Hơn 10 năm làm dâu, chưa năm nào tôi thấy trên mâm cỗ của gia đình ngoài các món như chả giò, thịt gà, giò xào thường thấy của các gia đình Việt miền Bắc... lại thiếu món nem chua nắm ghém lá đinh lăng mà vị "đầu bếp trưởng" chính là bố chồng tôi thường làm. Có lẽ trong nhà chưa ai có tay nghề làm món ăn "gia truyền" ấy ngon như bố.
Bố kể: "Món nem chua nắm này bố học từ ông nội của các con. Ngày bố còn nhỏ năm nào Tết đến Xuân về ông nội cũng đều làm món này để thếch đãi gia đình cùng khách mời thân thiết".
Nhìn nguyên liệu bố chuẩn bị không thật cầu kỳ nhưng như bố nói: "Nấu ăn cũng như nghệ thuật sống, cần phải có cái tâm với món mình làm thì chắc chắn người thưởng thức cũng cảm nhận được tình cảm của người tạo ra món ăn đó".
Nguyên liệu của món nem chua nắm thật giản đơn gồm: Thịt nạc, gạo tẻ rang vàng (xay nhuyễn như bột, các cụ gọi là thính, đây là nguyên liệu không thể thiếu và cũng là linh hồn của món ăn), tỏi bóc vỏ băm nhuyễn. Nguyên liệu hoàn hảo kết hợp cùng thính tạo nên độ chua dịu vừa ăn cho món nem. Bì lợn thái mỏng điểm xuyến tùy vào khẩu vị người thưởng thức mà cho nhiều hay ít...
Sau khi đã chuẩn bị đầy đủ nguyên liệu làm nem, bố chồng tôi rửa sạch chiếc cối đá nặng trĩu tay. Nhìn chiếc cối tôi thầm nghĩ tuổi của chiếc cối này hơn cả tuổi tôi. Tôi đã từng thắc mắc với bố việc sao không mang thịt đi xay vừa nhanh mà không tốn công sức. Nhưng bố tôi đã giải thích xay thịt thì ra chợ bố cũng mua được món nem này, nhưng để làm món nem chua của ông nội các con thì thịt giã tay cho nhuyễn là ngon nhất, đó mới là công đoạn quyết định độ mịn, rèn sự nhẫn nại của người làm.
Cối đá sau khi rửa sạch, để ráo nước cho thật khô bố cho thịt nạc vào giã nhuyễn, bố giã đến khi chày gần như bị độ nhuyễn của thịt làm cho nặng tay, vít chiếc chày xuống là công đoạn giã thịt đã xong.
Sau đó ông cho thịt vào bát to trộn cùng bì lợn đã được thái mỏng, nêm gia vị vừa ăn, và cuối cùng là bố trút toàn bộ tỏi đã băm nhỏ cùng thính vào bóp cho đều tay đến khi cảm nhận bột thính đã hòa trộn làm một cùng với thịt là công đoạn làm nem đã gần như hoàn tất.
Cuối cùng bố chia đều các nắm nem vừa lòng bàn tay người làm đem gói vào lá rong, lá chuối đã lót sẵn lá sung hoặc lá đinh lăng lấy lạt buộc lại và treo ở chỗ thoáng gió là món nem nắm đã hoàn tất. Để nem khoảng từ 2 đến 3 ngày tùy vào thời tiết (trời lạnh nem lên men chậm hơn, độ chua cũng dịu hơn là thời tiết ấm).
Ngày Tết khi mà nhà nhà đều trữ những thức ăn giàu năng lượng, độ béo và khó tiêu, có được món nem chua nắm chua dịu ăn ghém cùng lá đinh lăng sẽ rất ngon miệng. Chấm món nem chua nắm với nước mắm chua ngọt hay tương ớt đều rất hợp. Món ăn không gây ngán mà trái lại còn là thành phần cân bằng các loại thức ăn khiến người thưởng thức thấy dễ tiêu mà còn cảm nhận được sự thanh tao, nhẹ nhàng, vừa bình dị lại thân quen.
Mỗi khi trên mâm cơm gia đình có món nem chua nắm lá đinh lăng được đặt trang trọng ở chính giữa mâm cơm là cả nhà tôi biết một mùa Xuân mới đang gõ cửa. Với gia đình chồng tôi mâm cơm đoàn viên không thể thiếu món ăn này. Món ăn vừa thể hiện truyền thống gia đình vừa là món ăn kết nối mọi thành viên cùng nhiều thế hệ.
Cuộc thi "Nhà mình ngày Tết" và "Làm báo cùng Báo Người Lao Động "bắt đầu nhận tác phẩm từ ngày 1-2 (20 tháng chạp) đến 21-2 (mùng 10 tháng giêng)
Bạn đọc có thể xem thể lệ, giải thưởng về 2 cuộc thi "Nhà mình ngày Tết" và "Làm báo cùng Báo Người Lao Động" tại đây.
.Lưu ý: do tin bài dự thi của bạn đọc có đính kèm video hoặc hình ảnh có dung lượng khá lớn, nên cần phải giảm dung lượng hình ảnh xuống để gửi hoặc bạn đọc có thể tải lên Google Drive hoặc OneDirve rồi gửi mail chúng tôi link download video, hình ảnh dung lượng lớn đó. Nếu gặp trục trặc trong việc gửi tin bài dự thi xin vui lòng liên hệ qua email: xuanonline@nld.com.vn
Bình luận (0)