xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Cuộc thi "Bên nhau ngày Tết": Từ một màu hoa

ĐÀO AN DUYÊN

(NLĐO) - Tôi tự thấy mình là kẻ hay hoài vọng những chuyện cũ xưa. Những kỷ niệm đọng mãi trong ký ức tôi thường là những gì mà tôi cho rằng rất đẹp.

Chúng đẹp, bởi có lẽ chúng chẳng bao giờ trở lại một lần nào nữa trong suốt hành trình sống cứ mải mê tiến về phía trước của kiếp người.

Tết này, Tây Nguyên nơi tôi sống, trời bỗng nhiên đổ mưa, cơn mưa nhỏ thôi, nhỏ và khẽ khàng trong tiết trời se sắt lạnh mang đậm kiểu thời tiết giáp Tết xứ Bắc. Tết là thời điểm giữa mùa khô, thường là khoảng mà trời thênh thang nắng và hun hút gió, nắng và gió sẽ hong khô đất đai cây cỏ. Lần đầu tiên sau mấy chục cái Tết, xứ bazan mới thấy một cơn mưa "trái mùa" như vậy.

Từ cửa sổ, tôi ngước nhìn cành hoa đào run rẩy, những cánh hồng mỏng mảnh trong mưa, lòng tự dưng miên man hoài nhớ Tết xưa quá đỗi. Mọi việc đã được sắp đặt tươm tất, chỉ còn cắt một cành đào nhỏ cắm vào chiếc lọ gốm màu da lươn đặt lên góc bàn nữa là coi như Tết đã vào nhà. Suýt soát 30 năm xa quê, lòng tôi luôn nhớ thương một cành hoa đào chiều 30 Tết, nỗi nhớ thương cứ găm chặt vào một khoảng nào đó trong tôi, chẳng bao giờ có thể vơi đi được.

Cuộc thi Bên nhau ngày Tết: Từ một màu hoa - Ảnh 1.

Tuổi thơ của chúng tôi là những cái Tết bên mẹ. Cha tôi là bộ đội đóng quân mãi tận miền Nam, cuộc đời binh nghiệp của ông rong ruổi theo những nhiệm vụ khác nhau. Thời trước, việc đi lại còn rất khó khăn, ông thường để dành vài ba năm dồn lại mới về phép một lần nên thường thì ông không được về vào dịp Tết. Vậy nên trong ký ức của mình, từ khi tôi có thể lưu giữ được mọi chuyện vào trí nhớ, thì cha tôi luôn biền biệt vắng nhà như vậy. Mẹ tôi quanh năm gắn với đồng ruộng vất vả cực nhọc nhưng luôn dành cho chúng tôi những cái Tết ấm áp, như bù đắp lại nỗi thiếu vắng cha.

Háo hức đợi chờ nhất có lẽ là phiên chợ cuối năm, bởi thế nào tôi cũng được đi chợ cùng mẹ. Trong phiên chợ ấy, mẹ trói đôi gà trống choai vừa te te vỡ giọng tập gáy bỏ vào chiếc thúng, đậy điệm cẩn thận rồi mang ra chợ. Đôi gà ấy sẽ đổi về cho chúng tôi bộ quần áo, đôi dép mới và những thức quà tuổi thơ mà ngày thường chỉ có thể ao ước.

Những phiên chợ cuối năm người chen với người, màu sắc hòa vào màu sắc, âm thanh lẫn với âm thanh. Tôi nắm tay mẹ thật chặt, chen trong dòng người bán bán mua mua, tay còn lại giữ thật chặt đôi con tò he sặc sỡ sắc màu để mang về chị em tôi làm quà "chơi sang" mấy ngày Tết. Những con tò he khi xưa nặn bằng bột còn thơm nguyên hương nếp, người ta dùng các loại hoa lá tự nhiên để tạo màu sắc, chúng chỉ xuất hiện duy nhất vào phiên chợ cuối năm, khi giáp Tết. Bởi vậy, nó không chỉ là một thức quà, nó còn là niềm mong ngóng, có lẽ không chỉ riêng của chị em tôi suốt cả một năm dài.

Những ngày cuối Chạp, Tết cận kề rồi nhưng việc đồng áng vẫn ngổn ngang, nhất là những năm tiết trời thuận lợi thì phải lo cày cấy sớm. Chúng tôi tranh thủ dọn dẹp cửa nhà, mỗi người mỗi việc, việc cuối cùng là lau dọn ban thờ, sắp mâm ngũ quả. Mẹ đã ngâm sẵn rượu với chút quế và mấy cánh hoa hồi, ngày cuối năm đem miếng vải sạch thấm thứ rượu ấy lau dọn đồ thờ, hương hồi hương quế phảng phất quyện vào hương trầm thơm thoảng mãi những bước chân phiêu dạt của tôi suốt những năm tháng về sau.

