Hoa mai bên nhà
Khi ánh nắng ươm vàng trên cánh đồng ải sau vụ gặt, tháng chạp lẫm chẫm đi đến mang theo những hy vọng cho mùa xuân. Nơi nào đó trên bầu trời, từng đàn chim én từ phương Nam tránh rét đang bay về đón mùa xuân ấm áp. Tôi ngồi bên Khoa Ung bướu Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), nơi bố tôi đang gấp những bộ quần áo, xếp vào hành lý để về quê đón Tết.
Những ngày giáp Tết, bệnh nhân nào sức khỏe ổn định, các bác sĩ sẽ cho về quê đón Tết kèm theo gói thuốc to đùng. Bố tôi hài hước gọi đó là "thần hộ mệnh của mùa xuân". Hành lý tôi giúp bố sắp xếp xong, ánh mắt bố hấp háy niềm vui như mùa xuân đang về.
Em Minh mới 10 tuổi nằm giường kế bên. Em nhìn theo từng cử chỉ của bố tôi rồi rưng rưng khóc. Em bảo với bác sĩ:" Bác sĩ ơi, cho cháu về quê ăn Tết với các bạn, ở trong ngăn tủ của cháu còn mấy hòn bi ve mới tinh. Cháu về nhà, khi nào hết Tết cháu lại lên được không?".
Bác sĩ nói nhỏ với người mẹ đôi mắt đỏ ngầu đang cố giấu đi dòng nước mắt: "Trường hợp của cháu quá nặng nên chúng tôi không thể để cháu về được, người nhà cố gắng nhé!".
Tôi và bố rưng rưng nhìn Minh, bước ra cửa rồi mà lòng hai bố con nặng trĩu. Giây phút ấy tôi muốn trao cả mùa xuân mà mình đang có cho em. Nhưng cuộc sống này đôi khi phép mầu là một điều gì đó thật xa xỉ, ngay cả trong giấc mơ cũng thỉnh thoảng mới được chạm đến. Bầu trời cuối năm, những vầng mấy xám trên cao đang vắt vẻo những hoang oải của lòng người.
Chùm hoa cau của bố
Khi bố con tôi về tới nhà, mẹ và em gái đang chuẩn bị gói bánh chưng. Cả một cái nong lớn chất đầy lá dong màu xanh mướt, những hạt gạo nếp tròn trịa trắng ngần, những hạt đậu đã tách đi lớp vỏ màu xanh nên vàng óng ả. Bố tôi xắn tay áo gói cẩn thận từng chiếc bánh. Cách bố xếp chiếc lá bánh tỉ mỉ như người ta cẩn thận gói cả mùa xuân, sợ sẽ làm rơi rớt nó mất. Những chiếc bánh vuông vắn được cho vào cái nồi đồng thật to để luộc.
Bếp củi mẹ đã nhóm lên, bố con tôi ngồi quây quần bên bếp lửa. Bố kể cho tôi nghe chuyện ngày xưa, ngày bố còn là một cậu bé đón Tết cùng với ông bà. Ngồi bên bếp lửa hắt hiu nồng đượm, những câu chuyện xa xưa như cổ tích, thỉnh thoảng bố tôi giấu cơn đau vào trong rồi lại mỉm cười.
Hoa cải em gái chụp được lúc làm cơm tất niên
Buổi sáng 30 Tết, đó là một ngày chợ phiên trên thị trấn. Bố bảo tôi lái xe chở bố lên chợ. Khu chợ đã có từ rất lâu đời, từ ngày bố tôi còn nhỏ vẫn theo bà đi chợ. Sau này, tôi và em gái cũng bám theo xe đòi mẹ cho đi chợ. Chợ phiên ngày cuối năm tấp nập người mua, kẻ bán. Khu chợ bày bán đủ loại hàng hóa lung linh sắc màu. Bố tôi ghé vào hàng hoa mua một bó thược dược. Bố chẳng mua gì nữa nhưng đi ngắm từng hàng quán rồi đứng xa xăm nghĩ ngợi.
Trên mái ngói rêu phong của lều chợ, dường như thời gian đã phủ chồng chất lên nhau qua lớp rêu hoen ố. Bên dưới quầy hàng, các cô hàng xén vẫn nhanh tay bán đồ cho khách, trái ngược với sự lặng câm trên mái ngói kia.
Đi hết một vòng qua từng hàng quán, bố tôi thấy mệt và bảo tôi đi về. Bố ngắm lại cảnh chợ quê một lần nữa như muốn níu kéo thời gian, muốn thu gọn cả sắc xuân vào tầm mắt. Ngày cuối năm, trời rét ngọt ngào sau lớp áo bông dày cộp của hai bố con. Chỉ có bó hoa thược dược bố cầm vẫn rực rỡ màu đỏ thẫm khẽ rung rinh theo gió.
