Thời điểm này, cả nước đang tiến hành hoạt động tiếp xúc cử tri của các ứng cử viên đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XIV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021; đồng thời tiến hành chuẩn bị cho công tác bầu cử vào ngày 22-5. Từ số báo hôm nay, Báo Người Lao Động tổ chức diễn đàn ghi nhận mong muốn của cử tri đối với các ĐB cũng như công tác chuẩn bị cho ngày bầu cử.
Cử tri Lê Thanh Tùng (phường 7, quận 3, TP HCM):
Hãy lắng nghe và nói tiếng nói của cử tri
Khóa XIII vừa qua, trong khi phần lớn ĐBQH phát huy rất tốt vai trò của mình thì có ĐB không nói tiếng nói của cử tri mà nói tiếng nói của riêng mình, thậm chí còn phát biểu ảnh hưởng đến danh dự của ĐB khác để rồi phải xin lỗi. Điều này khiến cử tri như tôi thấy thất vọng. Do đó, nhiệm kỳ này, tôi sẽ thận trọng và cân nhắc kỹ càng để chọn ra người ĐB xứng đáng. Tôi mong các ứng viên, nếu được trúng cử, hãy rút kinh nghiệm, tránh tuyệt đối tình trạng trên.
Nhiệm kỳ vừa rồi có hơn 500 ĐBQH nhưng tôi thấy quá ít ĐB phát biểu. Cử tri chúng tôi rất buồn vì điều này bởi 90 triệu dân không thể nói hết tiếng nói của mình nên mới trông chờ vào 500 ĐB. Đã là ĐBQH, những người đại diện tâm tư, nguyện vọng cho cử tri, xin hãy lắng nghe và nói tiếng nói của cử tri.
Cử tri Nguyễn Văn Sơn (phường 14, quận 10, TP HCM):
Nghiên cứu kỹ trước khi bấm nút thông qua luật
Sau khi nghe chương trình hành động của các ứng cử viên (ƯCV), tôi rất mừng vì cảm nhận được sự tâm huyết, nhiệt tình, trách nhiệm với nước, với dân của các ƯCV. Nội dung chương trình hành động gần dân, hiểu dân và dựa trên cương vị, lãnh vực chuyên môn, trách nhiệm của ƯCV. Nếu trúng cử, các ƯCV giữ đúng lời hứa của họ trước cử tri thì đây sẽ là lựa chọn đúng đắn, đáp ứng được kỳ vọng của người dân. Chúng tôi sẽ luôn theo dõi từng bước đi, từng hành động, từng lời nói của ĐB trên các diễn đàn QH và HĐND TP.
Về cuộc bầu cử lần này, tôi mong muốn các ĐBQH phải nghiên cứu, đề xuất, góp phần xây dựng nhà nước pháp quyền với hệ thống pháp luật hoàn chỉnh. Ví dụ, tôi thấy nhiều hình phạt vẫn còn độ chênh như cùng tội danh nhưng có nơi xử 5 năm, nơi xử 10 năm nên dễ phát sinh tiêu cực. Hay một số văn bản ban hành thiếu tính thực tiễn nên khi triển khai gặp nhiều vướng mắc, phải sửa đổi, bổ sung hoặc không thực hiện được. Việc ban hành luật rất quan trọng, các ĐBQH cần dành nhiều thời gian nghiên cứu trước khi bấm nút thông qua.
Cử tri Nguyễn Văn Hoàng (phường Tân Tạo A, quận Bình Tân, TP HCM):
Lòng dân là thước đo
Tôi mong các ĐB chịu khó vi hành nhiều hơn, gần gũi, lắng nghe nguyện vọng của nhân dân để tạo cầu nối giữa nhân dân với chính quyền tốt hơn. Mỗi kỳ tiếp xúc cử tri, dù bận gì cũng nên sắp xếp đến dự. Các vị cũng nên cung cấp địa chỉ email để người dân tiện gửi thông tin phản ánh. Ngoài ra, các vị ĐB đại diện tiếng nói, nguyện vọng của người dân, trên diễn đàn cần phải có dũng khí đấu tranh để bảo vệ chân lý, lẽ phải, quyền lợi của nhân dân. Đặc biệt, ra quyết sách gì thì trước tiên hãy nghĩ đến số đông người dân; ban hành luật, văn bản dưới luật, các quy định... cũng nên dùng từ ngữ sao cho dễ hiểu để dân có thể làm theo được. Chứ cứ kiểu như nhà hư không ở được, xin sửa nhà, chính quyền cho phép sửa nhưng “chua” thêm câu “sửa chữa như hiện trạng” thì thiệt tình dân không biết phải làm sao? Hư mới sửa mà sửa thì phải có thay đổi, còn biểu sửa chữa như hiện trạng thì sửa làm gì?
Tâm sáng, hết lòng thương dân, các vị sẽ có những quyết sách, quyết định đúng đắn, hợp lòng dân và chắc chắn sẽ được nhân dân ủng hộ. Lòng dân chính là thước đo hiệu quả hoạt động của HĐND và QH.
Người dân không muốn bị kẻ xấu lợi dụng
Phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri xã Thới Tam Thôn, huyện Hóc Môn, TP HCM của các ứng cử viên, cử tri Lý Thái Hùng gửi gắm: “Các hành động của Trung Quốc ngày càng quá đáng, xâm phạm chủ quyền Việt Nam ở biển Đông. Đề nghị QH phải có những phản ứng mạnh mẽ về chủ quyền biển đảo, lên án hành động ngang ngược của Trung Quốc. Phải có nghị quyết chính thức khẳng định chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa, Trường Sa; lên án hành động xâm phạm của Trung Quốc. Lãnh đạo Đảng, nhà nước phải có hành động cụ thể hơn để giải quyết vấn đề nóng trên biển Đông; đồng thời thông tin rõ cho người dân hiểu về vấn đề biển đảo, an ninh quốc phòng để tránh việc người dân phải nghe những thông tin sai lệch, bị kẻ xấu lợi dụng, lôi kéo, dụ dỗ...”.
Bình luận (0)