Tết với tôi là hoài niệm khôn nguôi về mâm cơm gia đình với món bánh chưng xanh dài. Không chỉ tôi, trong ký ức của bất cứ ai từng trải qua thời kỳ "tem phiếu", chiếc bánh chưng xanh dài luôn là niềm háo hức mỗi khi Tết đến.
Ngày này, người Việt dù sinh sinh sống, làm việc ở bất cứ đâu cũng đều mong muốn trở về sum họp với gia đình và quây quần bên nồi bánh chưng. Tục gói bánh chưng đến nay vẫn là một trong những nét văn hóa đậm phong vị ngày Tết. "Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ/ Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh" - tất cả hòa quyện để mang đến một cái Tết thấm đượm văn hóa Việt.
Trong tâm thức của người Việt, chiếc bánh chưng không đơn thuần là món ăn truyền thống mà còn mang nhiều ý nghĩa về vũ trụ và nhân sinh quan; thể hiện sự sum họp gia đình, biết ơn trời đất, tổ tiên. Bởi thế, trong mâm cỗ cúng gia tiên ngày Tết, không thể thiếu cặp bánh chưng xanh.
Tôi nhớ hồi bé ở với ông bà ngoại, khoảng chục ngày trước Tết là bà đã đi chợ mua lá dong, chuẩn bị gạo nếp, đỗ xanh, thịt lợn thật ngon để gói bánh. Bà không gói bánh chưng vuông như bao nhà mà gói dài giống bánh tét ở miền Nam. Bà bảo gọi là bánh chưng dài bởi bánh được gói bằng lá dong chứ không phải gói lá chuối như bánh tét.
Bà chuẩn bị nguyên liệu gói bánh rất tỉ mỉ, chỉn chu. Thịt ba chỉ được rửa sạch bằng nước muối và dấm, thái miếng dài mỏng khoảng 16-18 cm. Gạo nếp và đậu xanh phải vo nhiều nước cho sạch rồi ngâm nước muối loãng qua đêm. Lá dong thì rửa sạch, chần nước nóng hoặc phơi nắng cho héo rồi mới gói.
Thú vị nhất với mỗi đứa trẻ chúng tôi là được bà gói riêng cho chiếc bánh nhỏ. Chúng tôi ngồi canh nồi bánh chưng cùng ông bà, lòng háo hức mong chờ đến giờ vớt bánh để rồi xuýt xoa thích thú với chiếc bánh nhỏ dành riêng cho mình. Cho đến giờ, tôi vẫn không quên được mùi khói nấu bánh chưng, nhắc đến là mắt lại cay cay.
Mãi xa rồi những ngày xưa bên gia đình. Mẹ tất bật với phiên chợ cuối năm, lo từng cân gạo nếp, tấm lá dong hay bó lạt giang gói bánh. Cha tất tả đạp xe mua cành đào. Mấy chị em bận rộn quét dọn, trang trí nhà cửa. Hương trầm thoang thoảng. Nồi nước lá mùi già thơm nồng. Bên hàng xóm rộn ràng khoe áo mới. Đêm 27, bếp lửa bập bùng soi tỏ nồi bánh chưng sôi sùng sục... Đêm 30, rộn ràng tiếng pháo giao thừa, những gương mặt hân hoan bên gia đình cùng đón chào năm mới.
Tết xưa hay Tết nay, dù ở bất cứ đâu, tôi vẫn không khỏi bồi hồi, háo hức, y như thời "tem phiếu" mong có một tấm bánh chưng xanh dài để ăn Tết.
Bình luận (0)