Xuân về, Tết đến ngoài cái thú ngồi canh nồi bánh chưng, bánh tét chờ đón khoảnh khắc thiêng liêng của đêm giao thừa, bà con miền quê xứ dừa Bến Tre quê tôi còn thêm món bánh tráng phồng nếp nước cốt dừa.
Buổi sáng mùng một trên đường đi lễ nhà thờ về còn đọng hơi sương hòa chút nắng ấm của đầu năm mới, anh chị em tôi hạnh phúc lâng lâng ngồi quanh bếp hồng nướng những chiếc bánh tráng phồng nếp ngon béo ngậy nước cốt dừa. Lòng chúng tôi bồi hồi, xao xuyến cảm giác hạnh phúc tươi vui khi bước qua tuổi mới sẽ được mừng tuổi ông bà, cha mẹ, họ hàng... và nhận những bao lì xì đỏ thắm đem lại niềm vui cùng sự may mắn suốt năm.
Bánh phồng nếp được phơi vừa nắng
Tôi quên thế nào được hình ảnh thân thương của bà cô em ruột ông nội với dáng người dong dỏng trên tấm lưng còng vì năm tháng làm công việc đồng ruộng vất vả đầu tắt mặt tối, đôi bàn tay gầy guộc run run đút từng cây củi, gáo dừa khô nhóm bếp lửa ngọn lửa đỏ rực cháy đều rồi thành những cụm than hồng đủ để nướng bánh phồng nếp.
Gương mặt bà ánh lên niềm vui sướng hạnh phúc khi bầy cháu thân yêu tề tụ đông đủ ba ngày Tết khiến tuổi già cô quạnh của bà bớt đi nỗi buồn tẻ vì một thân một mình nơi miền quê lặng lẽ. Cứ tầm 25 Tết là bà chuẩn bị làm các loại bánh mứt, trong đó không thể thiếu món... bánh phồng nếp, bánh phồng gạo thơm ngon mang đậm hương Vị miền quê.
Bà chọn loại nếp mới, thơm dẻo đem ngâm nước ước chừng 5 đến 6 giờ để đủ nở và mềm hạt. Xong bà đem nếp ra vo sạch rồi hấp cho nếp chín. Thành phần nguyên liệu làm bánh phồng nếp bao gồm nếp dẻo, mới thơm, bột đậu nành, nước cốt dừa hòa cùng với đường. Khi nếp chín đem bỏ vào cái cối đá hay bằng gỗ cứng quết nhuyễn khi hạt nếp còn nóng thì bột mới nhanh dẻo. Cái khoảng quết nếp nhuyễn thì anh chị em tôi có thể tham gia với vai trò "phụ bếp" vừa để làm vui lòng bà vừa thích thú lắng nghe bà kể chuyện Tết xưa lẫn Tết nay qua bao mùa mà bà đã trải qua.
Nếp quết, giã nhuyễn bằng chày bằng đồng, sắt hoặc khúc gỗ cứng cáp được thợ mộc đẽo hình trụ dài to bằng nắm tay người lớn. Nếu làm bánh phồng nếp số lượng nhiều thì cần cái cối thật to kiểu giã gạo. Nếp sau khi quết nhuyễn ra thì nhào trộn với đường và nước cốt dừa sao cho tỉ lệ vừa ăn với bột. Bột đậu nành xay ra và trộn chung vào để cho bánh được phồng to hơn. Chờ khi bột thấm đều bà sẽ đem nặn ra thành viên dẹp dẹp rồi dùng đoạn ống tre cỡ gang tay cán bánh ra cho hình dáng tròn, dẹp, mỏng.
Món ngon ngày Tết kết thêm tình quê hương
Xong công đoạn cán bánh thì bà đem phơi dưới ánh nắng vừa đủ không quá gắt hoặc quá yếu để tránh cho bánh khỏi bị chai. Phơi bánh tầm nửa ngày là bánh khô rồi gỡ ra khỏi cái mẹt làm bằng tre nứa dài, rộng như cái chiếu ngủ, đem xếp thành từng chồng. Bánh ngon hay không nhờ bàn tay khéo léo của người quết bánh, đều tay thì bánh sẽ thơm ngon, béo ngậy. Chiếc bánh mang hương vị đậm đà của buổi sáng đầu năm trời thoang thoáng mát hòa chút nắng ấm của mùa Xuân hoặc không khí đầm ấm, quây quần bên ánh lửa hồng nướng bánh phồng chờ năm mới sang...
Ngoài những món bánh mứt, trái cây ngày Tết thì người dân xứ dừa quê tôi không thể thiếu hai món bánh mứt đặc trưng của người dân quê Bến Tre. Đó là mứt dừa và bánh phồng nếp nước cốt dừa đậm đà hương vị của nếp dẻo, béo và ngọt lịm mà chiếc bánh phồng nếp đem lại lột tả hết hương vị đậm đà của không khí đón Xuân nơi miền thôn dã nhưng ấm áp tình người đơn sơ, giản dị và tấm lòng hào sảng, hiếu khách. Bà tôi còn đem tặng bà con láng giềng và qua Tết vẫn còn lại những chồng bánh phồng cho anh chị em tôi trở về thành phố để dùng sau bữa cơm hay đãi khách tới nhà thăm viếng bên chén trà nồng ấm thấm giọng.
Chiếc bánh phồng nếp được bàn tay gầy guộc nhưng chứa chan tình thương các cháu nhỏ của bà cô tôi mãi đi cùng chúng tôi qua bao cái Tết sum vầy hạnh phúc đủ đầy ngoài những món ăn quen thuộc của ngày Tết. Nó được bà tôi cặm cụi còng lưng cán tròn đều và mỏng dẹp ra như thể tấm lòng chứa chan tình thương của bà luôn bao la, đồng đều và tròn trịa của bậc bề trên cao cả vậy.
Bình luận (0)