Đầu tháng 6 vừa qua, chúng tôi có mặt tại một bãi biển ở Côn Đảo. Rác tấp trắng cả bãi cát, nằm vắt vẻo trên các vách đá. Tại khu vực rừng ngập mặn của hòn Bảy Cạnh (hòn đảo nổi tiếng rùa biển lên đẻ trứng), rác theo thủy triều tiến sâu vào bên trong, vướng vào rễ cây và án ngự trên cành. Khi thủy triều rút, rác bị mắc kẹt trong rừng từ ngày này qua ngày khác.
Hứng rác từ đại dương
Một cán bộ kiểm lâm tại hòn Bảy Cạnh cho biết nhiều bãi biển ở Côn Đảo ngập rác do theo dòng nước, rác từ các nơi tập trung hết về nơi đây. Khi thủy triều lên, rác tiến sâu vào rừng ngập mặn, mắc kẹt bởi rễ, cành cây không thể thoát ra ngoài. “Thu gom hôm nay nhưng chỉ tuần sau rác lại tập kết, không có cách gì khác ngoài việc sống chung với rác” - người này lo ngại.
Hằng năm, lượng rác thải từ đại dương tập trung về các bãi biển trên địa bàn huyện Côn Đảo với khối lượng khoảng 900 m3/năm. Trong đó, khoảng 100 m3 rác thải là dầu cặn.
Các khu vực tập trung rác đại dương nhiều nhất là bãi Bờ Đập, bãi Dương (hòn Bảy Cạnh); bãi Cát Lớn (hòn Bà); bãi Đầm Trầu, khu vực cuối tuyến bến Đầm, trước vịnh Côn Sơn; bãi Vong; bãi Suối Ớt (hòn Côn Sơn). Rác chủ yếu là vỏ chai nhựa, chai sứ, túi ni-lông, lưới đánh cá, giày dép, phao theo dòng nước trôi dạt về.
Tại các hòn khác, rác chỉ tập trung vào mùa gió chướng (gió Đông Bắc, từ tháng 10 năm trước đến tháng 3 năm sau). Riêng ở hòn Bảy Cạnh, đến mùa gió chướng, rác dạt vào bãi Bờ Đập, rồi từ tháng 4 đến tháng 9 năm sau (gió Tây Nam) lại tấp vào bãi Cát Lớn. Chính vì vậy, hòn Bảy Cạnh luôn hứng chịu lượng rác lớn từ đại dương.
Ngoài rác từ đại dương, khối lượng rác sinh hoạt của người dân tại Côn Đảo cũng khá lớn (trung bình khoảng 15 m3/ngày).
UBND huyện Côn Đảo, Ban Quản lý Vườn Quốc gia Côn Đảo luôn cắt cử lực lượng tham gia thu gom rác, chi phí lên tới hàng trăm triệu đồng nhưng chỉ sau vài ngày, rác lại tràn ngập khắp nơi.
Đốt không xuể
Tại huyện Côn Đảo, cách xử lý rác là đốt và… chất đống. Rác thải từ túi ni-lông, vỏ chai nhựa thì cho vào lò đốt; riêng rác thải bằng thủy tinh, hộp sắt thì được phân loại ra và chất thành từng đống cao.
Một công nhân xử lý rác tại bãi tập kết rác Côn Đảo cho biết trung bình mỗi ngày huyện Côn Đảo có 3 xe rác, mỗi xe tương đương 5 m3. Lượng rác tập trung nhiều nhất - lên đến 5 xe mỗi ngày - vào thứ hai và thứ năm, trong khi lò đốt chỉ có thể đốt được 1 xe rác/ngày nên rác cứ chất đống. Khi rác nhiều quá thì người ta sử dụng xe cẩu để san bằng nên diện tích tập kết rác ngày càng nới rộng.
Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Hùng Tâm, Chánh Văn phòng UBND huyện Côn Đảo, cho biết ngoài rác thải của ngư dân trong và ngoài tỉnh, Côn Đảo là huyện nằm gần tuyến đường thủy quốc tế nên không tránh khỏi việc rác tập kết hết về đây. UBND huyện đã đề xuất nhiều phương án để xử lý rác thải nhưng hiện tại, cách xử lý duy nhất chỉ có thể là đốt. Với lượng rác quá lớn, huyện đề xuất trang bị thêm một máy đốt rác, một máy ép rác và đã được tỉnh chấp nhận. “Có thêm máy ép sẽ làm giảm không gian bãi tập kết rác, còn việc vận chuyển rác thải có thể tái chế về đất liền thì chi phí quá lớn” - ông Tâm băn khoăn.
Ông Tâm cũng thừa nhận việc đốt những loại rác như vỏ chai nhựa, túi ni-lông về lâu dài sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường và sức khỏe của người dân trên đảo. “Nếu rác tích lũy từ năm này qua năm khác không được xử lý và ngày càng tăng khối lượng thì rất nguy hiểm, không tốt cho môi sinh, môi trường, ảnh hưởng đến các loại thủy sản nuôi trồng, phá vỡ hệ sinh thái rừng, biển. Trong khi đó, Côn Đảo lại là nơi có nhiều loại động, thực vật quý hiếm cần được bảo vệ và đang được định hướng phát triển du lịch sinh thái biển” - ông Tâm lo ngại.
Mỗi khi mưa xuống, nước rỉ từ bãi rác chảy trực tiếp xuống biển. Vì vậy, huyện Côn Đảo đã cho xây dựng hệ thống mương dọc theo vách núi để hạn chế phần nào tình trạng gây ô nhiễm môi trường.
Bình luận (0)