Quốc hội chiều 24-6 đã chính thức thông qua Nghị quyết (NQ) thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP HCM, tạo cơ sở pháp lý, động lực để thành phố phát triển nhanh, bền vững. Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi đã trả lời báo chí: "Cả nước đã vì TP HCM rồi, bây giờ TP HCM phải tập trung thực hiện để vì cả nước".
Quan tâm và kỳ vọng
Sau 10 năm thực hiện NQ 16-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa XI và 5 năm thực hiện NQ 54/2017/QH14 về các chính sách thí điểm, TP HCM đang tiếp tục phát huy vị thế đầu tàu kinh tế của cả nước.
Cơ cấu kinh tế của TP HCM chuyển dịch theo hướng hợp lý, tích cực, gắn với mô hình tăng trưởng; đang từng bước phát triển theo chiều sâu dựa trên nền tảng ứng dụng khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Quy mô kinh tế TP HCM tăng gấp 2,7 lần so với năm 2010, GRDP bình quân đầu người tăng gấp hơn 2 lần so với năm 2010; kim ngạch xuất nhập khẩu đứng đầu cả nước (2022); thu ngân sách chuyển về trung ương cao nhất cả nước (27%)…
Trong NQ 24-NQ/TW về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng - an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Bộ Chính trị xác định mục tiêu phát triển của TP HCM đến năm 2030: Phải là thành phố văn minh, hiện đại, năng động, sáng tạo; là nơi thu hút nhân tài, chuyên gia, nhà khoa học, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao đến sinh sống và làm việc; trung tâm tài chính quốc tế, phát triển ngang tầm các thành phố lớn trong khu vực châu Á, đóng vai trò là cực tăng trưởng của vùng; nơi tập trung của các định chế tài chính quốc tế, các tập đoàn kinh tế lớn của thế giới.
Đặc biệt, trong NQ 31-NQ/TW về phương hướng phát triển TP HCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Bộ Chính trị đã xác định tầm nhìn đến năm 2045: Phát triển ngang tầm các đô thị lớn trên thế giới, trở thành trung tâm kinh tế, tài chính, dịch vụ của châu Á; là điểm đến hấp dẫn toàn cầu…
NQ 81/2023/QH15 về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 xác định: Xây dựng, phát triển TP HCM trở thành đô thị năng động, sáng tạo, dẫn dắt và tạo hiệu ứng lan tỏa, liên kết vùng đô thị; đủ sức cạnh tranh, hội nhập khu vực và quốc tế, có vai trò quan trọng trong mạng lưới đô thị của khu vực Đông Nam Á, châu Á...
Do đó, NQ về cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội mang tính đột phá vừa được Quốc hội thông qua rất quan trọng trong bối cảnh hiện nay nhằm thể chế hóa các quan điểm, mục tiêu, định hướng phát triển đã nêu trong các NQ 24-NQ/TW, NQ 31-NQ/TW và NQ 81/2023/QH15.
TP HCM đang tiếp tục phát huy vị thế đầu tàu kinh tế của cả nước Ảnh: Hoàng Triều
Thực hiện hiệu quả nghị quyết mới
Đáp lại sự quan tâm, kỳ vọng của trung ương và cả nước, cũng như xây dựng TP HCM văn minh, hiện đại, nghĩa tình, năng động sáng tạo, hội nhập quốc tế sâu rộng, có vị thế nổi trội trong khu vực Đông Nam Á…, thành phố cần tập trung phát triển kinh tế số, tài chính số, kinh tế xanh… nhanh và bền vững, trên cơ sở đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại kinh tế, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh quốc tế, huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực trong và ngoài nước.
TP HCM cần nâng cấp kỹ năng số, coi đó là một phần không thể thiếu trong chiến lược phát triển kỹ năng tổng thể của thành phố, bằng cách tăng cường giáo dục - đào tạo công nghệ thông tin ở tất cả các cấp, đặc biệt là thông qua hệ thống đào tạo STEM trong các trường "phổ thông số", "đại học số" và dạy nghề.
TP HCM cần thúc đẩy khả năng tiếp cận thông tin tốt hơn; xử lý hài hòa giữa an ninh thông tin và quyền riêng tư bằng cách cải cách khung pháp lý cho nền kinh tế tự động hóa, chuyển đổi số, đồng thời biến dữ liệu mở thành yếu tố trọng tâm trong nhiệm vụ của thành phố đến năm 2030. TP HCM cần phải chuyển vai trò từ nhà sản xuất dữ liệu sang cơ quan quản lý dữ liệu lớn, phân tích và tạo ra một thị trường về dữ liệu lớn, vì sự phát triển của công nghệ đã tạo điều kiện cho các công ty thu thập, lưu trữ, chia sẻ và sử dụng một lượng lớn dữ liệu.
TP HCM cần tiếp tục nâng cao chất lượng công tác quy hoạch. Thành phố có thể thuê/chọn nhà tư vấn quốc tế để tư vấn quy hoạch các phân khu kinh tế phù hợp; tiếp đó là quản lý và thực hiện quy hoạch nghiêm minh. TP HCM cần phát triển đô thị thông minh bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu; đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, "đi trước một bước".
Với vai trò là hạt nhân của vùng, TP HCM cần nhận thức rõ vai trò, vị trí trung tâm của vùng Đông Nam Bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam để khẳng định "liên kết vùng động lực"; hợp tác phát triển kinh tế - xã hội với các tỉnh trong vùng, góp phần mở rộng thị trường, không gian phát triển của thành phố với các địa phương trong vùng nói riêng và cả nước nói chung.
TP HCM cũng cần xây dựng cơ chế mang tính đột phá để thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển và thúc đẩy xã hội hóa trong các lĩnh vực: y tế, giáo dục - đào tạo, văn hóa, thể thao. TP HCM nên áp dụng thí điểm việc lựa chọn nhà đầu tư theo phương thức đối tác công - tư để triển khai thực hiện các dự án trong lĩnh vực văn hóa, thể thao và khoa học - công nghệ.
Bình luận (0)