Theo đơn phản ánh của người dân ở khu phố 1 và buôn Akô Đhông (phường Tân Lợi, TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk), nhiều năm qua, họ phải sống trong vùng quy hoạch xây dựng khu đô thị sinh thái Suối Xanh của Công ty CP Cà phê Trung Nguyên (Tập đoàn Trung Nguyên) khiến đời sống gặp vô vàn khó khăn, thiếu thốn.
Chịu khổ vì dự án
Bà Trần Thị Kim Phương (ngụ buôn Akô Đhông) cho biết gia đình có 9.400 m2 đất bị quy hoạch trong dự án của Tập đoàn Cà phê Trung Nguyên. Ngoài ngôi nhà đang sinh sống, trên diện tích này, gia đình trồng cà phê, hồ tiêu. Do nằm trong dự án nên suốt hơn 10 năm qua, mở rộng nhà cửa, xây dãy phòng trọ đều không được.
"Cây cà phê đã già cỗi nhưng không dám đầu tư trồng lại vì sợ bị giải tỏa thì thêm thiệt hại. Đất đai nhiều nhưng không có thu nhập gì. Chúng tôi mong cơ quan chức năng nếu không thu hồi thì trả lại để người dân ổn định cuộc sống" - bà Phương đề nghị.
Còn theo ông Lê Phước Tường, nhiều năm trước, chính quyền địa phương tổ chức đo đạc để làm cơ sở thu hồi đất. Đa phần bà con đều ủng hộ chủ trương xây dựng khu đô thị sinh thái và mong muốn sớm được bố trí tái định cư.
Thế nhưng, đến nay đã hơn 10 năm, cơ quan chức năng không có bất cứ động thái nào tiếp theo nên hơn 30 hộ dân trong vùng phải sống lay lắt, không được sử dụng nước sạch, nhà cửa, đường sá hư hỏng cũng không được phép sửa. "Trong các cuộc tiếp xúc cử tri, người dân liên tục kiến nghị HĐND TP Buôn Ma Thuột, chính quyền các cấp nhưng vẫn không thấy giải quyết gì cả" - ông Tường nói.
Dự án sửa chữa, nâng cấp hệ thống tưới hồ chứa Đắk Car do Ban Quản lý Các dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Kon Tum (thuộc UBND tỉnh Kon Tum) làm chủ đầu tư, có tổng mức đầu tư 118 tỉ đồng, Công ty TNHH MTV Bảo Trân Kon Tum thi công. Dự án triển khai năm 2022, dự kiến hoàn thành năm 2025 nhằm tưới tiêu cho 200 ha cây trồng trên địa bàn.
Để thực hiện dự án, 33 hộ dân sẽ bị thu hồi hàng chục ha đất để xây dựng thân đập và diện tích lòng hồ. Trong đó, có 9 hộ dân có đất tại vị trí xây dựng thân đập sẽ bị thu hồi trước để triển khai dự án.
Tháng 2-2023, chủ đầu tư và các đơn vị liên quan đã thỏa thuận để người dân đồng ý giao đất sớm và nhận đền bù sau. Theo thỏa thuận, người dân sẽ nhận tiền đền bù vào ngày 30-4. Tuy nhiên, những hộ tự nguyện giao đất nhưng quá hạn đã lâu vẫn không nhận được đền bù. Ngoài ra, có trường hợp dù chưa giao đất, nhà thầu thi công vẫn tự ý múc đất để thi công khiến người dân bức xúc.
Ông A Pun (thôn Đắk Đe) cho biết gia đình có 1,3 ha trồng cà phê ở vùng đập và được tạm tính đền bù gần 600 triệu đồng. "Gia đình tôi giao đất sớm để công trình được thi công nhưng đến nay chưa được đền bù khiến không có đất sản xuất, không có tiền, không có việc làm" - ông A Pun bức xúc.
Theo ông A Viêu, trưởng thôn Đăk Đe (xã Rờ Kơi), người dân trên địa bàn chủ yếu sống dựa vào nông nghiệp. Do đó, họ mong muốn nhận được tiền để mua đất, thuê đất khác canh tác.
Giai đoạn 1 dự án của Tập đoàn Cà phê Trung Nguyên vẫn còn ngổn ngangẢnh: Cao Nguyên
Vẫn phải chờ
Ngày 12-5, ông Nguyễn Kim Thái - Chủ tịch UBND huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum - cho biết đã yêu cầu dừng thi thông Dự án sửa chữa, nâng cấp hệ thống tưới hồ chứa Đắk Car (xã Rờ Kơi, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum) để tiến hành đền bù cho người dân. Tiền bồi thường, hỗ trợ đã có nhưng do đất đai của người dân có sự chồng lấn, nên trước khi đền bù phải xác định rõ ranh giới rồi mới chi trả tiền cho dân. UBND huyện đang đôn đốc các cơ quan chuyên môn nhanh chóng giải quyết để tránh thiệt thòi cho người dân.
Trong khi đó, ông Hà Huy Hải, Giám đốc Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng huyện Sa Thầy (đơn vị được thuê giải phóng mặt bằng), cho biết hiện vẫn đang tiến hành kiểm kê để áp giá, trình cấp thẩm định phê duyệt.
Về dự án khu đô thị sinh thái Suối Xanh của Công ty CP Cà phê Trung Nguyên, Sở Xây dựng tỉnh Đắk Lắk cho biết khu vực Suối Xanh TP Buôn Ma Thuột được UBND tỉnh Đắk Lắk phê duyệt quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500 vào tháng 12-2009 và điều chỉnh ngày 11-8-2016. Mục tiêu xây dựng khu Suối Xanh trở thành khu du lịch mang đậm bản sắc văn hóa của một địa danh nổi tiếng về cà phê, kết hợp dịch vụ nghỉ dưỡng, dân cư đô thị đặc thù Tây Nguyên.
Theo văn bản, tổng mức đầu tư toàn dự án là 2.792 tỉ đồng trên diện tích 45,45 ha. Trong đó, giai đoạn 1 có tổng mức đầu tư 1.247 tỉ đồng đã xây dựng hoàn thành các hạng mục công trình, gồm: hạ tầng kỹ thuật, khu bảo tàng, công viên cây xanh, nhà ở thương mại (đã thi công 285/611 căn, trong đó hoàn thiện 200 căn). Giai đoạn 2 của dự án có mức đầu tư 1.545 tỉ đồng, thời gian triển khai từ quý I/2018 đến ngày 31-12-2023. Hiện nay do chưa hoàn thành công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, bàn giao đất nên nhà đầu tư chưa được triển khai thực hiện được.
Chưa bố trí vốn nên chưa triển khai
Theo một lãnh đạo Trung tâm Phát triển Quỹ đất TP Buôn Ma Thuột, Tập đoàn Cà phê Trung Nguyên đã ký hợp đồng với đơn vị để triển khai đo đạc, trích lục, bồi thường giải phóng mặt bằng tại dự án trên. Tuy nhiên, trong 5 năm qua, doanh nghiệp này hầu như không có bất kỳ động thái gì trong việc thúc đẩy triển khai dự án. Hiện Tập đoàn Cà phê Trung Nguyên chưa bố trí vốn để trung tâm triển khai thực hiện nên đơn vị vẫn chưa thể triển khai bất kỳ công việc nào.
Bình luận (0)