Ở chiều ngược lại, cô Tâm phản đối việc bản thân không làm sai nhưng bị nhà trường đề nghị kỷ luật và cô sẽ làm đơn gửi các cấp có thẩm quyền. Chưa biết sự việc sẽ đi về đâu nhưng trong môi trường giáo dục thì cách ứng xử của các bên đang rất… phản giáo dục.
Người Việt Nam rất coi trọng văn hóa ứng xử. Kính trên nhường dưới, tôn trọng người lớn, tôn trọng thầy cô giáo... Tuy nhiên, sự phát triển của xã hội, mạng internet với nhiều nội dung lệch lạc trong chuẩn mực đạo đức làm cho nhiều giá trị truyền thống bị ảnh hưởng, có khi đảo lộn, khiến không chỉ những đứa trẻ, mà ngay cả những người làm thầy cô cũng thay đổi cách ứng xử, quên mất vị trí, vai trò của mình. Trong khi đó, muốn thực hiện giáo dục văn hóa thì bản thân nền giáo dục phải là nền giáo dục mang đậm giá trị văn hóa, nơi mà thầy cô là những người ứng xử có văn hóa nhất.
Một trong những tiêu chí của giáo dục hiện nay là thầy cô hãy trở thành những người bạn đồng hành, người hỗ trợ để học sinh lớn lên và trưởng thành. Chính vì vậy, họ phải có cách ứng xử đúng đắn, là tấm gương cho học sinh của mình. Tức phải quan tâm đến văn hóa học đường, trong đó có việc thực thi các quy tắc ứng xử trong trường học, các chuẩn giá trị của trường học.
Ba từ khóa quan trọng nhất để xây dựng văn hóa học đường, tạo nên giá trị của nền giáo dục là: Hệ giá trị tốt đẹp - Thái độ đúng đắn - Hành vi phù hợp. Liệu thế hệ trẻ có còn lưu giữ được nét đẹp ấy hay không khi chính thầy cô hành xử không đúng, không nhân văn, không phù hợp với yêu cầu của thời đại?
Bình luận (0)