Quê tôi bạt ngàn những dải đồi trồng mía. Heo may về mía bắt đầu ngọt chờ Tết. Xóm làng lại co ro xào xạc từng dải mía cho một mùa Tết ấm no.
Lũ trẻ chăn trâu chúng tôi thuở ấy quen với hương mía thơm lừng khi làng đốt gốc, quay mật mía và những bữa ăn được nấu bằng xác mía ép thơm ngọt. Khi mùi khói hương mía bay lan xóm nhỏ là Tết đến gần.
Thuở ấy nghèo khó, mỗi độ Tết về, những vựa ép mía bằng sức kéo của trâu. Ký ức về những con trâu khỏe đi tròn xoay cần ép, khi xong đống mía thay ca, lũ trẻ chúng tôi thương con trâu ngoan chóng mặt nằm trên nền bã mía đút nõn mía non cho nó bồi bổ. Từng thùng nước mía ép theo chân bố mẹ chúng tôi về nhà đón Tết.
Kẹo lạc mật mía, bánh chưng chấm mật mía, gói bánh chưng ngày Tết - Nguồn: internet
Trong mỗi gia đình làng tôi đều có can mật mía quánh thơm để dùng Tết. Ký ức trẻ thơ của tôi là kẹo lạc mật mía và bánh chưng chấm mật mía mỗi Tết về thơm căn nhà nhỏ. Tết qua, lại bịn rịn chờ mùa mía năm sau. Mật mía trữ lâu không còn thơm hương dịu, mật của mía mới thì ăn Tết mới ngon. Mỗi năm một vụ mía, vụ xuân ngọt.
Căn nhà nhỏ của tôi thuở bé đủ đầy hương mía mới. Bố tôi đem nước ép mía về cẩn thận lọc, đưa lên bếp nấu sôi. Độ lửa phải dùng bằng củi thân lớn, cháy đượm, nấu nhỏ lửa để độ nóng đều và phải quấy luôn tay. Chỉ cần một chút bén đáy, mùi mật sẽ bị khét, không còn thơm ngọt.
Có năm, bố bận bịu để lửa cháy lớn. Mẹ bảo: "Mẻ mật này không tiếp khách Tết được rồi, không còn thơm hương". Bố mẹ đun mật và liên tục lọc vớt bọt. Khi mật vàng quánh, ngọt đậm của mía tự nhiên, mẹ để nguội và lọc lại lần nữa.
Mật mía đầy can là tụi trẻ lấm lem như tôi thuở ấy ý niệm là Tết sắp đến gần. Bố làm kẹo lạc hay chè lam, bánh chưng Tết chấm mật chúng tôi ăn mùa Tết. Món bánh chưng có vị béo của nếp, ngọt của mật mà ở vùng quê nghèo khó bọn trẻ chúng tôi chỉ được ăn mỗi độ Tết về. Tết xong, đứa nào má cũng tròn hồng mùi bánh, mùi mật hương Tết.
Bánh chưng, món ăn dân dã không thể thiếu trong ngày Tết
Bánh kẹo từ mật mía là ký ức của tôi những Tết còn bố. Đổ kẹo lạc phải khỏe tay đánh, tay quấy, tay dàn kẹo, cắt kẹo. Ván kẹo lạc chờ Tết bao mùa, là bấy nhiêu mùa hương mật mía gia đình tôi đủ đầy khi còn bố.
Nhà tôi đông con, đứa nào cũng thích kẹo lạc mật mía tự làm. Bọn trẻ xóm tôi cũng vậy, thích vị béo của lạc, ngọt thơm mùi mật mía mới, the của gừng. Tôi thường mang kẹo của bố làm ra đãi tụi nó. Tôi mời: "Tụi bay ăn thử kẹo năm nay bố tao làm, ngon lắm!". Tết đến, chúng tôi xe xua áo mới đến nhà nhau, bánh kẹo không nhiều màu sắc như bây giờ nhưng kẹo lạc mật mía luôn được các ông bố làm tặng bọn trẻ mỗi dịp xuân về.
