Ngày 4-7, kỳ họp thứ 5 HĐND TP HCM khóa IX đã diễn ra với nhiều vấn đề "nóng" được các đại biểu (ĐB) đề cập. Đó là bài toán "giành" lại vỉa hè sao cho dung hòa giữa trật tự đô thị và cuộc sống mưu sinh của người dân để chủ trương này thật sự hiệu quả, đi vào lòng người hay câu chuyện bỏ ra hơn 1.000 tỉ đồng để cải tạo kênh Ba Bò mà 10 năm rồi vẫn hôi thối.
Dẹp vỉa hè bị chém đứt tay
Báo cáo tờ trình về tình hình kinh tế - xã hội TP 6 tháng đầu năm 2017, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Lê Thanh Liêm đánh giá công tác quản lý đô thị có chuyển biến tích cực, chỉ đạo quyết liệt công tác quản lý trật tự đô thị, lòng đường, vỉa hè trên địa bàn đạt kết quả bước đầu, tạo sự đồng thuận của nhân dân.
Trong khi đó, Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP Tô Thị Bích Châu phản ánh ý kiến cử tri rất đồng tình chủ trương này nhưng cách làm thời gian qua là chưa đồng bộ, thiếu kiên quyết. Người kinh doanh ở vỉa hè đang thăm dò cách làm của chính quyền địa phương để tiếp tục buôn bán, lấn chiếm lòng đường, vỉa hè. Nguyên nhân, theo bà Châu, do một số cơ quan chức năng chưa thực hiện hết trách nhiệm kiểm tra, giám sát; sự phối hợp giữa các địa phương chưa chặt chẽ, nhất là địa bàn giáp ranh; việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu chưa nghiêm. "Dư luận nghi ngờ có tình trạng bảo kê, chống lưng hoặc lợi ích nhóm" - bà Châu nêu. Từ đó, bà Châu đề nghị chính quyền song song với lập lại trật tự lòng lề đường phải gắn liền với việc lập lại trật tự kỷ cương ngay trong bộ máy quản lý điều hành; đồng thời rà soát cụ thể các tuyến đường, vỉa hè, có tham khảo ý kiến người dân tại chỗ để quyết định kẻ vạch sơn phù hợp.
Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân (bìa trái) trao đổi với đại biểu bên lề kỳ họp Ảnh: Hoàng Triều
Câu chuyện vỉa hè tiếp tục được các ĐB thảo luận sôi nổi tại tổ. ĐB Nguyễn Thị Thanh Vân đánh giá công tác này có chuyển biến song kết quả chưa đồng bộ, thiếu kiên quyết và thiếu bền vững… Vì vậy, bà đề nghị UBND TP cần có kế hoạch, lộ trình và giải pháp cụ thể. Theo ĐB Vân, đối với người buôn bán hàng rong, đa số là nhập cư, cần tiến hành điều tra xã hội học rộng khắp, tìm hiểu gia cảnh, phương tiện kiếm sống, nhận thức của họ về buôn bán lấn chiếm, đào tạo nghề, giới thiệu việc làm. Vừa qua, ở quận Gò Vấp có một phó chủ tịch phường bị chém đứt động mạch tay khi xử lý lấn chiếm lòng đường, vỉa hè. "Cần có cơ chế bảo đảm an toàn và chế độ cho lực lượng thực thi công vụ" - ĐB Vân đề nghị.
ĐB Thi Thị Tuyết Nhung cũng cho rằng trong quá trình triển khai công tác lập lại trật tự lòng đường, vỉa hè, một số nơi đã thể hiện sự nóng vội, chưa đi vào lòng dân, gây ra những phản ứng đáng tiếc. "Tôi thấy các quận, huyện có những cách làm khác nhau nhưng việc buôn bán này cũng do người dân không có nơi kinh doanh ổn định" - ĐB Nhung nêu.
