Ngày 23 tháng Chạp Âm lịch hàng năm là ngày đưa ông Táo về trời. Nó cũng đánh dấu sự khởi đầu cho việc chuẩn bị cho Tết Nguyên Đán sắp tới. Theo phong tục, đó là thời điểm vị thần bếp trong mỗi gia đình tạm thời rời khỏi điện thờ của mình để lên trời bẩm báo về hoạt động hằng năm của mỗi gia đình.
Mâm cơm ngày Tết của gia đình tôi
Nhắc đến Tết là nghĩ ngay đến bánh tét. Mẹ tôi nói bánh tét được cúng vào giao thừa, chứng kiến thời khắc chuyển giao từ cũ sang mới và đón chào năm mới. Đây cũng là chiếc bánh truyền thống lâu đời, biểu tượng của Tết Việt ở miền Nam!
Trước khi có một bữa ăn thịnh soạn vào dịp Tết, gia đình tôi đã chuẩn bị bài bản. Bố bưng gạo nếp và lá chuối, thịt mỡ, nhân đậu xanh mà bà ngoại đã chuẩn bị cho chúng tôi gói. Tôi xếp lá chuối vào khay, mẹ và chị gói bánh tét, còn ba ngồi bên cạnh nhàn nhã xem gala Tết! Phần việc của bố là cho bánh tét vào nồi, nhóm lửa bằng củi để chúng tôi quây quần sưởi ấm, trò chuyện về một năm cũ đã qua.
Tôi cũng trổ tài gói bánh tét nhưng thú thật, gói đi gói lại tôi không thể tạo nên được chiếc bánh hoàn hảo. Ngoại tôi trêu: "Tới tuổi lấy chồng rồi, kiểu này thì đi làm dâu được một mùa xuân, mẹ chồng trả về".
Bữa ăn ngày Tết đong đầy yêu thương từ bếp lửa gia đình
Chưa kịp nhận ra thì tay và quần áo của tôi đã bám đầy gạo, mùi thịt mỡ, lá chuối thì nhàu nát. Từ trong bếp ra, nhìn thấy cảnh tượng này, ba ghẹo: "Bánh này luộc xong mở nắp ra thì cảnh tượng lá ơi ở lại nhân đi nhé". Chúng tôi nhìn nhau cười phá lên!
Tôi từ bỏ cố gắng làm bánh và vào bếp cùng bà ngoại chuẩn bị những món ăn khác. Tôi được bà truyền lại bí quyết ướp thịt sao cho ngon, đậm vị, tránh đi mùi tanh. Chả cá cũng được trộn sẵn bắt mắt với màu xanh xen kẽ của hành. Tôi được bà ngoại giao cho nhiệm vụ làm sạch bụng khổ qua rồi cho chả cá vào. Đối với tôi, thật sự rất khó để tránh sự kết dính của chả cá vào dụng cụ làm bếp. Bà nhẹ nhàng dạy bảo tôi phải dùng dầu ăn thấm qua chiếc thìa mỗi khi lấy chả cá. Thật tuyệt khi có thể vào bếp cùng gia đình, học hỏi kinh nghiệm của những người có vài chục năm kinh nghiệm vun vén gia đình từ căn bếp như bà ngoại của tôi.
Còn một món nữa đong đầy yêu thương là món thịt kho tàu đậm vị ngọt tự nhiên của những quả dừa nhà tôi trồng mấy chục năm nay. Là món ăn mà khi tôi đi du học xa nhà vào năm trước gợi cho tôi cảm giác nhớ cái Tết xa quê nhất. Lúc ấy, tôi chẳng thể nào tự làm theo cách trên mạng người ta chỉ bảo được vì ở châu Âu không có nguyên liệu đầy đủ.
Lần này, tôi quyết phải tham gia vào việc kho thịt, học được bí quyết của bà ngoại. Nhưng mỗi lần vào bếp với món này, tôi chỉ được giao cho nhiệm vụ bóc vỏ trứng vịt. Vì đây là nồi thịt kho quan trọng, chiêu đãi khách ghé thăm nhà, món ăn của cả nhà vào dịp Tết nên không ai muốn tôi làm hỏng nó. Kết cục bất ngờ là tôi được bà ngoại giao nhiệm vụ... ra vườn cắt rau sống, ngâm nước rửa sạch và cắt giò lụa.
Vì tôi rất yêu thích hoa tươi, lại có kinh nghiệm làm sự kiện nên bố mẹ giao cho tôi trang trí căn bếp sao cho đẹp mắt. Từ ngày xa nhà đến thành phố, rồi sang châu Âu, tôi học được rất nhiều cách trang trí của người phương Tây lẫn phong thủy phương Đông. Vì vậy, lần này, tôi chọn màu sắc của hoa phù hợp với cung mệnh ngũ hành của năm. Tôi đặt thêm mấy chậu cây xương rồng nhỏ trang trí trên kệ để tăng thêm mảng xanh cho gian bếp . Đêm giao thừa cũng là dịp nhà nhà đón ông Táo trở về sau chuyến đi về trời, vì vậy, tôi cũng lau dọn và chuẩn bị diện mạo mới cho bàn thờ ông Táo với bình hoa tươi, trái cây và những ly rượu mới.
Mâm cỗ cúng đêm giao thừa đơn sơ do tôi bài trí
"Đến giờ ăn rồi!" - đó là thông báo của chị gái và mẹ tôi cho cả nhà cùng dùng bữa tối giao thừa ở phòng khách. Chao ôi! Một bữa ăn thật thịnh soạn! Ở giữa có một bát canh khổ qua lớn bốc khói, hai đĩa thịt kho tàu, một đĩa rau sống vườn nhà tươi ngon, một đĩa giò lụa, cùng những chiếc bánh tét vừa ra khỏi nồi.
Tôi cố gắng nhắm mắt lại, hít một hơi thật sâu và nói: "Thơm quá!". Nhìn cô con gái, ba tôi cười: "Thích thì cứ nhích thôi!". Vợ chồng chú út cũng đến chung vui cùng bữa cơm giao thừa của gia đình tôi. Ba lấy từ trong tủ ra một chai rượu quý, bật nắp với một âm thanh nổ to, đánh dấu sự bắt đầu của bữa tiệc tối.
Tôi nâng ly rượu trước, chúc: "Bố ơi, chúc bố năm nay thuận buồm xuôi gió, làm ăn phát đạt, bốn mùa bình an, ngũ phúc tới cửa, phú quý đến từ muôn phương". Nói xong, tôi uống hết rượu trong ly và lần lượt mời những thành viên khác. Giữa gian bếp ấm cúng của gia đình, chúng tôi có một bữa tối đêm giao thừa đáng nhớ. Rồi mùng 1, mùng 2, mùng 3, chúng tôi cùng nhau đi viếng chùa, thăm ông bà...
Tết năm nay tôi trở về trong vòng tay yêu thương của gia đình
Có lẽ nhờ hai năm du học xa quê, tôi trân quý những khoảnh khắc bên gia đình, quý những lúc chuẩn bị Tết, những người thương bên cạnh nhau. Chúng ta cứ mãi đi tìm kiếm những điều xa vời mà không biết rằng có những điều đơn giản làm nên làm nên hạnh phúc.
Tết năm nay tôi về lại quê hương, tôi muốn bên gia đình, muốn ăn bánh mứt, thịt kho tàu, bánh chưng, bánh tét. Cảm ơn những cái Tết xa quê ấy để tôi trân trọng hơn những khoảng khắc được ở cạnh người thân, gia đình.
Bình luận (0)