Ngày 25-6, ghi nhận tại bảng điện tử trên các tuyến đường ở TP HCM, chúng tôi nhận thấy thông tin hiển thị chỉ số môi trường do Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) công bố được đo đạc vào tháng 4-2017. Như vậy, so với thực tế, dữ liệu đưa ra chậm đến 2 tháng.
Kinh phí gần 8 tỉ đồng
Còn tại đường Nguyễn Thị Minh Khai, đoạn cạnh Nhà Văn hóa Thanh Niên (quận 1), dòng người lưu thông đông đúc khiến ít người có đủ thời gian nhìn bảng điện tử hiển thị chi chít con số và ký hiệu viết tắt. Nếu dừng xe lại thì phải mất hơn 10 giây để đọc hết dòng chữ: Cầu Lê Văn Sỹ: PH 7.04, Do (3,46 mg/l), BOD5 (mg/l), COD (13 mg/l).
Chúng tôi hỏi thăm nhiều người đi đường, trong đó có sinh viên và nhân viên văn phòng, hầu hết đều không hiểu ký hiệu nội dung này là gì, ngoại trừ chỉ nhận diện thông qua màu sắc. Cụ thể, khi thông số môi trường xuất hiện với màu xanh thì đồng nghĩa tiêu chí đó bảo đảm; ngược lại, khi bảng điện tử hiển thị màu đỏ là môi trường bị ô nhiễm.
Ông Ngô Ngọc Phúc - nhà tại đường Nguyễn Oanh, quận Gò Vấp - cho biết bảng điện tử đặt sau ngã tư Nguyễn Oanh - Phan Văn Trị khiến ít người có thể dừng lại xem kịp. Ông Phúc chia sẻ: "Nếu dừng lại xem bảng điện tử thì gây kẹt xe hoặc va chạm giao thông. Khi đọc kỹ các con số cũng ít người hiểu chúng là gì, trong khi người dân chỉ cần biết nơi đó có ô nhiễm hay không".
Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Người Lao Động, thông tin về chỉ số môi trường được thu thập và xử lý từ hệ thống quan trắc chất lượng môi trường, gồm 20 trạm quan trắc chất lượng không khí, 26 trạm quan trắc nước mặt, 15 trạm quan trắc chất lượng nước kênh rạch. Bước đầu thử nghiệm 2 năm với kinh phí gần 8 tỉ đồng.
Một bảng điện tử hiển thị thông tin chỉ số môi trường ở TP HCM
Người dân ít quan tâm
Nhìn nhận về dự án, TS Hồ Quốc Bằng - Trưởng Phòng Ô nhiễm không khí và Biến đổi khí hậu Viện Môi trường và Tài nguyên, ĐHQG TP HCM - cho rằng nếu xét về mặt ý nghĩa, việc công bố này chỉ dừng ở mức độ nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường. Còn theo TS Nguyễn Hữu Lộc, Trung tâm Nghiên cứu Phát triển môi trường, với kinh phí tiền tỉ mà dự án chỉ đưa ra thông tin chung chung là quá lãng phí.
"Tôi thực hiện cuộc khảo sát nhỏ thấy phần lớn người dân không quan tâm con số mà họ quan tâm các dữ liệu dễ hiểu như: Nơi tôi ở lúc này có ô nhiễm không khí và nguồn nước hay không? Nếu Sở TN-MT làm được điều này thì mới gọi là dự án thành công" - TS Lộc bày tỏ.
TS Nguyễn Hữu Lộc cho rằng thay vì đưa ra các số liệu, Sở TN-MT nên cho hiển thị một bảng đồ các khu vực có dấu hiệu ô nhiễm không khí, nguồn nước. Để người dân nắm được nơi đâu là ô nhiễm, nơi đâu là không. Hoặc biên tập con số thành những dòng chữ cảnh báo để người dân nâng cao ý thức và né khu vực mình chuẩn bị đi ngang qua.
Trao đổi về việc các bảng điện tử có số liệu so với tình hình thực tế chậm, ông Cao Tung Sơn, Giám đốc Trung tâm Quan trắc TN-MT, Sở TN-MT, thừa nhận đó là thông tin đúng. Theo ông, năm 2002, Đan Mạch và Na Uy có tài trợ cho TP HCM 9 trạm quan trắc không khí tự động. Tuy nhiên, qua quá trình sử dụng thì tất cả đã xuống cấp hư hỏng. Vì vậy, kết quả đo phải dựa trên trạm đo thủ công.
"Nếu là trạm quan trắc tự động có thể xem số liệu 24/24 bất kể thời điểm nào. Còn bán tự động phải dùng thiết bị đo, vài lần trong ngày. Số liệu công bố trên bảng điện tử là tổng hợp các ngày trong tháng và cho kết quả trung bình nên hơi trễ" - ông Sơn giải thích.
Ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở TN-MT, cho biết mục đích việc thông tin môi trường thông qua bảng giao thông điện tử nhằm giúp người dân nắm bắt được chất lượng môi trường sống và tham gia giám sát cùng cơ quan quản lý nhà nước.
Sau khi tiếp nhận ý kiến từ các chuyên gia, người dân phản biện về đề án công khai chỉ số môi trường không đạt được mục đích mong muốn, ông Thắng bày tỏ cảm ơn cũng như ghi nhận và trong thời gian tới sẽ có những đánh giá để điều chỉnh lại.
Theo Giám đốc Sở TN-MT, đơn vị đã trình UBND TP đề án phủ sóng các trạm quan trắc giai đoạn từ nay đến năm 2020. Theo đó, sẽ lắp đặt 27 trạm quan trắc tự động và 227 trạm bán tự động để quan trắc các dữ liệu ô nhiễm nước mặt, nước ngầm và không khí. Dự kiến, tổng kinh phí khoảng 495 tỉ đồng. "Chúng tôi sẽ dần hoàn thiện đề án này và tương lai, thông tin dữ liệu sẽ dễ hiểu, tức thời và đa dạng nội dung" - ông Thắng khẳng định.
Hàng loạt bảng điện tử bị hỏng
Qua ghi nhận cho thấy hiện có ít nhất 10/45 bảng điện tử ở TP HCM bị hỏng suốt nhiều tháng qua, trên các đường Nguyễn Văn Trỗi (quận Phú Nhuận), 3 Tháng 2 (quận 10), Võ Văn Kiệt (quận Bình Tân), Kinh Dương Vương (quận Bình Tân)…
Trả lời về thực trạng này, đại diện Trung tâm Quản lý đường hầm sông Sài Gòn, Sở Giao thông Vận tải TP HCM cho biết do kinh phí không đủ nên chưa tiến hành sửa chữa. Hiện đơn vị đã có văn bản đề xuất kiểm tra, bảo trì lại toàn bộ các bảng điện tử trên đường phố.
Bình luận (0)