Đầu tư cả ngàn tỉ mà vẫn hôi thối
ĐB Nguyễn Thị Tố Trâm phản ánh dự án kênh Ba Bò đầu tư hơn 1.000 tỉ đồng nhưng đến nay vẫn còn ô nhiễm. Trong khi đó, chính quyền 2 địa phương là Bình Dương và TP HCM lại đổ lỗi cho nhau. "Người dân đâu quan tâm lỗi của ai. Họ chỉ cần biết làm sao cho hết ô nhiễm" - bà Trâm nêu và đề nghị 2 địa phương phải làm việc với nhau để sớm giải quyết những tồn đọng tại dự án kênh Ba Bò. Đồng tình, ĐB Huỳnh Thanh Nhân cho biết quận Thủ Đức đã nhiều lần có ý kiến về dự án kênh Ba Bò. Ông Nhân đề nghị: "Lãnh đạo TP tăng cường kiểm tra đôn đốc để dự án sớm hoàn thành. Vấn đề quan trọng là phối hợp giữa Bình Dương và TP HCM để quản lý được việc xả nước thải của các KCN. Phải có sự phối hợp chặt, nếu không sẽ lãng phí lớn khi nguồn vốn đầu tư quá nhiều".
Ông Hoàng Cảnh Dương, Chi cục phó Chi cục Bảo vệ môi trường - Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) TP, cho biết KCN Sóng Thần 1 và Sóng Thần 2 đã lắp đặt thiết bị quan trắc tự động và hệ thống xử lý nước thải. Do đó, kênh Ba Bò bị ô nhiễm chủ yếu từ nước thải sinh hoạt các khu dân cư đổ ra. Còn theo ông Đỗ Tấn Long, Trưởng Phòng Quản lý hệ thống thoát nước, Trung tâm Điều hành Chương trình chống ngập nước TP, TP thuộc vùng hạ lưu của kênh Ba Bò nên có hồ sinh học để xử lý sơ bộ nguồn nước, trong khi phía thượng lưu ở Bình Dương có KCN xả thải. "Trung tâm sẽ làm việc với Sở Giao thông Vận tải TP và Sở Giao thông Vận tải tỉnh Bình Dương để kiểm tra các KCN này xem công tác xử lý nước thải như thế nào và có giải pháp xử lý tình trạng nước đổ từ phía Bình Dương về gây ô nhiễm" - ông Long nói.
Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Quyết Tâm đặt nghi vấn: "Cơ sở nào Sở TN-MT TP nói hệ thống xử lý nước thải ở KCN Sóng Thần 1, Sóng Thần 2 bảo đảm hay nước thải gây ô nhiễm kênh Ba Bò chủ yếu từ các khu dân cư? Sở đã lấy mẫu xét nghiệm chưa?". Trước câu hỏi của bà Tâm, ông Dương tỏ ra lúng túng: "Câu hỏi của chị Tâm sâu quá, sở chưa kịp nắm để trả lời".
Theo bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, TP đã mất thời gian rất dài để cải tạo kênh Ba Bò với mục tiêu giải quyết ô nhiễm bởi thực trạng hôi thối từ con kênh này rất kinh khủng, ảnh hưởng đến đời sống của người dân. "Nhưng thực tế hiện nay, sau khi dự án gần hoàn thành rồi mà vẫn chưa giải quyết được mùi hôi, bán kính bị mùi hôi tác động vẫn còn rất lớn. Cả lãnh đạo cấp cao của TP HCM và Bình Dương đã từng ngồi lại thảo luận rất nhiều lần nhưng kết quả không như mong muốn" - bà Tâm thông tin và đề nghị Sở TN-MT TP cần đánh giá cụ thể lại bằng kết quả xét nghiệm mẫu nước đổ ra kênh bằng quan trắc tự động và kết quả này có được lấy thường xuyên hay không để có giải pháp rốt ráo. "Ngành TN-MT hai địa phương phải có trách nhiệm đến cùng với người dân trong chuyện này" - bà Tâm nhấn mạnh.
