Sau bài viết "CSGT hay bị chống đối, vì sao?" của luật sư Nguyễn Thành Công (Công ty Đông Phương Luật) đăng trên Báo Người Lao Động ngày 3-5, nhiều bạn đọc bày tỏ sự đồng tình với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng bài viết chỉ mới phân tích một phần nguyên nhân.
"Hồi xưa làm gì có chuyện mãi lộ…"
Theo bạn đọc Hai Chinh (Bình Dương), nếu CSGT hay các lực lượng chức năng khác khi thi hành công vụ (THCV) mà công tâm, nghiêm chỉnh, thượng tôn pháp luật, "đừng lăn tăn" để nhiều video clip, báo chí phản ảnh chuyện không tử tế thì đố người nào dám chống lại nhân viên công lực.
"Vấn đề đặt ra là ở đâu đó vẫn còn những biểu hiện tiêu cực, vẫn còn những cá nhân thiếu trách nhiệm với nhân dân nên chưa nhận được sự đồng tình. Hãy công minh trong xử lý vi phạm, mọi chuyện sẽ ổn" - bạn đọc Nguyễn Sa nêu ý kiến. Nhiều bạn đọc có chung quan điểm nếu CSGT khi tiếp xúc với người dân có tác phong, tư thế, lời nói chừng mực, tôn trọng người dân, thể hiện mình là người đang THCV thì sẽ nhận được sự đồng thuận, dù người dân có bị xử phạt.
"Tâm lý thường tình là bị kiểm tra, xử phạt, dù vi phạm thì cũng có cái nhìn thiếu thiện cảm với người xử phạt mình. Đó là chưa nói đến một số CSGT, thay vì hướng dẫn người dân đi đúng luật giao thông thì lại lợi dụng sự thiếu hiểu biết pháp luật của họ để trục lợi khiến hình ảnh CSGT trở nên xấu xí, gặp người nóng tính càng dễ xảy ra chống đối" - bạn đọc Nghi Phan phân tích.
Đồng quan điểm, bạn đọc Lương Tâm cho rằng: "CSGT có lúc, có nơi làm không nghiêm, còn lợi dụng lấy tiền của người dân vô cớ, thái độ ứng xử với dân thiếu văn minh, thậm chí ỷ quyền hỗn láo với dân... Nếu CSGT làm đúng luật, nghiêm túc, lịch sự, kiên quyết thì tôi nghĩ ít có xảy ra trường hợp bị chống đối khi đang THCV".
Trong khi đó, ông Mai Văn Phương (ngụ phường Bình Thọ, quận Thủ Đức) chia sẻ: "Hồi xưa làm gì có chuyện mãi lộ, chung chi tại chỗ; làm gì có chuyện người vi phạm đuổi đánh CSGT như bây giờ. Lỗi một phần cũng do người THCV đã không giữ được uy tín vốn có của người công an nhân dân".
Một CSGT (Đội CSGT Bình Triệu, PC67, Công an TP HCM) khi ra hiệu lệnh dừng xe đã bị một thanh niên tông ngã, dẫn đến chấn thương sọ não và gãy ống chân vào tối 11-3. Ảnh: Yên Phú
Chí công, vô tư, ứng xử khéo léo
Trao đổi về đề tài này, một lãnh đạo thuộc Phòng CSGT đường bộ, đường sắt (PC67) - Công an TP HCM thừa nhận ngoài việc người vi phạm đã hành động quá mức do một vài nguyên nhân nào đó thì cũng phải công tâm nhìn nhận một bộ phận nhỏ trong lực lượng CSGT đã không thực thi đúng quy định, không làm đúng điều lệnh ngành, không giải thích rõ cho người vi phạm về quy định của pháp luật hoặc trong quá trình giao tiếp với người vi phạm đã không khéo léo. Thậm chí có một số anh em mới vào ngành, tuổi đời còn trẻ, thiếu kinh nghiệm trong quá trình tiếp xúc đã gây ức chế cho người vi phạm.
Còn theo lãnh đạo một đội thuộc PC67, thực tế một số người vi phạm sau khi được lực lượng CSGT giải thích về lỗi vi phạm đã cố tình chống đối để tránh bị xử phạt hành chính. Nhiều trường hợp do sợ bị tạm giữ phương tiện đã cố tình chống đối lực lượng CSGT. Nếu gặp CSGT mới vào nghề thiếu kinh nghiệm, người vi phạm tìm cách tẩu thoát hoặc hù dọa để tránh bị lập biên bản vi phạm. Ngoài ra, cũng có nhiều trường hợp do ức chế một việc gì đó trong công việc, cuộc sống nên khi bị lực lượng CSGT lập biên bản vi phạm thì không giữ được sự bình tĩnh dẫn đến đôi co, thậm chí chống người THCV. Tuy nhiên, vị cán bộ này cũng thừa nhận việc người vi phạm chống đối đôi khi phụ thuộc vào cách chào hỏi, thái độ, tác phong, ứng xử của chính CSGT. Nếu cứng rắn hoặc trịch thượng quá sẽ dễ khiến người vi phạm có hành vi tiêu cực và ảnh hưởng đến hình ảnh CSGT.
Luật sư Nguyễn Văn Hậu - Chủ tịch Hội Trọng tài Thương mại TP HCM, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP HCM - cho rằng hiện vẫn tồn tại tình trạng một số cá nhân trong lực lượng CSGT hạn chế về trình độ nghiệp vụ, pháp luật, trách nhiệm và đạo đức nghề nghiệp; thậm chí nhũng nhiễu, tiêu cực, gây phiền hà cho người dân. Do đó, cần có biện pháp hiệu quả để loại trừ những cá nhân này. Đồng thời, công tác lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát hoạt động đối với lực lượng thực thi pháp luật cần thường xuyên, chặt chẽ hơn nhằm phát hiện, xử lý kịp thời các sai phạm. Điều này góp phần tạo lòng tin từ phía người dân đối với các cá nhân, tổ chức thi hành pháp luật; từ đó bảo đảm việc tuân thủ pháp luật của người dân.
Quy định thiếu cụ thể
Luật sư Nguyễn Văn Hậu phân tích điều 14 Nghị định 208/2013/NĐ-CP ngày 17-12-2013 của Chính phủ quy định các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý hành vi chống người THCV, có quy định về các biện pháp ngăn chặn hành vi chống người THCV. Tuy nhiên, đâu là trường hợp người THCV được sử dụng các biện pháp ngăn chặn nêu trên và mức độ thực hiện các biện pháp trên thì lại rất khó xác định. Đây có thể là một trong những nguyên nhân làm cho người THCV không dám thực hiện các biện pháp cần thiết để ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật trên, bởi trong trường hợp vượt quá giới hạn THCV được pháp luật cho phép, có thể người THCV phải chịu trách nhiệm hình sự đối với các tội, như: Làm chết người trong khi THCV; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác trong khi THCV. Do đó, cần có quy định giúp phân biệt rõ trường hợp nào người THCV được phép thực hiện các biện pháp ngăn chặn hành vi chống người THCV được pháp luật cho phép.
T.Đồng
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 3-5
Bình luận (0)