Trong cái rét bấc cuối năm, bố đỏ lửa quấy mật mía cho đến khi cô quẹo. Tay bố khỏe quấy mật liên tục, nếu mật mía bén đường khét đáy, mẻ kẹo năm ấy không còn thơm, bọn trẻ trong nhà không khoe được kẹo nhà làm với chúng bạn. Chúng tôi năm nào cũng chờ đến khoảnh khắc bố gọi: "Đem bát nước lạnh vào đây". Bố thử mật là sắp có kẹo ăn rồi.
Sự nghèo khó nuôi cảm giác chờ Tết trong chúng tôi. Tết có nhiều bánh kẹo bố làm, có bánh chưng chấm mật, có hành tím nướng than bã mía thơm. Chúng tôi bê bát nước lạnh vào, bố rỏ mật đã quấy cô vàng vào bát. Nếu mật không tan ra, cô mềm trong nước là đã đạt độ ngon. Bố rải thính thành lớp bột mỏng lên thảm. Cho các nguyên liệu đã chuẩn bị sẵn gồm lạc rang bóc lụa, gừng sao khô, vừng rang vào chảo mật đã cô đủ độ. Mọi nguyên liệu quánh vào nhau rít đặc, tay bố khỏe quấy đảo trộn đều.
Chúng tôi vẫn tấm tắc thần tượng chỉ bố khỏe mới làm được kẹo Tết. Từng mẻ kẹo được dàn đều trên tấm phản đã rải bột thính, kết đều lại và bố cắt thẳng đẹp mỗi cái đều nhau. Chúng tôi chờ Tết từ mỗi mẻ kẹo lạc mật mía hằng năm thời thơ ấu vàng ngọt, trong rét gió co ro áo ấm, ăn kẹo nhà mình làm mà thấy rộn ràng xuân.
Bánh chưng sau khi bố mẹ nấu chín sẽ được vớt nguội nén chặt cho rền. Đứa bé nào ngoan sẽ được mẹ giao đem bánh kẹo đến biếu ông bà cúng tổ tiên ngày Tết. Trong ký ức tôi, món quà bố mẹ biếu ông bà để thắp hương các cụ có cặp bánh chưng và túi kẹo lạc bố làm, có chai mật mía thơm hương Tết.
Những món ăn trong tôi nhớ thơm hương mật mía. Bữa bánh đầu tiên mẹ cắt, có chén mật nâu vàng giữa mâm ăn sáng. Trời lạnh lắm, mật đặc quẹo theo đông. Mẹ xuýt xoa khen mật năm nay ngon hơn năm trước, bánh chấm vào ngậy thơm đậm đà. Chúng tôi nghe mẹ khen cũng khoe nhau xí phần sẽ ăn. Cứ thế, chúng tôi ăn hết phần bánh chưng chấm mật mía theo lời mẹ khen, dẻo thơm vị bánh, ngọt đậm vị mật quê.
Bố xa chúng tôi vào một mùa đông mía chưa kịp ngọt. Giao thừa năm ấy vắng hương mật mía bố làm. Những dải đồi mía cũng ít dần theo thời gian. Con trâu kéo mật mía đi suốt tuổi thơ tôi cũng không còn. Phản kẹo lạc không màu dần thay bằng những túi kẹo chúc Tết xanh đỏ. Nhưng hương mật của những mùa đông giáp Tết đầy chất thơ vẫn xào xạc về trong tôi mỗi độ heo may. Chúng tôi lớn lên không còn lấm lem đất đỏ đồi mía nhưng một thời mật mía thơm từ mùi khói bếp, từ mùi kẹo bố làm, từ mùi bánh chưng chấm mật vẽ nên những ký ức thật đẹp trong tôi. Rét rồi, đông lạnh xào xạc heo may, mía ngọt rồi, mùi Tết đến!
Ký ức xa dần theo tôi mỗi Tết bận rộn hơn, chúng tôi xa ngôi làng nhỏ, xa những dải đồi trồng mía xào xạc heo may, xa mùi khói thơm hương mía mỗi chiều và kể từ mùa đông năm ấy cũng không còn những mẻ kẹo đặc thơm của bố.
Chiều nay heo may về sương lạnh, bỗng thấy lòng mình đầy hương khói mùi mật mía những Tết xưa…
Bình luận (0)