“Tôi rất đồng tình với việc không miễn nghĩa vụ quân sự (NVQS) cho công chức, viên chức. Nhưng phải có biện pháp ràng buộc, xem việc thi hành NVQS như một điều kiện xét tuyển công chức, bổ nhiệm lãnh đạo, chứ như hiện nay là không công bằng”. Bạn đọc Thanh Lan đã viết như vậy về dự án Luật Nghĩa vụ quân sự (sửa đổi) vừa được đại tướng Phùng Quang Thanh và Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Nguyễn Kim Khoa trình bày trước Quốc hội.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, nhấn mạnh: “Học ĐH thì tạm thời chưa gọi chứ không phải miễn, học xong thì phải làm NVQS… Việc này có ý nghĩa rất quan trọng trong thời điểm hiện nay, nhất là với một dân tộc luôn phải tự vệ, sẵn sàng bảo vệ Tổ quốc”
Song song với quy định thống nhất thời hạn tham gia NVQS cho mọi đối tượng từ 18 lên 24 tháng và tăng độ tuổi thi hành từ 25 lên 27 tuổi, việc dự án luật quy định người tốt nghiệp ĐH chính quy phải tham gia NVQS sau thời gian tạm hoãn được dư luận đồng tình cao.
Vấn đề là làm thế nào để bảo đảm công bằng xã hội, gắn trách nghiệm, nghĩa vụ và cả quyền công dân của người tham gia NVQS. Trên thực tế, thời gian qua, dù qua 3 lần sửa đổi, bổ sung luật vào các năm 1990, 1994, 2005 nhưng do thiếu quy định chặt chẽ, đại đa số sinh viên ĐH đã được tạm hoãn NVQS. Mục tiêu xây dựng quân đội chính quy hiện đại, tinh nhuệ qua nhiều lần sửa đổi luật đã không phát huy hiệu quả khi 90% người tham gia NVQS là thanh niên nông thôn, người có trình độ thấp.
Bạn đọc Việt Vũ cho rằng lâu nay thực hiện Luật NVQS của chúng ta vẫn chỉ tập trung vào con em nông thôn, nhà nghèo, ít có điều kiện học hành, còn những thanh niên có điều kiện học hành, người có trình độ thì lại không. “Do đó việc sửa đổi Luật NVQS phải đưa ra các quy định, biện pháp xử lý thật cụ thể để ràng buộc trách nhiệm, nghĩa vụ của đối tượng này” – bạn đọc Việt Vũ nhìn nhận. Bạn đọc Lý góp ý thêm: “Hàng năm có hàng trăm ngàn thanh niên vào ĐH, cao đẳng thì cũng có ngần ấy người tốt nghiệp ra trường. Đây là đối tượng rất cần cho xây dựng quân đội chính quy, hiện đại nên họ không thể đứng ngoài. Nhà nước cần có biện pháp và chính sách hỗ trợ để ràng buộc, khuyến khích họ tham gia”. Còn theo bạn đọc Phan Văn Tuấn: “Phải có sự phối hợp đồng bộ của các cấp ngành, địa phương và nhà trường. Những sinh viên sau khi tốt nghiệp, nếu không thi hành NVQS thì không cấp bằng, có như vậy họ mới không dám trốn”.
Một đối tượng khác thuộc đối tượng điều chỉnh của dự án luật NVQS, đó là cán bộ, công chức. Gần như cán bộ, công chức nói riêng thời gian qua bị “quên” gọi NVQS.
Rất nhiều bạn đọc đồng tình với quan điểm của đại tướng Phùng Quang Thanh, đó là không miễn thi hành NVQS đối với cán bộ, công chức. Để không bị bỏ sót đối tượng này, đông đảo bạn đọc đề xuất xem xét việc hoàn thành NVQS như một điều kiện trong thi tuyển, bổ nhiệm công chức, buộc mọi người phải tham gia. "Theo tôi, Quốc hội nên có chỉ đạo về việc này, phải xem đây như một điều kiện, tiêu chuẩn để xét tuyển công chức, bổ nhiệm lãnh đạo. Chẳng hạn bổ nhiệm cấp trưởng đầu ngành, người được bổ nhiệm phải có giấy chứng nhận hoàn thành NVQS. Công chức, cán bộ phải gương mẫu, nếu trốn tránh thì nói ai nghe?!” - bạn đọc Kim Thanh góp ý.
Bình luận (0)