Tôi vốn là du học sinh ở Hàn gần mười năm, từ đại học lên đến tiến sĩ. Tuy nhiên, khi quay trở về Việt Nam, bản thân lại làm một công việc chẳng liên quan đến tiếng Hàn. Cũng do đó nên thỉnh thoảng tôi vẫn nhận dạy tiếng Hàn để khỏi quên.
Có một lần trong lớp học, tôi cho sinh viên thảo luận xoay quanh vấn đề: "Bạn đã từng làm điều gì ngu xuẩn nhất?". Vốn dĩ, tưởng đây là một vấn đề dễ gây cười, tạo không gian thoải mái cho mọi người. Nhưng không ngờ một bạn trong lớp đã ngập ngừng rất lâu mới trả lời: "Điều ngu xuẩn nhất trên đời này bản thân em từng làm, là nghĩ rằng mình còn rất nhiều thời gian ở bên cạnh những người thân yêu, trong khi thực ra không phải vậy. Em đã từng chán ghét việc quay về quê ăn Tết cùng gia đình, để rồi khi ba mẹ em đột ngột qua đời vì tai nạn, những cái Tết sau đó với em chỉ là khoảng thời gian trống vắng đến kỳ lạ".
Rồi bạn ấy kể câu chuyện về thời cấp 3 bạn rời Việt Nam sang Mỹ học. Do việc học ngày một căng thẳng, đặc biệt kể từ khi lên đại học, nên bạn ấy không còn hào hứng gọi điện hoặc quay trở về nhà đoàn viên với ba mẹ và người thân như trước đây. Tết năm nào, bạn ấy cũng trốn tránh việc quay trở về Việt Nam. Cũng bởi, bạn cho rằng người thân, đặc biệt là ba mẹ sẽ luôn luôn chờ đợi mình quay về, cho đến khi họ mãi mãi ra đi vì tai nạn. Khi những lời này được thốt ra bằng một ngôn ngữ không phải tiếng mẹ đẻ, và dùng những từ đơn giản nhất để diễn tả, thì sự mộc mạc nhưng sâu sắc trong những lời nói ấy làm cho cả lớp đều lặng đi. Trong khoảnh khắc đồng cảm ấy, tôi đã nghĩ, thật may mắn cho người nhận ra điều này từ khi còn rất trẻ. Chỉ cần không quên, thì bạn sẽ có cơ hội sống một cuộc đời ít tiếc nuối hơn.
Mấy năm trước, mẹ chồng tôi qua đời cũng đột ngột vào dịp Tết. Mẹ vẫn còn khoẻ, chỉ vì trượt chân ngã trong phòng tắm, mà sau đó đưa vào viện không lâu là mất. Vợ chồng tôi, khi ấy đang ở Pháp, nghe tin mẹ vào viện liền mua ngay vé chuyến bay sớm nhất để về Việt Nam, nhưng cũng chỉ kịp đưa tang.
Đó cũng là lần đầu tiên, tôi thấy chồng mình khóc nhiều đến thế. Anh cứ mân mê suốt những tấm ảnh gia đình tôi chụp cùng mẹ ở đường hoa Nguyễn Huệ năm trước mà nước mắt ướt đẫm cả vạt áo. Chồng tôi bảo: "Giá biết mẹ đi sớm như thế, anh đã thu xếp công việc để ở nhà cùng đón giao thừa với mẹ". Kể từ đó cho đến nay, thay vì bận bịu với những chuyến công tác, vợ chồng tôi đều chọn ở nhà mỗi khi Tết đến. Chỉ đơn thuần để cùng ngồi lại bên người thân, cùng ăn một bữa cơm đoàn viên thật ấm áp. Hạnh phúc của đời người, kỳ thực vô cùng đơn giản, thế mà đôi khi chúng ta cứ mê mãi đi tìm đâu đó giữa thế giới phồn hoa phức tạp bên ngoài.
Trong mùa dịch Covid-19, tôi đã chứng kiến không ít bạn bè mất đi người thân, mà chẳng thể nào về được. Những người bạn đó, khi đi xa, hẳn đều từng nghĩ rằng thế giới ngày nay giao thông thuận lợi như vậy, chỉ cần bay vài tiếng là về đến nhà. Nhưng rồi, không phải lúc nào cuộc sống cũng diễn ra như chúng ta mong muốn. Ngẫm lại, có lẽ đó chính là một trong những băn khoăn lớn nhất của bản thân tôi cùng một số bạn bè du học sinh trong nhiều năm trước, đứng giữa hai lựa chọn về nước, hay tiếp tục ra đi.
