Sáng 21-11, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội đã phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch tổ chức Hội thảo Giáo dục 2021 với chủ đề "Văn hóa học đường trong bối cảnh đổi mới giáo dục và đào tạo".
Môi trường giáo dục một số nơi lệch chuẩn
Theo bà Nguyễn Thị Mai Hoa - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội - dù chưa có quy định cụ thể về văn hóa học đường trong các văn bản pháp quy về giáo dục nhưng tư tưởng về một văn hóa học đường tích cực luôn hiện hữu trong các quan điểm chỉ đạo về giáo dục của Đảng và nhà nước.
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Ngô Thị Minh tại hội thảo “Văn hóa học đường trong bối cảnh đổi mới giáo dục và đào tạo” (Ảnh: THẾ ĐẠI)
Tuy nhiên, bà Hoa cho hay dư luận xã hội có nhiều quan ngại về sự xuống cấp của môi trường văn hóa trong trường học. Môi trường văn hóa, xã hội bị ảnh hưởng tiêu cực bởi các tệ nạn xã hội, tham nhũng, tiêu cực, sự xuống cấp nghiêm trọng về đạo đức, lối sống ở một số nơi, một số người.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Ngô Thị Minh thừa nhận thực tế biểu hiện của văn hóa học đường ở một số nơi, một bộ phận chủ thể (cán bộ quản lý, giáo viên, phụ huynh, học sinh, sinh viên, người lao động) trong môi trường giáo dục bị lệch chuẩn, gây ra những vấn đề bức xúc trong dư luận xã hội… Thực trạng ấy không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường học đường, làm giảm sút niềm tin của xã hội đối với ngành giáo dục.
Ông Nguyễn Đắc Vinh - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội - nhìn thẳng vào thực tế là việc tiếp cận một cách tổng thể về xây dựng văn hóa học đường, xây dựng hệ giá trị văn hóa trong trường học còn nhiều hạn chế, bất cập. Kỷ cương nhà trường, sự gương mẫu của nhà giáo ở một số cơ sở giáo dục chưa được quan tâm đúng mức, còn có những biểu hiện lệch chuẩn về văn hóa ứng xử, giao tiếp (nói và hành xử không đúng chuẩn mực văn hóa, bạo lực học đường...).
Bên cạnh đó, bệnh thành tích, hình thức, sự thiếu trung thực trong giáo dục chưa được khắc phục triệt để. Những biểu hiện thiếu chuẩn mực đã ảnh hưởng xấu đến môi trường giáo dục cũng như sự phát triển toàn diện của học sinh.
Nhân tố trung tâm chính là người thầy
Phát biểu chỉ đạo hội thảo, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn khẳng định thế hệ trẻ là mầm non, là tương lai của đất nước; rèn luyện, hoàn thiện nhân cách cho học sinh là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng. Xây dựng văn hóa học đường là cơ sở, là nền tảng để đạt mục tiêu này. Văn hóa học đường chính là vấn đề quan trọng thúc đẩy, nâng cao chất lượng giáo dục, phát triển nguồn nhân lực, những con người có đủ đức, đủ tài đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp đổi mới và xu thế hội nhập quốc tế.
Theo ông Nguyễn Đắc Vinh, một nhà trường với môi trường văn hóa lành mạnh sẽ hội tụ được cái tốt, cái đẹp, sức mạnh của trí tuệ và lòng nhân ái, lan tỏa những giá trị tốt đẹp tới cộng đồng. Vì vậy, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục nhấn mạnh đến việc cần gắn chặt việc xây dựng văn hóa học đường với việc đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT. Xây dựng bộ quy tắc ứng xử cho nhà giáo, hướng dẫn học sinh ứng xử chuẩn mực, có văn hóa trên không gian mạng.
Trong khi đó, người đứng đầu ngành giáo dục Nguyễn Kim Sơn khẳng định văn hóa học đường là vấn đề rất lớn, rất hệ trọng, rất nhiều việc phải làm phía trước. "Trường học không phải là ốc đảo tách biệt, văn hóa học đường là một phần của văn hóa quốc gia, xã hội. Cho nên, gây dựng, phát triển văn hóa học đường trước hết bắt đầu từ thầy và trò trong nhà trường" - Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Kim Sơn cho rằng nhân tố hệ trọng và trung tâm chính là người thầy. Khi làm chính sách, đây là khâu đặc biệt quan trọng, có tính chất hạt nhân, cốt lõi để triển khai các phương diện về văn hóa học đường. Chính vì thế, điều cần hoàn thiện và chỉ đạo thực thi thật tốt để triển khai được văn hóa học đường, trước hết là làm cho cán bộ quản lý, giáo viên, người học sẵn sàng tinh thần thực thi pháp luật và sự tuân thủ nguyên tắc.
Hoàn thiện quy tắc ứng xử
Theo Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn, để phát triển văn hóa học đường, phải hoàn thiện và làm thật tốt bộ quy tắc ứng xử trong trường học, các chuẩn về đạo đức của nhà giáo, các chuẩn trường học, chuẩn ứng xử. Cả thầy, trò và trường học phải làm thật tốt việc tuân thủ pháp luật, tuân thủ các nguyên tắc này.
Bình luận (0)