Nay, con trai đã lập gia đình và cháu đầu gần bảy tuổi, cháu sau gần một tuổi; còn con gái hồi đó chưa ra đời mà nay đã có hai con. Lâu lắm rồi đã xa tết quê nhưng hình ảnh, hương vị nồng ấm của tết quê vẫn in đậm trong trí nhớ của tôi.
Từ cuối tháng 11, đầu tháng Chạp không khí chuẩn bị tết bắt đầu rậm rịch với mọi nhà. Đầu tiên là chuẩn bị củi để nấu bánh chưng và sưởi tết (ngồi bếp). Nhà nào có vườn rộng thì chặt cây, cưa khúc, bổ ra phơi.
Nhớ Tết quê... (ảnh minh họa từ Internet)
Nhà nào không có cây thì mang liềm, đòn xóc (đòn nhọn hai đầu) vào đồi cắt vọt gánh về phơi khô để nấu bánh. Cây vọt dễ cắt, mau khô nhưng cháy nhanh nên khi nấu phải có người ngồi bên cạnh nồi bánh. Cỡ 28-29 tết mới nấu. Cũng chả phải bận rộn quá đến ngày ấy mới nấu mà đơn giản là nấu sớm ăn hết, ra tết không có bánh mời khách!
Sáng 27, cha tôi chẻ lạt, lau lá; mẹ vò nếp, đồ đậu, cắt thịt làm nhân. Cơm trưa xong, bày ra nong ngồi đùm (gói). Mỗi tết đùm đủ nồi 10, khoảng 20 chiếc và thêm cặp bánh con. Cha khiêng ấm nước chè, điếu cày, gói thuốc lào và mấy thanh đóm rất bài bản nhưng số bánh gói được chủ yếu của mẹ. Bà làm thoăn thoắt, vuông thành sắc cạnh còn ông chỉ gói được vài cái.
Bánh gói xong, chất vào nồi. Bao giờ dưới nồi cũng để vài bẹ chuối cho bánh khỏi bị cháy. Sau đó, hai người khiêng lên ba ông hòn rau (những hòn rau này, đào ở ruộng gieo mạ từ giữa tháng 11), đổ nước lấp xấp và đưa củi hoặc vọt vào nấu. Đến gần 12 giờ đêm, ngừng đun để trở bánh, thay nước và thay người nấu. Sáng hôm sau, bánh đưa ra nong, ép nước, rồi treo lên trong gian bếp. Hai chiếc bánh con chị em tôi được ăn trước.
Cũng đầu tháng Chạp, mẹ tôi thường lên chợ Phố Châu mua về mấy xâu cá mát sông Con. Cá cho vào nồi đất, thêm muối, nước mắm, gia vị, đổ nước lấp xấp kho lên khoảng 30 phút rồi đặt vào cái rổ để treo lên. Vài ba ngày, mẹ hâm lại một lần cho khỏi thiu. Sau tết mới được ăn. Lúc này, cá đã thấm muối, nước mắm nên rất cứng và mặn chát nhưng ăn với bánh chưng vẫn thấy ngon.
Chiều 30 làm mâm cơm cúng tổ tiên, ông bà rất thịnh soạn. Chỉ có người trong gia đình và con cháu chứ không mời bạn bè, làng xóm như tổ chức tất niên ngày nay. Hôm đó, người lớn tuổi làm thêm vài li rượu trắng, còn đàn bà, trẻ con mới được một bữa thịt cá, xôi cơm no nê, thỏa thích.
Ngày tết vui nhất là đi chúc tết. Khách đến nhà không phải ngồi trò chuyện ngoài bàn mà quây quần bên bếp lửa, làm điếu thuốc lào, đọi (bát) chè xanh. Chừng 10 phút sau, mời lên bàn ăn. Dù no căng nhưng cũng phải làm miếng bánh, lát dưa chuột cho chủ nhà bằng lòng. Ai từ chối bị người ta oán trách. Hồi còn nhỏ, cha thường cho tôi đi cùng. Hồi đó, mừng tuổi không có bao lì xì mà chỉ có lời chúc lớn nhanh, học giỏi, giúp đỡ cha mẹ nhiều.
Ngày tết là dịp để thanh niên tìm hiểu nhau. Các chàng trai "mượn gió bẻ măng", lấy cớ đi chúc tết để làm quen với các nàng, nhất là các nàng đi học, đi làm về nghỉ tết. Tối mồng Một, mồng Hai còn đi thành từng toán nhưng sau khi "yêu trộm nhớ thầm", tự động tách ra đánh lẻ, tâm sự riêng.
Hồi ấy, cha mẹ mặc dù rất muốn con gái có chồng sớm nhưng chỉ cho phép ngồi chơi trong nhà. Đèn dầu thắp sáng trưng, ông bà thỉnh thoảng đi ra chêm nước nhằm thăm dò, nhắc nhở. Thế mà cũng có nhiều đôi nên vợ nên chồng sau dịp tết.
Nhớ về tết xưa, cách đây mấy năm tôi có bài lục bát:
Ký ức Tháng Giêng
Tháng Giêng gợi nhớ quê nhà
Giá đông dịu bớt vỡ òa sang xuân
Cam bù trước cửa vàng dần
Sớm ra hoa bưởi trắng ngần vườn sau.
Tháng giêng mẹ thấy trôi mau
Buồng cau chưa lớn, giàn trầu quá non
Chúng con mong đến mỏi mòn
Tết về ăn bánh, tết còn đi chơi.
Tháng Giêng bếp lửa đông vui
Khách xuân chơi tết nói cười râm ran
Rượu nồng xóa nỗi lo toan
Chè xanh, trầu thắm, cung đàn, tiếng ca.
Tháng Giêng gợi nhớ quê nhà
Nhớ cô thôn nữ mặn mà ngày xưa!
Bình luận (0)