Cá nhân tôi vẫn còn nhớ mùa xuân năm 2006, khi bản thân quyết định ở lại Hàn để làm luận án tiến sĩ. Mỗi ngày, khi chứng kiến ký túc xá một vắng dần, bản thân chẳng biết làm gì, ngoài việc giấu kín nỗi niềm mong nhớ gia đình, mà cặm cụi làm luận án. Tết năm ấy với tôi, là âm thanh của những cánh cửa phòng bên cạnh mở ra rồi sập lại, tiếng valy kéo dọc hành lang, tiếng thang máy đến rồi đi. Mỗi buổi tối dạo quanh sân trường hít thở chút khí trời rồi quay trở lại, lúc nào cũng chỉ thấy duy nhất bản thân giữa những hành lang hun hút. Đến tận ngày giao thừa, khi ba mẹ điện thoại từ Việt Nam sang, chẳng hiểu sao vừa nghe giọng, tôi đã bật khóc nức nở. Đó là lần đầu tiên tôi ý thức được cảm giác cô đơn khi phải đón tết xa nhà. Mười hai giờ đêm, cùng với tiếng đì đùng của pháo, tiếng xì xèo của pháo hoa, là hoa tuyết bay tơi tả. Cả Seoul như chìm ngập trong tuyết.
Để rồi đến sáng mùng một năm ấy, tôi quyết định tạm gác việc học sang một bên để…đặt vé máy bay về Việt Nam, cùng ăn Tết với gia đình. Lúc kéo va li ra khỏi sân trường, tôi thấy mấy nhánh dương liễu nhú mầm, hoa hạnh bay lất phất, hoa đào cũng bắt đầu chúm chím trên những cành cây khô cong queo dọc thư viện. Ai đi qua trước mặt tôi nom cũng như đang cười, như chia vui với nỗi niềm được về nước ăn Tết của bản thân.
Ngẫm cho cùng, con người thường có nỗi khổ lớn nhất, đó chính là tử biệt và sinh ly. Nhưng nếu không có hai nỗi khổ này, chúng ta có thể sẽ chẳng thế nào thấu hiểu được phải trân trọng từng phút giây trong cuộc sống. Thế nên, như chúng ta vẫn thường nói với nhau: "Đoạn đường này ai cũng phải đi qua". Nỗi đau khi phải mất đi người thân vốn dĩ vô cùng đau đớn và vĩnh viễn có thể chẳng thể nào khép lại. Tuy vậy, chỉ cần được ở bên nhau, hay khi nghĩ lại, kỉ niệm đầu tiên ập đến vẫn là một lần cùng nhau đoàn viên, sum vầy bên mâm cơm gia đình, thì đó cũng đủ là tia nắng ấm áp, là niềm an ủi vỗ về chúng ta bước tiếp.
Tôi với ba mẹ và những người thân trong gia đình luôn có những hẹn ước mùa xuân. Đó là dẫu đi bất kỳ đâu, những ngày Tết đến, chúng tôi vẫn sẽ quay về ở bên nhau, cùng nhâm nhi một tách trà, cắn vỡ chút hạt dưa, thử chút thịt kho hột vịt… để tận hưởng trọn vẹn cảm giác của tình yêu thương và hạnh phúc đong đầy. Hương vị mùa xuân, kỳ thực chẳng phải điều gì cao xa, nó bắt đầu từ việc ta chọn ở cạnh những người thân yêu.
Khi đi thực tập mùa xuân với các bạn đồng nghiệp, cá nhân tôi đã chụp được một tấm hình đầy những giọt sương mai đọng trên cành trúc, ẩn hiện mơ hồ dưới ánh nắng ban mai. Một bức rèm sương đẹp tinh tế mà cũng rất đỗi mong manh. Và có khi bức ảnh ấy đẹp chính vì sự mong manh. Cuộc đời này thật sự rất ngắn ngủi. Mỗi chúng ta đều chảy dọc đường đời như những giọt sương, chẳng ai biết lúc nào thì giọt sương rơi. Do đó, nên muốn đi gặp ai, hãy gặp. Muốn làm gì, hãy làm.
Mùa xuân này, khi muôn hoa bừng nở khắp nơi, hãy quay trở về nhà, cùng ngồi xuống bên những người thân yêu, các bạn nhé. Nguyện cho tất cả chúng ta đều được tận hưởng một mùa xuân thật an hòa, hạnh phúc.
Bình luận (0)