Thiên nhiên vạn vật vẫn bình thản biến hóa theo quy luật của tạo hóa. Âm thanh nô nức nhộn nhịp khi xuân về lại tràn ngập khắp phố phường. Đâu đó lại nghe thì thầm thỏ thẻ một loại thanh âm gần gũi quen thuộc mà năm nào cũng gây thổn thức "Tết không có tiền".
Vâng, ai cũng muốn tận hưởng một cái Tết truyền thống ấm no sung túc vui vẻ. Song, không phải người nào cũng may mắn về tài chính để thoải mái chi tiêu mua sắm trong ngày Tết. Hầu như năm nào, tôi cũng thường hay nghe câu cửa miệng than vãn của nhiều người về chuyện tiền nong như: Tết này không có tiền mua sắm đồ, không có tiền lì xì con cháu, không có tiền cho ba mẹ, vợ, con... Mười câu thở than là chín câu liên quan đến tiền.
Tết xưa - Mẹ và chúng tôi hồi nhỏ
Đủ thứ tâm trạng phức tạp, rối rắm, lo âu mỗi khi xuân về. Tết đến phải vui vẻ, lại hóa ra mang một gánh nặng không hề nhẹ. Muốn lắm một cái tâm bất biến giữa dòng đời vạn biến. Nói thì dễ nhưng túi không tiền thì một bước cũng khó đi; như đàn không dây, lại thêm tự ti mặc cảm. Có phải vậy không?
Tết 2022 vẫn còn đọng lại dư chấn của một sự kiện kinh hoàng là dịch Covid-19 đã tấn công và cướp đi hàng chục nghìn sinh mạng, tưởng như chỉ xuất hiện trong một bộ phim kinh dị nào đó nhưng hóa ra là hiện thực. Quá bi thương và tang tóc không lời nào diễn tả được!
Chợt nhận ra cung bậc thanh âm "Tết không có tiền" trong năm nay lại giảm nhẹ một tông để nhường bước cho môt thứ âm thanh kỳ lạ. Cuộc đời vốn đã là biến số không lường trước được. Nay chỉ cần một cơn gió nhẹ, một hơi thở lướt qua vô tình mang theo vài mầm bệnh sẽ thấy nhân sinh mong manh và vô thường đến nhường nào!
Tết xưa - anh chị em chúng tôi hồi nhỏ
Gia đình tôi cũng có người nhiễm dịch bệnh Covid-19 nhưng may mắn đã khỏi bệnh. Tôi nghĩ khoảnh khắc sống sót ấy chính là mùa xuân. Tết năm nay, chỉ cần một bữa cơm nho nhỏ, gia đình sum vầy, trò chuyện vui vẻ cùng nhau thì Tết đã hiện hữu. Thế là quá đủ.
Có tiền thì ăn Tết kiểu có tiền, góp phần thúc đẩy kinh tế sản xuất. Không tiền thì ăn Tết kiểu không tiền, nhẹ nhàng, thanh đạm, cho đầu óc thanh thản. Có tiền thì quà cáp, biếu xén. Không tiền thì chỉ một câu thăm hỏi cũng đáng quý. Có tiền thì mua quần, sắm váy. Không tiền thì phối lại đồ cũ mà xài.
Hỏi rằng: "Không tiền ăn Tết có sao không?". Xin thưa: "Có sao chứ, cũng hơi chạnh lòng. Năm sau ta lại cố gắng hơn". Dẫu sao có tiền vẫn vui vẻ và hãnh diện hơn. Nhưng lỡ không tiền mà gia đình yên ổn thì cũng là một điều lành. Quan trọng là tâm thái suy nghĩ tích cực.
Như là một quy luật bất thành văn, dù đã qua bao nhiêu năm nhưng mỗi khi Tết về lại nhớ về mẹ khôn nguôi. Là một người khéo tay và yêu thích nấu nướng nên cứ đến Tết là mẹ lại tất bật chuẩn bị rất nhiều thức ăn cho cả gia đình, còn dự trữ cúng kiếng, thết đãi khách khứa. Nào là bánh tét, phá lấu, mứt chuối gừng, mứt dừa; nào là kiệu, giò thủ, thịt kho tàu... đồ ăn ngập mặt.
Đến ngày mùng 1 Tết là tay chân mẹ rã rời, đuối sức, nằm vắt vẻo lắc lư trên võng mà than vãn. Khi còn nhỏ vô tư cảm thấy vui thích Tết vì có nhiều đồ ăn ngon, được mặc đồ đẹp. Nhưng càng lớn, càng nhận ra mẹ quá vất vả rồi. Còn ba cũng khổ cực không kém vì phải lo tiền tiêu Tết.
Quay ngược dòng thời gian, tuổi thơ tôi gắn liền với hình ảnh xác pháo nhuộm đỏ phố phường ngày Tết. Tiếng pháo nổ lốp bốp rộn ràng vui tai làm đêm giao thừa thêm phần sinh khí. Mùi lưu huỳnh đặc sệt gây mũi hòa quyện trong không khí cũng tạo nên một hương vị Tết rất riêng. Nhưng văn hóa này đã dần bị đào thải vì gây nguy hiểm đến tính mạng và sức khỏe của con người. Vì thế, việc gì tốt thì gìn giữ. Việc gì không phù hợp thì có thể thay đổi cho hoàn thiện hơn.
Thiết nghĩ, Tết nên dành thời gian cho vui chơi và thư giãn một cách khoa học. Đừng quá gồng gánh, lo lắng chi tiêu mua sắm, tạo áp lực cho bản thân. Truyền thống văn hóa Tết cổ truyền tốt đẹp thiêng liêng phải luôn trân trọng, phát huy là điều bất di bất dịch. Còn gì đẹp hơn và Tết hơn khi bắt gặp hình ảnh các bác các cô quây quần rôm rả bên nồi bánh chưng nghi ngút khói, lại nôn nao khi thấy những nia củ kiệu phơi đầy ngoài sân.
Dù có yêu lắm những khoảnh khắc và hương vị Tết đầy ý nghĩa ấy nhưng điều tiên quyết là cần cân bằng giữa sức khỏe và tài chính của bản thân và gia đình. Hay nói cho vui là liệu cơm mà gắp mắm. Có như thế thì cái Tết mới trọn niềm vui. Hãy quẳng gánh lo đi mà vui một cái Tết vừa sức mình, hỡi những người mẹ, người cha, người con... hỡi những bạn năm nay không tiền xài Tết!
Hoa quả ngày Tết
Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 có thể không quần là áo lụa, có thể không đào, không quất nhưng chỉ cần bên mâm cơm sum vầy luôn đầy đủ những người thân yêu, khỏe mạnh vui cười, thì thanh âm thổn thức kia nghe có vẻ không còn đáng sợ nhiều nữa. Tết trọn vẹn khi Tết cùng bên nhau. Quẩn quanh đâu đây những giai điệu bình an len lỏi lan tỏa trong hơi thở mùa xuân. Mai vàng nở rộ khoe sắc như vang lên khúc ca hy vọng mừng năm mới hồi sinh và thịnh vượng.
Bình luận (0)