Một sớm cuối đông, chút nắng vàng trải dài trên những con đường góc phố nhuốm màu thời gian, xuyên nhẹ nhàng qua những ô cửa sổ. Nhìn dòng người hối hả, vội vàng trên phố tôi biết là Tết đang đến thật gần. Khi xã hội ngày càng phát triển, cuộc sống có nhiều đổi thay thì Tết giờ khác xưa nhiều quá. Tôi lại bồi hồi nhớ về những ngày xa xưa ấy. Về những cái Tết khi tôi còn thơ dại. Tết Hà Nội xưa, Tết cổ truyền của dân tộc Việt.
Không khí những ngày chuẩn bị Tết có một chút dư vị nào đó thiêng liêng đến khó tả
Ngày đó, những ngày cuối năm, phố xá chẳng đông vui, nhộn nhịp như bây giờ, thế nhưng trong lòng những đứa trẻ như chúng tôi không khí những ngày chuẩn bị Tết có một chút dư vị nào đó thiêng liêng đến khó tả. Tôi cùng mẹ ra phố, chọn mua những sấp lá dong thật xanh, thật dài để mang về cho ông nội tôi gói bánh chưng, phố hàng hoa với đủ các loại hoa đua nhau khoe sắc. Tết ở Hà Nội thì không thể thiếu đào và quất, cả hoa lay ơn và thược dược nữa, đó cũng là những loại hoa đặc trưng của Tết ở Miền Bắc.
Một ngày mưa phùn bay bay, sương mù giăng kín lối, đúng kiểu thời tiết của những ngày chuẩn bị lập xuân. Sau khi tôi và mẹ đi tảo mộ về, cả gia đình quây quần bên nhau chuẩn bị gói bánh chưng. Công việc của ngày Tết mà tôi yêu thích nhất, tôi phụ giúp ông rửa lá rồi lau khô chúng. Mẹ thì dọn dẹp và trang hoàng nhà cửa, tôi cứ lăng xăng chạy hết góc này góc khác trong sân nhà mình.
Ngày xưa không khí chuẩn bị Tết có một chút dư vị nào đó thiêng liêng đến khó tả
Cảm giác đó cứ trào dâng trong tôi cho đến khi lớn lên và trưởng thành. Lúc luộc bánh chưng cũng là lúc vui và háo hức hơn cả. Hai má tôi rực hồng bên bếp lửa, ngọn lửa nhen nhóm một niềm hy vọng, những điều mới mẻ cho một năm mới sắp đến. Trong cái lạnh se sắt của những ngày cuối đông, mùa mà như đặc sản Tết của Hà Nội.
Và trong cái lạnh ấy, cả nhà được sum vầy trông bánh chưng thì không còn gì vui bằng, tôi cũng không quên dúi vào bên cạnh bếp lửa những củ khoai, củ sắn. Tôi đã nhớ mãi mùi thơm của khoai sắn đó, nó như một loại lương thực nuôi nấng ông bà, cha mẹ tôi bước qua gian khó, bước qua chiến tranh bom đạn. Thật vất vả gian lao mà đáng quý biết bao.
Gia đình tôi còn một niềm tự hào mà mỗi dịp Tết đến nó gợi lên trong tôi một niềm xốn xang khó tả. Cha tôi là bộ đội, những ngày Tết là những ngày ông phải trực chiến vất vả, gian lao hơn để bảo vệ hòa bình cho vùng trời Tổ quốc. Chẳng Tết nào cha tôi được đoàn tụ cùng gia đình, nhưng tôi đã bắt gặp ánh mắt đầy tự hào của ông nội khi nói về cha, đã nhìn thấy những giọt nước mắt đầy nhớ thương của bà vội giấu vào bên trong. Và cả mẹ, tôi biết mẹ luôn thương và mong cha về lắm. Nhưng cả gia đình tôi đều biết nhiệm vụ của cha tôi cao quý và thiêng liêng biết bao cho những ngày Tết này.
Lì xì ngày xưa như là một lời chúc may mắn mà mọi người dành cho nhau trong một năm mới sang
Thời khắc giao thừa đến, sự chuyển giao của đất trời như hòa làm một. Đâu đó có tiếng pháo tép, pháo bánh nổ đì đùng, có cả mùi thơm của pháo, xác pháo bay bay. Và đến giờ khi trưởng thành tôi không một lần tìm lại được những bánh pháo ngày Tết năm nào. Tôi cùng mẹ ra chùa, hái lộc và cầu bình an cho cả gia đình, cho cha tôi đang đón Tết ở biên ải xa xôi.
Một niềm háo hức nữa mà tôi cũng chẳng bao giờ quên được đấy là được nhận những phong bao lì xì từ người lớn. Ngày đó lì xì không nhiều sắc màu như bây giờ nhưng mà trẻ con như chúng tôi thì thích lắm, nó như là một lời chúc may mắn mà mọi người dành cho nhau trong một năm mới sang. Một năm mới thêm một tuổi mới, thêm những niềm vui mới đến với tất cả mọi người.
Không khí xuân Tết xưa
Bước qua bao nhiêu gian khó và nhọc nhằn, Tôi lớn lên và trưởng thành, đã trải qua bao nhiêu mùa Tết. Nhưng đọng lại trong ký ức của tôi vẫn là những ngày Tết xưa ấy. đất nước ngày càng đổi mới nhưng những nét văn hóa truyền thống của Tết xưa không hề mai một mà nó được lưu vào trong ký ức của mỗi người. Dù ở đâu và làm gì thì những ngày Tết vẫn về quây quần bên gia đình, cùng nhau chào đón một năm mới với nhiều thắng lợi mới. Nhà nhà, người người được sống trong hòa bình, hạnh phúc và ấm no. Tết Hà Nội xưa…
Bình luận (0)