Mấy hôm nay, dư luận sôi lên cái chuyện ông Lê Tấn Thịnh, Trưởng Công an xã Quảng Điền, huyện Krong Ana (Đắk Lắk) tung cước đá bay thau cá của người dân buôn bán lấn chiếm lòng lề đường khu vực chợ Điện Bàn.
Phải nói coi cái clip cảm giác rất ức chế. Không ức chế sao được khi một cán bộ ăn bận lịch sự lại hành xử thô lỗ như côn đồ.
Nhưng sau khi cảm giác "điên tiết" bão hòa, nhìn khuôn mặt tức tối của người công an và những gương mặt hơi có phần tỉnh bơ của người dân trong clip tôi bỗng thấy một nỗi ức chế khác nhen lên. Tôi nhớ đến cảm giác ức chế của chính mình khi phải lưu thông qua những đoạn đường tự nhiên bị biến thành chợ như vậy.
Đường biến thành chợ bởi những người buôn bán lấn chiếm lòng lề đường ở xã Quảng Điền, huyện Krong Ana (Đắk Lắk). Ảnh cắt từ clip
Người ta lên án, phê phán, chửi rủa người công an không thương tiếc và bày tỏ sự cảm thông: "Sao đối xử như vậy với người nghèo?" nào "con cá, mớ rau là chén cơm manh áo của họ sao lại đạp đổ".
Nếu quý vị đang đi trên đường, chạy bon bon, tự nhiên bị ách lại bởi kẻ mua người bán tấp nập tôi bảo đảm quý vị sẽ không có được sự cảm thông tràn trề như khi ngồi bên bàn phím. Thể nào quý vị cũng sẽ lên án những người buôn bán lấn chiếm thiếu ý thức; kêu gào, phê phán chính quyền địa phương không quản lý, dọn dẹp lòng lề đường.
Dĩ nhiên, hành xử của ông Thịnh là không thể chấp nhận được, nhưng nếu xét về góc độ tâm lý thì tôi hoàn toàn thông cảm.
Hãy nhìn thái độ và khuôn mặt của những người buôn bán lấn chiếm lòng lề đường trong clip. Tôi không hề thấy sự bất ngờ nào từ họ mà là những khuôn mặt như đã quen với chuyện đó rồi: Bình thản, lầm lì đến vô cảm.
Thông thường, khi cơ quan chức năng dọn dẹp lòng lề đường, một không khí khẩn trương ngay lập tức diễn ra, ai nấy lo di chuyển đồ đạc vì sợ bị thu giữ, lập biên bản.
Hãy xem kỹ hành động của những người trong clip sẽ thấy họ chẳng coi công an xã – những người đang làm nhiệm vụ dẹp lòng lề đường – ra cái đinh gỉ gì cả. Công an có mặt rồi nhưng không hề thấy cảnh dọn dẹp khẩn trương nào, manh chuối vẫn còn nằm sát trên phần đường nhựa. Bên kia đường, mọi việc buôn bán vẫn diễn ra bình thường, khi ông Thịnh tiến qua, tung cước vào một cái rổ thì 1 người mới đưa tay kéo manh trái cây nhích vào trong.
Điểm nhấn của clip là hình ảnh một người phụ nữ cầm cái cân (sau này được xác định là bà Lê Thị Đay) trong khi thau cá và manh cá vẫn nằm yên như thách thức. Khi ông Thịnh tới đá bay thau cá, hất tung tấm bạt đựng cá thì bà Đay không có vẻ gì bất ngờ. Điều này chứng tỏ bà biết mình sai và đã bị nhắc nhở nhiều lần nhưng vẫn cứ bán.
Việc bà Đay cầm cái cân cho thấy bà sợ bị thu cái cân thay vì mớ cá (vì tịch thu mớ cá không dễ, vì hôi hám, nước nôi).
Cũng trên Báo Người Lao Động, ngày 4-10, bà Đay nói vì hoàn cảnh khó khăn nên mới đi bán cá mưu sinh. "Tôi biết việc lấn chiếm lề đường để bán hàng là sai nhưng hành động của vị công an xã quá phản cảm và không đúng đạo đức của người cán bộ. Chúng tôi sai thì chính quyền thu gom, xử phạt hoặc có biện pháp khác hài hoà hơn chứ đá bay đồ đạc như vậy là không chấp nhận được" – bà Đay nói.
Không lẽ cho là mình nghèo rồi cho mình cái quyền ra lấn chiếm lòng lề đường? Biện pháp nào là hài hòa khi ngay cả ông Thịnh hùng hổ như vậy rồi mà hôm sau bà Đay vẫn ra lề đường bán cá như thường?
Ngày 5-10, UBND xã Quảng Điền đã tổ chức buổi xin lỗi những tiểu thương sau hành xử thô bạo của ông Thịnh. Vậy ai sẽ xin lỗi những người đi đường bị cản trở giao thông bởi việc lấn chiếm của những tiểu thương đó? Và ai sẽ bảo đảm rằng việc lấn chiếm đó không tái diễn khi chế tài hiện nay không đủ nặng; việc kiểm tra, xử lý lấn chiếm lòng lề đường không thể làm thường xuyên?
Khi xảy ra việc lấn chiếm lòng lề đường người ta thường đổ tại chính quyền sở tại quản không tốt. Khi chính quyền ra quân dọn dẹp thì dư luận soi mói, phê phán những người thi hành công vụ hành xử như kẻ cướp (vì phải hô hào, chụp giật, tịch thu). Chỉ có những người buôn bán lấn chiếm lòng lề đường là… khỏe, dù đây mới là đối tượng chính gây ra cảnh hỗn loạn. Thậm chí nhiều trường hợp họ trở thành nạn nhân đáng thương.
Tại sao như vậy? Vì họ nghèo!
Việt Nam còn rất nhiều người nghèo, điều đó ai cũng biết. Nhưng nghèo không có nghĩa là biến đường thành chợ và chây ì ra coi thường pháp luật.
Một đất nước muốn phát triển giàu mạnh phải có kỷ cương. Ở đó quan ra tư cách của quan, dân ra tư cách của dân. Ở đây, ông Thịnh không xứng đáng tư cách một người công an còn những người tiểu thương lấn chiếm lòng lề đường đó, theo tôi cũng không xứng đáng tư cách một công dân tốt.
Ông Thịnh sau vụ việc này rồi cũng sẽ tự nhìn nhận lại thái độ của mình nhưng tôi tin chắc rằng những tiểu thương chợ Điện Bàn sẽ không bao giờ nhận thức được cái sai của họ để hành xử đúng đắn hơn.
Lý luận của người nghèo là "tôi nghèo, tôi khổ, tôi cần được thông cảm, được bỏ qua, du di,…". Và đáng nói là cái lý luận đó được dư luận đồng tình, bênh vực.
Tôi biết, quan điểm của tôi thế nào cũng sẽ vấp phải sự phản ứng của nhiều người vì "thiếu nhân văn". Nhưng hãy tỉnh táo khi bênh vực và lên án ai đó một cách cảm tính. Bởi vì có một lúc nào đó, chính bản thân bạn cũng sẽ gặp rắc rối, bực bội, thậm chí tai nạn trên các con đường bị người nghèo biến thành chợ như vậy.
Bình luận (0)