Buồi chiều, cả nhà bận rộn chuẩn bị bữa cơm tất niên. Mẹ bóc chiếc bánh chưng xanh mướt còn vương hương thơm mùi lá dong. Đĩa giò lụa mịn màng xếp hình bông hoa trên đĩa. Bát măng khô màu vàng cháy thơm lừng. Rất nhiều món ăn ngon được bày lên mâm như sắc hoa rực rỡ mùa xuân.
Bố lau bàn thờ, bày mâm ngũ quả, thắp nén hương trầm. Mùi hương bảng lảng đặc trưng của ngày Tết, nhà hàng xóm bên cạnh cũng thoang thoảng mùi hương trầm. Không khí chất đầy sắc xuân, cả nhà quây quần bên mâm cơm tất niên.
Mẹ gắp cho bố đầy thức ăn vào bát, mong bố ăn thật nhiều cho khỏe. Mẹ bảo ăn nhanh lên còn chuẩn bị đồ cúng giao thừa. Từ chiếc vô tuyến truyền hình vang vọng lên ca khúc "Mùa xuân của em" do nhạc sĩ Thanh Sơn sáng tác: "Mùa xuân mới xuống phố với em này/ Mùa xuân vui theo em đi chợ Tết…"
Cả nhà ngắm pháo hoa lúc giao thừa
Ánh đèn điện nhà nào cũng thắp sáng. Từ mái hiên nhìn ra xa, chúng như những vì sao nhỏ lấp lánh. Thời khắc giao thừa đã đến. Khoảnh khắc 0 giờ 0 phút là thời khắc giao thoa của ngày cũ và ngày mới. Nơi khoảnh khắc lắng đọng của thời gian không có chút nào mâu thuẫn. Trong khoảnh khắc thiêng liêng đó, tôi nghĩ rằng ai cũng mong cho mình những hy vọng cho một năm mới thuận lợi.
Cả nhà tôi lên tầng thượng ngắm pháo hoa bắn từ phía tượng đài của thị trấn. Những luồng sáng xanh đỏ bay lên trời cao rồi tỏa xuống như những chùm ánh sáng rực rỡ. Tôi cầu mong sức khỏe cho bố. Bố tôi còn khỏe là mùa xuân hạnh phúc và ấm áp của gia đình.
Buổi sáng mùng Một Tết, bố tôi ra vườn hái một nụ mai còn chưa nở. Nụ hoa còn thai nghén trong chiếc kén màu xanh lá chưa chịu bung ra. Bố để lên chiếc đĩa nhỏ đặt lên bàn thờ. Chắc bố cũng hy vọng những mầm lộc như những hy vọng xanh mang đến cho lòng người những ấm áp mênh mang. Tôi lặng nhìn bố, nhìn vào sợi tóc bạc lưa thưa bay trên trán. Bố vẫn nén cơn đau. Trong khoảng khắc ấy, tôi thương bố vô cùng.
Bông hoa mai đầu tiên bung nở
Bữa cơm tất niên
Những ngày Tết quây quần bên gia đình cũng qua đi nhanh chóng. Tháng giêng nghiêng nghiêng theo làn mưa bay. Mưa xuân lướt nhẹ qua tán là non sau vườn, mấy nụ mầm non hé nở.
Bố tôi ra đi sau một giấc ngủ dài của đêm trước. Đó là điều bất ngờ và đầy tiếc nuối đối với gia đình tôi. Trước ngày hôm đó, mẹ và tôi vẫn khăn gói chuẩn bị đưa bố trở lại bệnh viện. Bố ra đi không nói lời nào, chỉ có trên bàn làm việc còn vương câu thơ dang dở của bố:
Xuân buông nụ hoa đầu/ Ta buông hơi thở cuối...
Tôi không biết làm thơ như bố nên cho tới tận bây giờ cũng không nghĩ ra nổi một tứ thơ nào cho những câu tiếp theo. Bố muốn nói gì cho những câu thơ sau vậy bố? Có thể với bố tôi, mùa xuân đó thật trọn vẹn nên bố đã thanh thản đón nhận.
Tôi hiểu ra một điều rằng, đôi khi sự ra đi không phải là kết thúc mà biết đâu lại là sự khởi đầu, giống như mùa xuân vậy. Thỉnh thoảng bố vẫn hiện về trong giấc mơ của tôi. Khu vườn của bố đẹp lắm. Đó là khu vườn xuân, những đàn bươm bướm xòe đôi cánh màu xanh lơ, cõng hương hoa trên lưng, bay dập dờn theo gió. Tôi biết bố tôi không còn đau đớn. Bố tôi đã được tận hưởng mùa xuân tuyệt đẹp, bất diệt nơi thiên đàng...
Bình luận (0)