Hai lô đất "vàng" trên bán đảo Bảo Ninh, TP Đồng Hới - nơi ví như hòn ngọc của tỉnh Quảng Bình - được UBND tỉnh cấp cho Công ty TNHH Phú Ninh đầu tư xây khu nghỉ dưỡng, khu nhà hàng ẩm thực từ năm 2015. Thế nhưng từ đó đến nay, đất bị bỏ hoang.
Bảy năm vẫn là đất trống
Tháng 5-2015, UBND tỉnh Quảng Bình quyết định cho Công ty TNHH Phú Ninh, người đại diện pháp lý là ông Nguyễn Duy Thực, thuê hơn 2 ha đất "vàng" ven biển tại xã Bảo Ninh với mục đích xây dựng khu nghỉ dưỡng cao cấp, đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách du lịch trong và ngoài nước, góp phần phát triển du lịch tỉnh Quảng Bình. Các hạng mục của dự án, gồm: khối nhà khách sạn, nhà đón tiếp, khu biệt thự, bể bơi, sân tennis... và các công trình phụ trợ khác. Dự án được cam kết hoàn thành và đi vào hoạt động vào năm 2016.
Tháng 11-2015, UBND tỉnh Quảng Bình tiếp tục cho Công ty TNHH Phú Ninh thuê thêm 8.617,3 m2 cũng tại xã Bảo Ninh để thực hiện dự án khu nhà hàng ẩm thực phục vụ khách du lịch và người dân địa phương, góp phần phát triển hạ tầng du lịch và kiến trúc khu ven biển.
Dự án sau 7 năm vẫn là bãi đất hoang
Tổng diện tích 2 lô đất "vàng" liền kề ven biển Bảo Ninh mà UBND tỉnh Quảng Bình cho Công ty TNHH Phú Ninh thuê là gần 3 ha, thời hạn 50 năm. Trong đó, đa phần là đất rừng phòng hộ được UBND tỉnh thu hồi để giao cho doanh nghiệp theo hình thức trả tiền thuê đất hằng năm. Các hợp đồng ghi rõ, việc sử dụng đất trên khu đất được thuê phải phù hợp với mục đích sử dụng đất.
Hai dự án này nằm ở vị trí đắc địa, trước mặt là đường Võ Nguyên Giáp, bên trái là đường 32 m, sau lưng là biển với cảnh quan rất đẹp. Thế nhưng 7 năm trôi qua, dự án vẫn là bãi đất trống hoang vu, cỏ mọc um tùm, chưa có bất kỳ hạng mục nào được xây dựng, thậm chí hàng rào che chắn cho khu đất cũng không có.
Liên tục gia hạn
Tháng 8-2014, UBND tỉnh Quảng Bình đã trao giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty TNHH Phú Ninh để làm khu nghỉ dưỡng cao cấp. Tổng vốn đầu tư 138 tỉ đồng, trong đó vốn doanh nghiệp 50,8 tỉ đồng; vốn vay, huy động, kêu gọi đầu tư là 80 tỉ đồng. Giấy chứng nhận nêu rõ: "Nhà đầu tư thực hiện chế độ báo cáo về tình hình triển khai, thực hiện dự án cho cấp thẩm quyền theo yêu cầu đúng quy định. Nếu không triển khai hoặc thực hiện dự án chậm tiến độ sẽ bị thu hồi dự án theo quy định Luật Đất đai năm 2013".
Đến tháng 6-2016, Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) tỉnh Quảng Bình có quyết định chấp thuận gia hạn thêm 3 năm, yêu cầu phải đầu tư hoàn thành đi vào hoạt động trước tháng 1-2019. Tuy nhiên, đến tháng 12-2018, Sở KH-ĐT tỉnh đồng ý "điều chỉnh thông tin nhà đầu tư và tiến độ của dự án khu nghỉ dưỡng". Từ Công ty TNHH Phú Ninh được điều chỉnh sang tên Công ty CP Phú Ninh, thay đổi tên chủ sở hữu từ ông Nguyễn Duy Thực sang ông Đoàn Trung Hiếu (SN 1974; ở huyện Đông Anh, TP Hà Nội) với chức danh Chủ tịch HĐQT. Lần này, quy mô dự án được nâng lên 288 tỉ đồng, trong đó, vốn góp để thực hiện dự án hơn 100 tỉ đồng, vốn huy động trên 187 tỉ đồng. Yêu cầu dự án khởi công trong trong quý I/2019, hoàn thành đưa vào sử dụng chậm nhất đến ngày 31-12-2020.
Hết thời hạn, dự án vẫn không triển khai. Tháng 3-2022, Tỉnh ủy Quảng Bình lại tiếp tục có thông báo điều chỉnh dự án khu nghỉ dưỡng Phú Ninh và đồng ý khởi công trước ngày 30-6-2022, hoàn thành đưa vào sử dụng chậm nhất trước 30-6-2024.
Riêng khu đất dự kiến xây dựng khu nhà hàng ẩm thực Phú Ninh cũng được Sở KH-ĐT tỉnh Quảng Bình đồng ý giãn tiến độ 2 lần. Lần 1 cho phép dự án đi vào hoạt động trước tháng 12-2018. Sau đó, gia hạn dự án và yêu cầu khởi công trong quý I/2021, hoàn thành hoạt động ngày 31-3-2022. Hiện đây vẫn là bãi đất trống. Tháng 3-2021, ở dự án này, Công ty TNHH Phú Ninh đổi tên thành Công ty CP Phú Ninh, từ ông Nguyễn Duy Thực sang ông Bùi Tố Minh (SN 1967; ở quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội) với chức danh Chủ tịch HĐQT.
Cần quyết liệt thu hồi
Ông Hoàng Quốc Việt, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) tỉnh Quảng Bình, thừa nhận sau khi UBND tỉnh giao 2 lô đất cho Công ty TNHH Phú Ninh để đầu tư xây dựng khu nghỉ dưỡng và khu nhà hàng ẩm thực có quy mô lớn, tại vị trí "đắc địa" thì đến nay, khu đất bị bỏ hoang gây lãng phí tài nguyên đất đai.
"Trường hợp thứ nhất dự án chậm tiến độ hoặc vi phạm về đầu tư sau khi được cho thuê đất thì phía Sở KH-ĐT phải quyết định chấm dứt hợp đồng dự án hoặc thu hồi giấy phép đầu tư, khi đó Sở TN-MT sẽ căn cứ vào đó để tham mưu UBND tỉnh thu hồi đất. Thứ 2, thực hiện nghĩa vụ tài chính chậm, tức chậm đóng thuế, nếu thực hiện cưỡng chế và doanh nghiệp không thi hành thì sẽ gửi văn bản qua Sở TN-MT đề xuất, tham mưu thu hồi" - ông Hoàng Quốc Việt khẳng định.
Trước đó, tại nhiều kỳ họp HĐND tỉnh Quảng Bình, các đại biểu đã chất vấn gay gắt vấn đề này với mong muốn tỉnh sớm tháo gỡ vướng mắc, thu hồi các dự án không triển khai hoặc chậm tiến độ để tránh lãng phí tài sản công, tài nguyên đất đai. Tỉnh cũng chỉ đạo rà soát để có biện pháp xử lý, bảo đảm môi trường đầu tư. Tuy vậy đến nay vẫn chưa xử lý dứt điểm.
Bình luận (0)