Những ngày đầu tháng 7, cánh đồng nằm dọc sông Thoa ở thôn Hội An 1, xã Phổ An, thị xã Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi vẫn xanh mơn mởn, trải dài tầm mắt.
Được dân quý mến
Dẫn chúng tôi đi tham quan thửa ruộng với hệ thống kênh mương bố trí khoa học, bờ vùng, bờ thửa liên hoàn, vuông vức, ông Nguyễn Tấn Mỹ, Chủ tịch UBND xã Phổ An, thổ lộ: "Có được vậy là nhờ sự đoàn kết, gắn bó của tất cả người dân trong thôn. Nhất là ông Nguyễn Muộn, nguyên Bí thư kiêm Trưởng thôn Hội An 1, đã có công lớn trong phong trào vận động nhân dân thực hiện chủ trương dồn điền đổi thửa".
Ông Nguyễn Thanh, người dân thôn Hội An 1, nhớ trước kia cánh đồng dọc sông Thoa hết sức manh mún, mỗi năm trồng được một vụ lúa vì không có nước, năng suất rất thấp nên dân không đủ ăn. Sau khi dồn điền đổi thửa, kênh mương đưa nước về thì năng suất tăng rất cao.
"Trước kia năng suất lúa chỉ 50 tạ/ha thì sau dồn điền đổi thửa, năng suất đạt 70 tạ/ha. Bà con trong thôn ai cũng vui mừng. Bây giờ nhìn lại mọi việc, bà con thấy quý ông Muộn lắm, vì ông có công đầu. Mà không riêng việc này, mọi việc lớn nhỏ trong thôn đều có bàn tay đóng góp của ông Muộn. Dù ông nghỉ hưu nhưng bà con vẫn rất tin tưởng, quý mến nên có việc gì khó cũng cậy nhờ ông đứng ra vận động, dàn xếp" - ông Thanh bộc bạch.
Ông Nguyễn Muộn (bìa trái) trên cách đồng thực hiện thành công việc dồn điền đổi thửa
Nhớ những ngày đầu đi vận động người dân dồn điền đổi thửa, ông Muộn kể mọi việc rất khó khăn: "Đầu năm 2016, khi nghe chủ trương của xã dồn điền đổi thửa tạo cánh đồng lớn, tôi về tổ chức họp thôn triển khai cho bà con. Tôi nói đây là cơ hội để sắp xếp lại đồng ruộng cho khoa học, tránh manh mún, có điều kiện áp dụng khoa học kỹ thuật, sản xuất theo hướng tập trung, cơ giới hóa sản xuất… Nhưng lúc đó, rất nhiều người phản đối, cho rằng làm theo phong trào. Thế rồi bà con bỏ về. Có người nói thẳng nhà nào có ruộng tốt thì cứ hưởng, không dồn đổi gì hết".
Suốt nhiều đêm trăn trở, ông Nguyễn Muộn suy nghĩ phải làm sao thay đổi được nếp nghĩ của người dân. Với quyết tâm đó, ông kiên trì vận động, tổ chức thêm hàng chục cuộc họp giữa cán bộ thôn với dân. Rồi hằng ngày, hằng tuần, ông đến từng hộ vận động, nói về lợi ích của việc dồn điền đổi thửa. Dần dần, một số người thấy chủ trương này là đúng đắn và cần thiết nên đồng ý. Sau thì vài chục hộ, rồi toàn bộ người dân có đất ở cánh đồng này đều nhất trí.
Ai cũng phấn khởi
Sau dồn điền đổi thửa lại phát sinh việc có người không nhận ruộng vì so bì, cho rằng nhà khác được nhận ruộng tốt mà nhà mình nhận ruộng xấu. Ông Muộn lại tiếp tục vận động họ nhận ruộng về canh tác. Để làm gương, gia đình ông tự nguyện nhận phần đất xấu nhất của cánh đồng.
"Thấy tôi tiên phong nhận phần đất được cho là xấu nhất của cánh đồng, 100% người dân trong thôn dần tin tưởng và vui vẻ nhận ruộng theo" - ông kể và cho biết nhờ đó mà đến cuối năm 2016, thôn đã hoàn thành dồn điền đổi thửa, chỉnh trang đồng ruộng với tổng diện tích 110 ha, đạt 100% kế hoạch, tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất.
"Ngay sau dồn điền đổi thửa, vụ lúa đầu tiên đã đạt năng suất tăng vọt. Việc đưa máy móc, nước tưới về cho đồng ruộng cũng dễ dàng hơn. Bà con trong thôn ai cũng phấn khởi" - ông Nguyễn Tấn Mỹ nhìn nhận.
Cũng theo ông Mỹ, chính nhờ vai trò tiên phong, gương mẫu của những cán bộ chủ chốt ở các địa phương như trường hợp ông Nguyễn Muộn mà rất nhiều phong trào như dồn điền đổi thửa, bê-tông hóa nông thôn đã đạt những thành quả lớn.
Tạo sự lan tỏa
"Nhờ chủ trương dồn điền đổi thửa ở Hội An 1 đạt những thành quả tốt nên tạo sự lan tỏa trong toàn xã. Người dân ở các thôn khác như Hội An 2, An Thạch và An Thổ đã đồng tình hưởng ứng thực hiện dồn điền đổi thửa tại các cánh đồng còn lại trong xã. Thành công này đã góp phần đưa xã Phổ An cán đích nông thôn mới vào cuối năm 2017" - ông Nguyễn Tấn Mỹ nói.
Bình luận (0)