Chưa hài lòng phần trả lời của đại diện của Sở TN-MT và Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập TP, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong yêu cầu giám đốc 2 đơn vị trên phải giải trình thêm về nội dung giải quyết ô nhiễm kênh Ba Bò tại phiên thảo luận tổ sáng 5-7.
Đất quốc phòng không phải là sở hữu của quân đội
Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP Tô Thị Bích Châu cho biết cách đây 4 năm, trên cơ sở tiếp thu ý kiến cử tri quận Tân Bình và lắng nghe tình hình nhân dân phản ánh, Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP (lúc bấy giờ là bà Võ Thị Dung) đã đề nghị không thực hiện dự án sân golf trong sân bay Tân Sơn Nhất. Theo bà Châu, từ đó đến nay, dư luận ngày càng bức xúc vì các ý kiến về việc này không được xem xét một cách cẩn trọng. "Diễn biến tình hình theo chiều hướng xấu đi khi khu vực sân bay ngày càng ngập nặng, kẹt xe nghiêm trọng, đối nghịch với hình ảnh sân golf rộng rãi, khu biệt thự to lớn bên trong" - bà Châu bức xúc. Bà Châu cũng cho rằng việc sử dụng đất quốc phòng có dấu hiệu sai mục đích, vừa lãng phí lại mang dấu hiệu lợi ích nhóm. Ủy ban MTTQ TP đề nghị chính quyền có kế hoạch tổng rà soát lại tình hình sử dụng đất quốc phòng trên địa bàn hiện nay. Phải xác định rõ đất quốc phòng không phải là đất sở hữu của quân đội, phải thu hồi những trường hợp sai mục đích để sử dụng cho nhu cầu phát triển đang rất bức bách của TP.
Hà Nội cấm xe máy tại các quận từ năm 2030
Ngày 4-7, sau khi thảo luận, 91% ĐB HĐND TP Hà Nội thống nhất thông qua đề án về "Tăng cường quản lý phương tiện giao thông nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn TP Hà Nội, giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn 2030".
Theo nghị quyết, TP sẽ dừng hoạt động xe máy trên địa bàn các quận nội thành vào năm 2030; tổ chức thống kê, phân loại theo khu vực (quận, huyện), niên hạn, chủng loại toàn bộ xe máy trên địa bàn TP; phân vùng hạn chế hoạt động của xe máy phù hợp với cơ sở hạ tầng và năng lực phục vụ của hệ thống vận tải hành khách công cộng.
Bên cạnh đó, Hà Nội cũng sẽ cấm ô tô hoạt động theo giờ, theo ngày trên một số tuyến phố; thí điểm cấm đỗ theo ngày chẵn, lẻ; ban hành quy định hoạt động của taxi ngoại tỉnh. Ngoài ra, để quản lý số lượng phương tiện tham gia giao thông, Hà Nội sẽ thực hiện đồng bộ các giải pháp, trong đó có việc lập quy hoạch vận tải hành khách bằng taxi đến năm 2030, lộ trình thực hiện 2017-2020.
Với taxi và các phương tiện hoạt động kinh doanh tương tự taxi (xe Uber, Grab...), TP cấp hạn ngạch phù hợp với điều kiện giao thông và năng lực của kết cấu hạ tầng. Hà Nội cũng sẽ rà soát, nghiên cứu đưa ra số lượng ô tô điện hoạt động theo khu vực trên địa bàn toàn TP, phù hợp với kết cấu hạ tầng và an toàn giao thông.
Nghị quyết cũng nêu chủ sở hữu ô tô phải mở tài khoản điện tử, lắp thiết bị phụ trợ để phục vụ quản lý phương tiện và điều tiết giao thông (thiết bị thu phí tự động...); thiết lập cơ chế tính giá dịch vụ trông giữ phương tiện theo hướng lũy tiến theo giờ và tăng mạnh vào khu vực trung tâm. Trong thời gian tới, Hà Nội sẽ lập Đề án thu phí phương tiện cơ giới vào một số khu vực trên địa bàn TP...
Ng.Hưởng
Bình luận (0)