông Nguyễn Hữu Linh "tung hoành" trên mạng xã hội, bạn đọc Kim Phượng (TP HCM) có ý kiến: "Trong số những người "săn ảnh" sáng 25-6 ở TAND quận 4, có bao nhiêu người là phóng viên báo chí, bao nhiêu người hiếu kỳ, chụp ảnh để đưa lên mạng xã hội câu like, câu view? Họ có thật sự vì một xã hội văn minh, vì đòi công lý cho những nạn nhân bị xâm hại tình dục hay chỉ muốn đăng hình ảnh nhằm phục vụ cho lợi ích của mình?
Ông Nguyễn Hữu Linh phải chạy để thoát khỏi những ống kính
Nếu hành vi của ông Linh là trái pháp luật thì sẽ được tòa phán quyết và ông ta phải trả giá cho những hành vi trái pháp luật của mình. Pháp luật luôn công bằng và không có vùng cấm cho bất cứ ai".
Theo pháp luật dân sự hiện nay, cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình; không ai được phép đăng tải, phát tán hình ảnh của cá nhân khi không được sự đồng ý của họ. Cơ quan báo chí cũng chỉ được đăng ảnh của bị can, bị cáo tại các phiên tòa xét xử. Còn theo quy định của pháp luật, một người chưa bị coi là có tội khi chưa có bản án có hiệu lực pháp luật của tòa án.
Về nguyên tắc, đến giờ này, ông Linh vẫn chưa bị xác định là có tội. Việc kết án là quyền của tòa án chứ không phải của đám đông và mạng xã hội. Như vậy có cần phải "truy cùng, đuổi tận" ông Nguyễn Hữu Linh? Không ít bạn đọc cũng đồng tình với quan điểm của bạn Kim Phượng. Bạn đọc Q. Minh (huyện Bình Chánh) tâm tư: "Có cần phải truy cùng, đuổi tận đến mức không còn đường thoái lui như vậy không?".
Song có rất nhiều bạn đọc lại không đồng ý quan điểm với bạn Kim Phượng và Q.Minh. Sau khi bài viết của bạn đọc Kim Phượng được đăng tải, nhiều ý kiến "phản biện" đã được gửi đến tòa soạn. Bạn đọc tên Hạnh trăn trở: "Cộng đồng bức xúc như vậy là do ông Linh đã khôn khéo dùng chữ "nựng" để giảm nhẹ cho hành động biến thái của mình. Những người có con nhỏ nghĩ sao nếu con mình bị "nựng" như vậy?".
Bạn đọc Hoàng Đại Đoàn phân tích: "Một người đàn ông trên 60 tuổi "cưỡng hôn" một bé gái 8 tuổi, rồi dấu mặt thay tên đổi họ..., thật là đáng chê trách. Báo chí cần phải mạnh tay hơn nữa để những kẻ ấu dâm "tởn tới già" không còn dám manh động".
Ban đọc Võ Thái gay gắt: "Dư luận và báo chí đặc biệt quan tâm ông Linh, vì ông ấy ta là người nắm rất rõ pháp luật mà lại phạm luật và vi phạm theo kiểu xấu xa nữa" .
"Hiện tượng "truy cùng, đuổi tận" ông Linh như vậy là do người dân chưa an tâm về sự nghiêm minh của luật pháp, là do thời gian xử lý vụ án ông Linh quá chậm. Bản thân ông Linh dám làm mà không có gan nhận. Trước đó không lâu một vụ cưỡng hôn cô gái ở thang máy mà chỉ bị phạt 200.000 đồng rồi xong! Thử hỏi phụ nữ và trẻ em biết trông cậy vào đâu khi gặp những người biến thái như vậy?"- một bạn đọc đề nghị không nêu tên cho biết.
Vụ án ông Nguyễn Hữu Linh vẫn chưa khép lại. Gia đình cháu bé kia cũng không muốn ồn ào thêm, sợ ảnh hưởng đến đứa trẻ sau này. Thế nhưng, công luận của nhân dân đã và sẽ phán xử ông Linh rất nghiêm khắc vì nếu không như thế thì con cháu chúng ta chẳng biết lúc nào sẽ lại bị những kẻ ấu dâm hãm hại.
Ông Nguyễn Hữu Linh rời tòa án
Câu chuyện ông Nguyễn Hữu Linh có thể xem như là một tấm gương cho những ai đang định có những ý tưởng dâm ô trẻ em, họ cần phải suy nghĩ lại; nếu không họ cũng sẽ bị khinh bỉ, bị săn đuổi như ông Linh ngày 25-6.
Bình luận (0)