Giữa làn hơi lạnh giá của mùa đông còn vương vấn, cây cúc quỳ khoe sắc vàng rộn khắp nương đồi, báo hiệu mùa xuân đang về trên mảnh đất Tây Nguyên đại ngàn. Sắc xuân rực rỡ, vui tươi rộn ràng đã lan tỏa, len lỏi vào căn bếp nhỏ làm cháu nhớ đến ngoại.
Thấm thoát đã ba năm kể từ ngày căn bệnh tai biến quái ác ập đến bất ngờ khiến bà bị liệt nửa người. Cũng từ đó, bà phải nằm một chỗ trên giường, không còn đi lại và nói cười được nữa. Đôi mắt trắng đục nheo nheo của bà cứ hấp háy nhìn xung quanh như đang cố nhớ lại những gì đã qua. Trong ký ức tuổi thơ của cháu, bà hiền từ và nhẹ nhàng như một bà tiên trong truyện cổ tích.
Bà có khiếu nói chuyện rất cuốn hút, nhất là tài dẫn dắt câu chuyện vòng vo mà không bị lạc chủ đề. Qua lời kể của mẹ thì ngày xưa bà buôn bán rất giỏi. Bà bán muối hạt và nước mắm. Lúc đó, nước mắm rất khan hiếm nên bà thường mua cá biển về tự nấu thành nước mắm để bán cho mọi người. Không chỉ vậy, bà còn có biệt tài nấu ăn rất ngon. Trong số các món ngon ấy thì cháu ấn tượng nhất với món thịt lợn giả cầy.
Chẳng biết từ khi nào cháu đã nghiện món thịt đặc biệt ấy, rồi năm nào cũng háo hức mong chờ đến Tết để được về quê ngoại thưởng thức nó. Lạ kỳ thay cái món khi mới nhắc đến tên sẽ khiến người ăn có cảm giác sờ sợ, kinh kinh, nhưng một khi đã nếm rồi thì không sao có thể bỏ đũa được.
Không hiểu sao cháu cứ nhớ mãi về kỷ niệm năm lên sáu tuổi được bố mẹ cho về quê Nghệ An ăn Tết cùng bà. Mâm cúng tất niên chiều 30 Tết ở nhà bà thật đơn sơ chỉ có vỏn vẹn bốn bát cơm trắng, một đĩa bánh chưng nhân đậu và một bát thịt màu nâu thẫm. Lúc dọn ra ăn, cháu chỉ "chén" mỗi miếng bánh chưng mà tuyệt nhiên không chạm đến bát thịt. Thấy vậy, bà bèn nhẹ nhàng gắp vào bát của cháu hai miếng thịt to và ân cần bảo: "Cháu ăn đi, đặc sản Tết "thịt giả cầy" do bà tự tay mần đó".
Vốn rất sợ chó nên khi nghe nói đến từ "cầy" thì cháu nhất quyết không chịu ăn. Phải một lúc lâu sau khi nghe bà giải thích về "món thịt lợn giả cầy" thì cháu mới gượng gạo há miệng để bà đút cho ăn. Khi miếng thịt vừa lọt vào khoang miệng thì chao ôi sự đậm đà và mùi vị quyến rũ của nó làm cháu mê đắm. Vị mằn mặn của mắm ruốc hòa cùng sự ngọt ngào của đường mía, sườn sựt của tai heo, beo béo của chân giò kèm theo hương riềng sả, khiến tuyến nước bọt của cháu tiết ra như suối chảy không ngừng. Cháu nhai ngấu nghiến và nuốt vội nuốt vàng như thể sợ miếng thịt sẽ chạy ngược trở ra. Và cứ thế, cháu "chén" sạch bát thịt trong một tích tắc mà không hề để ý rằng cả nhà đang cùng nhìn về chiếc bát rỗng.
Vậy mà đã ngót nghét ba năm rồi cháu không được thưởng thức cái mùi vị nồng nàn của riềng sả và béo béo của món thịt lợn do bà nấu. Căn bệnh tai biến quái ác ập đến bất ngờ đã khiến cho cánh tay phải của bà bị liệt nên bà không còn nấu nướng được nữa. Ngày trước bà thường nói: "Choa là dân cá gộ, chỉ biết chặt to kho mặn". Cháu cũng không hiểu "Dân cá gộ" nghĩa là gì nên cứ bám theo bà để hỏi. Mỗi lần như vậy, bà thường lườm cháu một cái, rồi mắng yêu: "Cha tổ nhà mi cứ hỏi hoài, dân cá gộ là nghèo và tiết kiệm chớ chi. Vì rứa thường nấu ăn đơn giản, có chi nấu nấy". Quả thật các món ăn do bà nấu không cầu kì mà cực kì đơn giản nhưng món nào cũng đậm đà khó quên.
Riêng món thịt giả cầy là đặc biệt nhất, nó được xem là một món ăn sang trọng, cầu kỳ nhất và chỉ được bà chế biến vào dịp Tết để đãi khách. Sự đặc biệt của nó được thể hiện ở tất cả các khâu từ lựa chọn nguyên liệu đến chế biến. Bà bảo để món thịt ngon chuẩn thì nguyên liệu thịt phải chọn là những chiếc chân giò sau, không nên chọn chân giò trước vì ít thịt. Bên cạnh đó, cần chọn thêm một ít tai heo cho có vị sườn sựt và một ít thịt vai để khi nhai dai dai vui miệng. Gia vị như riềng, sả phải chọn những củ to, già mới cay nồng, còn mắm ruốc cũng phải là loại nguyên bản không pha chế mới đảm bảo vị thơm ngon.
Nói về khâu sơ chế và chế biến thì cũng khá là kỳ công. Chân giò, tai heo, thịt vai đem ngâm nước muối, rửa sạch, chặt và thái thành từng miếng vừa ăn rồi bỏ vào chảo đổ ngập dầu chiên vàng. Thịt chiên vàng thì cho vào một cái nồi to và tiến hành ướp với riềng, sả, ớt băm nhuyễn, muối, đường, bột tiêu, Knorr, đường mía và mắm ruốc. Sau thời gian ướp khoảng 12 tiếng, bắc nồi lên bếp bật lửa riu riu cho đến khi nước thịt sền sệt, miếng thịt chuyển sang sắc nâu sẫm thì tắt bếp. Món thịt lợn giả cầy thường ăn kèm với cơm nóng. Mỗi khi chế món này thì niêu cơm dù to mấy cũng cạn đáy.
Điều lạ là từ khi bà bị bệnh không thể tự làm được món thịt lợn giả cầy nữa thì mỗi khi Tết đến, mẹ cũng vào bếp làm món thịt này. Nhưng món thịt giả cầy của mẹ có hương vị hoàn toàn khác xa với món thịt bà làm. Mẹ bảo: "Mẹ cũng gia giảm giống hệt như bà nhưng không hiểu tại sao nó lại không được ngon như của bà". Rất có thể khi làm món thịt giả cầy ấy, ngoài những nguyên liệu đã kể ở trên thì bà còn cho vào đó cả vị đời đắng cay, nghèo khó nên mới thơm ngon và đậm đà đến như vậy phải không bà?
Bà và cháu
Đêm đã khuya lắm rồi, gác lại nỗi nhớ bà và món thịt giả cầy đặc sản vào trang giấy, cháu chúc bà luôn bình an và vui vẻ nhé bà. Yêu và nhớ bà nhiều lắm.
Bình luận (0)