Vào dịp Tết, người người, nhà nhà, đặc biệt là hội chị em thi nhau "khoe" độ khéo tay hay làm, sự đảm đang, tinh tế, sự sung túc, ấm no hay sự giản đơn, truyền thống… trên khắp cõi mạng thông qua cách bài trí các mâm cỗ cúng gia tiên hoặc mâm cơm sum họp gia đình thì ở đâu đó, vẫn có những "thánh soi" chỉ quan tâm khám phá những món ăn độc, lạ mang tính đặc trưng vùng miền và tôi là một trong số đó.
Nhận ra đồng hương nhờ món bánh mật
Tôi sinh ra ở quê lúa Thái Bình – nơi được mệnh danh là "quê hương 5 tấn" (bởi năm 1965, tỉnh đạt kỷ lục miền Bắc với năng suất lúa thu hoạch 5 tấn/ha). Bởi vậy, trong kí ức tuổi thơ của mỗi đứa trẻ quê tôi đều có cả bộ sưu tập tên những món bánh được làm từ bột gạo. Có thể kể đến bánh nếp, bánh tẻ, bánh đúc, bánh cuốn, bánh giầy…
Ngẫm lại, theo thời gian, mấy món đó ở đâu chẳng có, thậm chí nhiều nơi còn chế biến ngon hơn, đặc sản hơn quê tôi. Nhưng có một món mà tôi cho là cách chế biến ở quê tôi "không giống ai", không giống bất cứ nơi đâu – đó chính là món bánh mật size (cỡ) đại, cứng như "đá".
Bánh chưng và bánh mật là cặp bài trùng dịp Tết tại nhiều làng quê ở Thái Bình
Sau gần 20 năm xa quê, sinh sống ở thủ đô, trong các cuộc giao lưu, đôi lúc tôi nhận ra các đồng hương nhờ họ nhắc tới món bánh mật. Cùng ở đất Thái Bình nhưng cũng có nơi có, nơi không bởi vậy, tôi có niềm tin rằng nếu như ai đó biết tới món bánh này, hẳn họ ở đâu đó rất gần nơi tôi sinh ra và câu chuyện về chiếc bánh mật như kéo chúng tôi lại gần nhau hơn.
Sở dĩ tôi không thể quên món bánh mật phần là bởi cứ mỗi dịp Tết đến, xuân về, họ hàng ở quê lại gửi biếu món đặc sản này. Họ rất đúng khi nghĩ rằng bánh chưng thì thủ đô có mà đầy, nhưng bánh mật chỉ ở quê gửi ra mới có. Thế mới quý! Phần vì vị của nó lạ miệng tới nỗi không ăn thì nghĩ thôi cũng thèm mà ăn thì không thể ăn nhiều được. Đây có lẽ là món hiếm người ăn đến no được.
Quy trình gói bánh: Cầu kì, độc lạ
Xin ăn mãi kể cũng ngại, chưa kể ở quê dần dần cũng ít người gói, ít vùng có, muốn mua cũng chẳng được nữa là xin trong khi chỉ một cái ảnh up lên mạng xã hội Facebook, món bánh nhìn lạ mắt này còn "hot" rần rần hơn cả ảnh selfie của tôi. Ai cũng hỏi: "Món gì lạ vậy?", cá biệt có người còn xin đến tận nhà nếm thử.
Bánh mật thường được gói bằng nhiều lớp lá chuối
Bởi vậy, cũng đôi lần trong cuộc đời, tôi thử lên Google tìm công thức làm bánh mật với tham vọng cận Tết bày vẽ xíu – gói bánh mật cho vui, "lấy le" với con trẻ trong nhà, nhưng thứ tôi nhận được chỉ là khái niệm từ Wikipedia: Bánh mật được làm bằng cách đem bột nếp thúc với mật cho vào vạc to, nấu lẫn lộn, đảo đều, sau gói thành bánh như bánh tày dài 30 cm x 10 cm. Bánh gói bằng lá chuối; khi dùng một cái cắt thành 2 bó, buộc ngửa ra thành một bát bánh rồi để lên mâm rước kiệu gọi là rước cỗ. Xuất xứ: Từ Bắc Bộ. Bánh mật thể hiện tình cảm, lòng biết ơn đối với tiền nhân, ông bà tổ tiên và cầu mong một năm mới bội thu, con người mạnh khỏe, vạn vật tốt tươi.
Cũng có vài trang hướng dẫn chi tiết, hình ảnh sống động, âm thanh chất lượng cao về quy trình làm bánh mật, nhưng sao nó khác với những gì tôi từng thấy quá. Tôi chợt nhận ra nhiều loại bánh cùng tên nhưng cách chế biến khác nhau và tất nhiên, chất lượng bánh cũng sẽ khác. Thế là tôi bèn gọi về cho bà ngoại, xin công thức gia truyền.
Bà ngoại tôi, người đã trải qua 85 mùa bánh chưng cho hay Tết đến, theo tục ở quê mình phải có đủ cặp bài trùng bánh mật – bánh chưng mới phản ánh chuẩn vũ trụ quan "trời tròn, đất vuông" bởi chúng tượng trưng cho sự kết hợp âm dương, trời đất.
Bánh mật thường được làm từ bột gạo nếp, mật mía và nhân đỗ
"Ngày Tết có người thích ăn vị mặn, có người lại hảo ngọt. Bởi vậy có bánh chưng nhân mặn rồi thì thêm bánh mật ngọt nữa là 10 điểm cộng. Món này dễ làm lắm" - bà tôi khẳng định.
Bà dặn, đầu tiên cần chuẩn bị bột gạo nếp, mật mía, đỗ xanh bỏ vỏ, cùi dừa/lạc, một chút hạt vừng. Đặc biệt nhất định phải có lá chuối khô hoặc lá chuối tây tươi, lạt buộc (có thể bằng dây chuối, bằng dây dứa…). Nếu là lá chuối tươi cần chọn lá chuối tây sau đó luộc lá lên, lau sạch mới có thể dùng để gói bánh.
Quy trình làm bánh như sau: Cho mật mía vào đảo đều với bột gạo nếp theo tỷ lệ 1-2 (tỷ lệ này có thể thay đổi tùy theo khẩu vị hảo ngọt của từng người). Đỗ xanh đã bóc vỏ đem xôi chín lên, cho thêm tí đường, có thể rắc thêm cùi dừa và dầu chuối vào cho đậm vị, vo tròn để làm nhân. Sau khi gói bánh xong, ta rắc thêm ít vừng lên bề mặt bánh để thẩm mỹ hơn.
Mâm cơm ngày Tết ở nhiều làng quê thường có thêm món bánh mật
Bánh mật là món quà quê cụ ngoại thường gửi tặng con cháu ở xa mỗi dịp Tết đến, xuân về
Bánh sau khi được gói xong sẽ được luộc trong khoảng 3 tiếng rồi vớt ra cho vào chậu nước sạch để rửa hết các lớp váng còn lại. Tiếp đến, ta nắn cho vuông thành sắc cạnh bánh rồi dùng tấm gỗ (có vật nặng đè lên trên tấm gỗ) để ép cho nước trong lá róc ra. Quá trình này mất khoảng 30 phút là ta có thành phẩm. Với tiết trời se lạnh của miền Bắc, bánh không cần phải đem bỏ tủ lạnh ngay nhưng nếu muốn đảm bảo chất lượng lâu dài, người ta thường cho bánh vào ngăn mát tủ lạnh.
Thật lòng, tôi cũng muốn cho con làm bánh mật để chỉ bảo, nhắc nhở cháu, con phải biết ơn tổ tiên, giữ gìn phong tục tốt đẹp truyền thống của quê hương mình, nhưng khi tôi mang cái "dễ lắm" của bà kể nguyên văn cho con cháu, chúng liền chân thành khuyên tôi: Thôi thì món gì không làm được thì xin cho nhanh gọn. Đúng thật, quà quê – của một đồng, công một nén và nhiều món hiếm có, khó tìm.
Có thể thấy, quy trình làm bánh theo tục ở quê tôi không thể gói gọn trong vài câu chữ nhưng chắc chắn hương vị bánh mật (chỉ dịp Tết mới có) sẽ theo tôi một đời.
Bình luận (0)