Chúng ta thường nói "vui như Tết" bởi sau 365 ngày bận rộn với bao công việc, mọi người lại hớn hở mong chờ Tết đến. Tiễn năm cũ đi, đón năm mới đến, gia đình tôi chuẩn bị Tết rất tỉ mỉ.
Tôi muốn thời gian quay lại thuở thơ ấu trên quê hương để tìm lại những kỷ niệm khó quên: Thả diều, chăn trâu, bắt cá… và cảnh tụi nhỏ chúng tôi mặc quần áo mới, chạy nhảy quanh bố mẹ và anh chị đang tất bật lo Tết.
Tôi cũng tò mò xem việc chuẩn bị gạo nếp, lá dong, đậu, lạt, nồi niêu xoong chảo, củi lửa... như thế nào để có được nồi bánh chưng sao cho thật Tết. Mẹ tôi tay làm, miệng kể cho con cháu nghe câu chuyện hoàng tử Lang Liêu đã gói một thứ bánh ngon, lạ, độc đáo dâng lên vua cha mà về sau gọi là bánh chưng.
Cảnh gói bánh vui như hội.
Ngày nay, được sống trong cảnh đất nước thanh bình với rất nhiều đổi thay nhưng mỗi khi Tết đến Xuân về, tôi vẫn không thể nào quên những ký ức thật khó phai về đồng bánh chưng (quê tôi gọi là đồng thay vì cái, chiếc).
Quê hương tôi với bạt ngàn rừng cọ đồi chè. Gạo nếp gói lá dong hay lá chuối nấu lên đều cho ra sản phẩm mang tên bánh chưng. Có bánh chưng tròn, bánh chưng vuông. Những đồng bánh chưng xinh xắn, thơm ngon, dù đơn sơ giản dị nhưng lắm công phu.
Lạt buộc phải lấy từ cây giang, cắt khúc chẻ mỏng, sau đó nối lại với nhau. Gạo nếp chọn loại ngon, được đãi sạch sẽ. Đậu xanh kháp bỏ vỏ và cũng làm tương tự gạo nếp. Lá dong tốt nhất là còn tươi, to bản. Nồi nấu phải thật to. Ba ông táo phải vững chắc, làm bằng đất tổ mối trước Tết cả tháng. Người dân quê tôi không dùng thịt heo làm nhân, bởi đã có đỗ xanh thay thế.
Khi nguyên liệu đầy đủ, phần gói bánh mới thực sự quan trọng và cũng vui nhất. Trẻ em vòng trong, vòng ngoài hết đứng lại ngồi xem gói bánh, ham vui là chính. Chúng chạy lăng xăng, làm hỏng cái này cái kia nên thường xuyên bị quát mắng. Nhưng bọn trẻ cũng được việc mỗi khi người lớn sai vặt.
Để bánh chín đều thì lạt quấn vòng quanh sao cho độ chặt vừa đủ, gói xong để ra nong, nia hoặc chiếu lăn vài vòng cho tròn đều, rồi ngâm nước ít phút. Khi nấu, thỉnh thoảng đảo vị trí bánh trên xuống dưới, dưới lên trên cho chín đều.
Khi những đồng bánh dù vuông hay tròn được xếp vào nồi, "trọng trách" đặt lên vai ba ông táo. Củi phải là thứ cây săn chắc, thậm chí là còn tươi, mới cho nhiều nhiệt. Bếp núc lý tưởng nhất vẫn là ngoài sân, ngoài vườn một cách dã chiến. Thời gian luộc bắt đầu tính từ lúc nước đã sôi. Bánh chín được vớt ra nong, nia hoặc chiếu chờ nguội.
Để có được những đồng bánh chưng thơm phức hấp dẫn ấy, không thể không nhắc đến nồi nấu - thứ quý hiếm thời bấy giờ, cả làng chỉ một vài nhà có. Cứ nhà này nấu xong đến nhà khác mượn nồi. Xuyên đêm suốt sáng, người dân thức trông nồi bánh chưng.
Dù phải xoay tua cũng không ai cảm thấy phiền toái hay rắc rối, bởi tình làng nghĩa xóm rất tốt đẹp, có chăng chỉ là nồi lớn thường không có nắp đậy. Song, cũng chẳng ai quan tâm mà thay vào đó là tàu chuối hay cái mẹt đậy lên cũng tốt chán.
Nấu bánh chưng bằng củi.
Cuối cùng, thành quả cũng đến là những đồng bánh thơm ngon ra lò. Việc quan trọng không thể thiếu: Bánh được dâng lên bàn thờ cúng trời đất tổ tiên, theo phong tục tập quán của ông cha.
Với tôi, dù xa quê đã hơn 40 năm nhưng hương vị Tết quê nhà vẫn rất đặc biệt, phong phú, ấm cúng, nhộn nhịp, thân tình, đậm đà chất Việt; Ba mươi, mùng 1 Tết tụ tập sum vầy chúc tụng các đấng sinh thành mạnh khỏe, sống lâu; con cháu bình an, làm ăn phát tài phát lộc. Ngày Tết cũng là lúc bà con, anh em, họ hàng, láng giềng, bạn bè thân hữu gần xa… gặp gỡ trao đổi những chuyện đời thường thú vị.
Cứ mỗi khi Tết đến Xuân về, lòng tôi bồi hồi nhớ lại những ngày cận Tết, nhớ hình ảnh bố mẹ già cặm cụi thức khuya dậy sớm lo toan mọi việc. Bố tôi là người khéo tay, cẩn thận kỹ lưỡng nên ông luôn đảm trách việc gói bánh.
Ngày nay, cuộc sống mọi mặt đã đổi thay với rất nhiều loại hình vui chơi giải trí mới lạ, hấp dẫn. Nhưng Tết cổ truyền vẫn giữ được vị trí đặc biệt trang trọng, mà hình ảnh ngày 30 Tết, bánh chưng treo trong nhà đã nói lên tất cả. Nay nhà nào không nấu bánh chưng thì ra siêu thị hay chợ mua… làm tôi cảm thấy tiêng tiếc. Cảm ơn cuộc thi "Hương vị Tết" vì đã cho tôi cơ hội được trải lòng, chia sẻ những kỷ niệm khó quên một thời, dù khó khăn thiếu thốn nhưng Tết vẫn tràn ngập đầm ấm, yêu thương.
Bình luận (0)