Vụ việc Trưởng Công an xã Quảng Điền (huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk) dùng chân đá bay thau cá của người bán hàng rong một lần nữa cho thấy đạo đức công vụ đang xuống cấp nghiêm trọng, cho dù có biện minh do bà con không chịu chấp hành, chống đối khiến trưởng công an xã bức xúc, hay chỉ là hành động bột phát, không lường hết hậu quả…
Chỉ là phần nổi…
Xây dựng bộ máy hành chính năng động, hiệu quả và trong sạch đang là mục tiêu chính của công cuộc cải cách hành chính. Để thực hiện được mục tiêu này, trước hết phải có một đội ngũ công chức (CC) giỏi về nghiệp vụ và đáp ứng được những chuẩn mực của đạo đức công vụ. Cán bộ (CB) là công bộc, đầy tớ của nhân dân. Đó là những ngôn từ tốt đẹp người dân dành cho CB, những người thừa hành công vụ.
Tuy nhiên, những gì đang diễn ra trong thời gian qua lại không được như mong muốn. Quan liêu, hách dịch, tham nhũng, vô cảm đâu đó đã xuất hiện trong các bộ máy công quyền với mật độ tăng dần theo năm tháng.
Khái niệm đạo đức công vụ vẫn là một cái gì đó xa xôi, mơ hồ, chưa được quy định cụ thể. Phải chăng, vì sự mơ hồ đó nên trong đánh giá CC hằng năm, có đến 99% CC ghi hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Thậm chí, ngay cả trường hợp của nhiều bị can, trước khi có lệnh khởi tố vụ án, vẫn là đảng viên tốt, còn với tư cách là CC, họ vẫn hồn nhiên nhận danh hiệu chiến sĩ thi đua trước khi bị truy tố với tội danh tham nhũng. Những hiện tượng tiêu cực kiểu như vậy không còn là chuyện lạ, cũng không phải là chuyện mới xảy ra nhưng sau nhiều năm, chúng ta vẫn chưa có những bộ luật, quy định về những giá trị cơ bản của nền công vụ và chuẩn mực của từng hành vi. Những gì pháp luật "sờ" đến, báo chí đưa tin chỉ là phần nổi; tham nhũng, suy thoái đạo đức công vụ đang nhức nhối.
Ông Lê Tấn Thịnh, Trưởng Công an xã Quảng Điền, tại buổi xin lỗi người dân ngày 5-10 Ảnh: Cao Nguyên
Quy định pháp lý về hoạt động công vụ
Một khi các tiêu chuẩn đạo đức không được phản ánh cụ thể trong khuôn khổ pháp lý thì thật khó xác định đâu là tiêu chuẩn, đâu là nguyên tắc bắt buộc để điều chỉnh hành vi của CB, CC. Hơn nữa, sự "mơ hồ" trong việc xác định đạo đức của CB, CC lại được kết hợp với chuyện không minh bạch các quy trình giải quyết công vụ, cung cấp những thông tin được pháp luật thừa nhận mang tính công khai sẽ là môi trường thuận lợi cho CC có thể vận dụng một cách tùy tiện mà rất khó bị phát hiện. Cứ thế, cùng một sự việc, CC có thể xử lý theo hướng bất lợi hay có lợi cho người dân tùy theo mối quan hệ, sự thân tình và cả những khoản thù lao, quà cáp không nằm ở bất cứ quy định nào.
Nhược điểm Luật CBCC là rất ít đề cập đến nội dung hoạt động công vụ. Hoạt động công vụ là hoạt động thực hiện chức năng, nhiệm vụ của CC trong các công sở nhằm giải quyết quan hệ giữa các cơ quan nhà nước với nhân dân. Đối tượng phục vụ của công vụ là mọi tổ chức, công dân và người nước ngoài. Hoạt động công vụ phải thực hiện theo nguyên tắc thống nhất, công khai, tuân thủ pháp luật, đúng thẩm quyền và chịu trách nhiệm cá nhân. Hoạt động công vụ bao gồm: Tổ chức công sở, trách nhiệm của CC khi thi hành công vụ; quan hệ trong công vụ; thủ tục hành chính.
Chính sự thiếu vắng những quy định có tính pháp lý cao về hoạt động công vụ lâu nay đã đưa đến những hệ lụy, bất cập không thể tránh khỏi. Đó là mảnh đất màu mỡ cho những hành xử công vụ tùy tiện, tự tung tự tác, tiêu cực, nhũng nhiễu.
Thiết nghĩ, những nguyên tắc đạo đức trong nền công vụ là cơ sở cần được nghiên cứu để luật hóa. Chuẩn mực đạo đức cao trong nền công vụ đã trở thành một vấn đề thiết yếu đối với các chính phủ của các nước.
Bài học gần dân
Hai ngày nay, dư luận cả nước nóng lên vì hành vi phản cảm của Trưởng Công an xã Quảng Điền (huyện Krông Ana, Đắk Lắk) khi thực hiện dọn dẹp lòng lề đường. Mọi người bức xúc lên án, đề nghị cách chức, khai trừ ra khỏi Đảng, cho ra khỏi ngành... đối với cán bộ này.
Tuy nhiên, đặt mình vào vị trí anh trưởng công an xã, tôi tự hỏi liệu bản thân có kiềm chế nóng giận được không khi người vi phạm cứ tái diễn, buông lời thách thức người thi hành công vụ? Nếu không hành động quyết liệt, dù có phần thái quá, có tạo nên tiền lệ xấu cho những người vi phạm tiếp theo.
Tất nhiên, hành vi của anh trưởng công an xã sẽ bị xem xét kỷ luật theo đúng quy định nhưng tôi nghĩ cần xem xét ở nhiều góc độ khác nhau trên cơ sở hợp lý, hợp tình, không quy chụp nặng nề, làm lớn chuyện.
Có lẽ lúc này, anh ấy đã có đủ bình tĩnh để nhận ra những sai trái của mình trong khi thi hành công vụ. Thế nhưng, người vi phạm lấn chiếm lòng lề đường cũng cần soi roi lại hành vi vi phạm của mình bởi chính họ là ngòi nổ của vụ việc này.
Điều cốt lõi nhất là một sự đồng cảm từ hai phía và được dư luận đồng tình để không bị kẻ xấu lợi dụng chia rẽ, gây mất lòng tin của người dân với Đảng, chính quyền và lực lượng công an nhân dân.
Trương Thanh Liêm (TP Cần Thơ)
Bình luận (0)