Mâm ngũ quả được lấy từ vườn nhà, gồm có đôi nải chuối xếp quây lấy nhau, ở giữa đặt trái bưởi vàng ươm vừa được cắt xuống, trên cuống còn vài ba chiếc lá tươi xanh. Điểm thêm vài trái hồng xiêm còn ứa nhựa, mấy trái trứng gà vàng xuộm và xen kẽ giữa những thức ấy là những trái cà chua bi chín đỏ trông rất đẹp mắt. Trước ngõ nhà tôi trồng một cây hoa đào, thân cây không lớn lắm nhưng lớp vỏ rêu mốc xù xì, nhiều cành và hoa dày cánh rất đẹp. Nếu hoa mai là tín hiệu của mùa xuân phương Nam thì những đứa con xứ Bắc như tôi sẽ luôn chờ đợi những cánh hoa đào tươi thắm mở ra để xác tín khoảng thời gian đẹp nhất báo hiệu mùa xuân đến.

Chiều 30 Tết, tôi cắt lấy một cành đào nhỏ xíu cắm vào chiếc bình hoa cũng nhỏ đặt lên góc ban thờ, cùng mâm ngũ quả, mẹ để thêm cặp bánh chưng và soạn mâm cơm tất niên mời ông bà tổ tiên về ăn Tết cùng con cháu. Những bữa cơm chiều cuối năm trong cái rét vẫn còn se sắt, trong mưa xuân lắc rắc lay phay bám trên những nụ hoa đang hàm tiếu; những bữa cơm chiều cuối năm còn quyện trong mùi lá khô ngun ngún cháy trong vườn nhà hòa vào trầm mặc khói hương thiêng liêng mà ấm cúng luôn là khoảng lặng bám riết lấy ký ức tôi. Những bữa cơm ấy, tôi luôn ước cha tôi sẽ bất ngờ có mặt…

Những sớm mồng một đầu năm, chị em tôi xúng xính áo quần mới còn nguyên nếp gấp và mùi hồ, sang chúc Tết ông bà nội. Tôi hay được theo bà nội đi lễ đền lễ phủ, với tôi khi ấy, thế giới của bà nội ở những nơi linh thiêng ấy chứa đầy bí ẩn. Bà tôi quanh năm chân đất gắn mình với đồng ruộng bùn lầy, thế mà những ngày Tết, bà như hóa thân thành một con người khác, khăn nhiễu áo hồng, bà xoay tít trong những vũ điệu đồng nhập như thực như hư khiến đứa bé con như tôi tròn mắt ngơ ngác đầy hoài nghi. Rồi bà lại dắt tay tôi trở về trên con đê lun phun màu cỏ non, dưới mưa xuân lây rây như rắc bột, trở về với cuộc đời thực lấm láp ruộng bùn.

Bây giờ Tết cũng không còn là những ngày háo hức đợi mong như xưa. Có phải vì tôi đã chẳng còn là một đứa trẻ, hay đó là sự đổi thay chung?! Người ta đang tranh luận nhiều về Tết. Người nói nên bỏ Tết cổ truyền, chỉ nên đón Tết dương lịch một ngày thôi cho đơn giản, vừa đỡ tốn kém lại đỡ mệt; người thì tối giản Tết, dành những ngày nghỉ Tết để du lịch trải nghiệm khám phá những miền đất mới,… Tết xưa – Tết nay, bao nhiêu ý kiến luận bàn, ai cũng tìm những lý do rất hợp lý để bảo vệ ý kiến của mình.

Với riêng tôi, Tết vẫn là khoảng thời gian đặc biệt. Rong ruổi bôn ba mệt nhoài cơm áo, tôi vẫn mong ước những ngày tết, cả gia đình quây quần gói bánh chưng, dọn dẹp xếp đặt trang trí nhà cửa, tất bật mua sắm chuẩn bị mọi thứ cho những ngày Tết. Nhất là chiều cuối năm, được ngồi bên mâm cơm tất niên cùng tất cả mọi thành viên, để cảm nhận sự thiêng liêng của hơi ấm gia đình. Có lẽ phần nhiều bởi những bữa cơm chiều cuối năm của những ngày xưa, mẹ con tôi, đã chẳng ai nói với ai, nhưng trong lòng tất cả đều hướng về một người đã luôn vắng mặt.

Và gần 30 năm xa xứ, lòng tôi chẳng lúc nào nguôi nhớ thương cành hoa đào nhỏ với những nụ hoa hàm tiếu rung lên nhè nhẹ dưới mưa xuân bên ngõ nhà mình. Ngoài kia, mùa xuân đã về gần lắm, ngỡ có thể chạm vào được, như chạm vào cánh hoa đang rung lên màu nhớ. Tôi biết, điều tôi luôn rất nhớ mong chính là cái không khí ấp áp, sum vầy của tình thân gia đình…

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo