TP HCM là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa lớn, tập trung các cơ quan của Đảng, Nhà nước, quốc tế, cơ sở nghiên cứu, cùng với nhiều khu công nghiệp, cơ sở sản xuất...
Nhu cầu thực tiễn
Dân số đông nhất cả nước, gia tăng liên tục và mật độ dân số tăng cao đã phá vỡ tính ổn định xã hội nhiều mặt: Bộ máy nhà nước quản lý dân cư phải tăng tương xứng; cán bộ xã, phường xử lý số lượng vụ việc nhiều; yêu cầu mở rộng hệ thống giao thông, trường học, y tế, trung tâm mua sắm, chợ, nhà ở... Vấn đề ngập úng khi mùa mưa đến, triều cường, kẹt xe... cũng tạo áp lực lớn lên cuộc sống người dân và hoạt động của toàn thành phố, gây lãng phí, hao tốn sức lực, của cải, thời gian, quang cảnh, môi trường.
TP HCM cần có cơ chế, chính sách vượt trội để phát triển bền vững Ảnh: Hoàng Triều
Trong khi đó, TP HCM không chỉ là một địa phương, một vùng riêng biệt, độc lập mà còn mang tầm vóc quốc gia, hội tụ đủ các phương diện: kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội của cả nước. Sự phát triển của thành phố giải quyết rất nhiều vấn đề: nộp ngân sách cho quốc gia, tạo việc làm cho hàng triệu người, trung tâm giao lưu, hợp tác, đầu tư quốc tế, bộ mặt đất nước phía Nam của Tổ quốc.
Đó là lý do chính quyền TP HCM không thể "bó cứng" trong cơ chế, chính sách chung của cả nước, cần có cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội nhằm thúc đẩy thành phố phát triển hơn nữa, tạo động lực phát triển vùng nói riêng và cả nước nói chung.
Một số gợi ý cho thành phố
Nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54 được kỳ vọng sẽ giải quyết kịp thời những vấn đề cấp bách đối với đời sống xã hội của TP HCM, như là tăng quyền tự quyết, tự chịu trách nhiệm trước Quốc hội, Chính phủ cho UBND thành phố; có những vấn đề cấp bách có thể chỉ cần thông qua Ủy ban Thường vụ Quốc hội để bảo đảm tính kịp thời...
Để chủ động triển khai các nội dung thí điểm theo nghị quyết mới, TP HCM cần rà soát những chức danh, vị trí làm việc không hiệu quả, hoặc cắt giảm, hoặc hợp nhất những vị trí không cần thiết để bộ máy gọn nhẹ, vận hành thông thoáng, linh hoạt, hiệu quả.
Tự chủ tài chính là động lực bản chất nhất cho mọi hoạt động, thành phố cần tạo hành lang pháp lý cho các đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ tài chính, qua đó họ tự sàng lọc, tự kiểm soát các hoạt động chung.
Thông qua tự chủ tài chính, các đơn vị tự xây dựng bộ máy phù hợp, tinh giản biên chế, tăng cường trách nhiệm, hiệu quả làm việc.
Mỗi vị trí việc làm cần xác định số lượng công việc chính, công việc phụ, công việc phát sinh cụ thể, công việc có thể kiêm nhiệm. Có như vậy tự chủ tài chính mới phát huy tác dụng.
Ngoài việc trả lương theo quy định chung của nhà nước, TP HCM nên thực hiện trả lương theo năng suất, hiệu quả lao động. Xây dựng mức lương thực tế tối thiểu của công chức, viên chức (CC-VC) bảo đảm sinh sống ở mức trung bình tại TP HCM, đồng thời có mức lương tối đa của CC-VC nếu họ có năng lực thực sự, có tâm huyết cống hiến cho thành phố.
Có như vậy mới giữ chân CC-VC trong bộ máy nhà nước cũng như tạo điều kiện vật chất, tài chính để họ yên tâm công tác, cống hiến. Tránh được tình trạng CC-VC vừa làm nhiệm vụ lại vừa lo làm thêm, kiếm tiền sinh sống.
Thực tế, áp lực công việc tại TP HCM rất lớn nên việc trả lương theo hiệu quả, năng suất lao động sẽ tạo ra sự sàng lọc: loại bỏ được người năng lực kém, thu hút được người có năng lực cao. Trả lương cho CC-VC là thước đo căn bản nhất tại TP HCM, để tinh giản biên chế, lựa chọn cán bộ đáp ứng yêu cầu phát triển của thành phố.
Ngoài ra, trên địa bàn TP HCM có khoảng 65 trường đại học với hàng triệu sinh viên đã tạo nên một áp lực không nhỏ về mọi phương diện. Việc di dời dần dần các trường đại học ra các vùng lân cận là cần thiết, không chỉ giám áp lực cho thành phố mà còn tạo điều kiện cải thiện về nơi sinh hoạt cho sinh viên. Tại thành phố chỉ đặt cơ sở chính của các trường, đào tạo sau đại học, viện, trung tâm nghiên cứu, dịch vụ giáo dục.
Đặc biệt, TP HCM cần có chính sách cụ thể để thu hút nhân tài, bảo đảm cuộc sống, công tác cho đội ngũ các nhà khoa học.
Cần thành lập Ban chỉ đạo vùng
TP HCM nằm trong tam giác kinh tế trọng điểm: TP HCM - Bình Dương - Đồng Nai; đồng thời TP HCM nói riêng, miền Đông Nam Bộ nói chung là đầu tàu cho cả vùng Nam Bộ.
Để tạo ra sự thống nhất đồng bộ về phát triển kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội nhất thiết phải có sự hợp tác, liên kết của cả vùng.
Những vấn đề như phân bố dân cư, điều tiết giao thông, các lĩnh vực môi trường, lưu thông buôn bán, các tuyến y tế... cần sự chỉ đạo thống nhất của Ban chỉ đạo vùng để phát huy được thế mạnh của mỗi vùng miền, giảm bớt áp lực những nơi đang vượt quá ngưỡng an toàn về dân số, môi trường, nhà ở...
Bình luận (0)