Đạo đức phải đi kèm với pháp luật trong một bối cảnh xã hội bị rối loạn hệ thống giá trị. Có lẽ đến lúc chúng ta phải nghĩ đến việc ban hành những điều luật xử lý hành vi bạo lực và bạo hành cho tất cả đối tượng như một cách đưa các giá trị và chuẩn mực đạo đức trở về với khuôn mẫu xã hội.
Tâm lý tự vệ
Theo tôi, nguyên nhân sâu xa của hành vi bạo lực nói chung và bạo lực học đường nói riêng bắt nguồn từ các yếu tố sau:
Thứ nhất, khi người ta chông chênh và yếu đuối trước sự lương thiện và lòng trắc ẩn, bạo lực trở thành hành vi phản ánh tâm lý tự vệ. Một người lớn hay một đứa trẻ trở nên hung hãn và dữ tợn hơn khi nhận thấy mình sẽ gặp nguy hiểm nếu không biết cách thể hiện sức mạnh. Đây là bản năng sinh tồn của mọi loài. Trong một bối cảnh không có sự can thiệp đủ mạnh của luật pháp và những giá trị mang tính khuôn mẫu, chuẩn mực, mọi mối quan hệ xã hội đều được giải quyết trên chân lý “mạnh được, yếu thua”. Con người sẽ cảm thấy cô thế trước sự “áp bức” của các thế lực khác thì bạo lực trở thành hành vi mang tính chất phản vệ và phòng vệ.
Thứ hai, những đứa trẻ là nạn nhân của sự bạo hành về mặt tinh thần và thể chất từ phía các bậc phụ huynh và thầy cô… đến lúc vượt ngưỡng chịu đựng, nó muốn tái sử dụng “chiêu thức” mà người lớn đã hành xử với nó để trút lên đầu một kẻ yếm thế hơn mình như một kiểu trả đũa của những kẻ bế tắc. Đồng thời, khi thực hiện hành vi bạo lực, đứa trẻ thấy “vị thế” của mình được nâng lên trước ánh mắt sợ sệt của những kẻ yếu đuối hơn, điều đó khiến đứa trẻ càng say với “chiến công” của mình. Lâu dần những hành vi trên sẽ làm suy thoái giá trị nhân văn của đứa trẻ.
Thứ ba, khi đạo đức trở thành môn học phụ, pháp luật trở nên yếu đuối và lúng túng trước việc xử lý các hành vi lệch chuẩn, giáo dục trong gia đình trở thành nỗi ám ảnh về mặt tinh thần và thể chất của những đứa trẻ bằng đòn roi và những lời thóa mạ, chì chiết... thì không thể tránh khỏi hành vi bạo lực trong xã hội hay ở ngay trong trường học.
Trao tình thương sẽ nhận lại tình thương
Cách đây hơn 10 năm, khi còn là giáo viên của một trường phổ thông cấp 2-3, tôi được phân công làm chủ nhiệm lớp sáu duy nhất của trường. Học trò của tôi chỉ là những cô cậu bé vừa chân ướt chân ráo bước ra khỏi ngôi trường tiểu học. Trong suy nghĩ của tôi, chúng hãy còn non dại lắm. Nhưng sau một tháng ổn định, tôi được mời lên làm việc với hội đồng kỷ luật của nhà trường với lý do: Một cậu học trò nhỏ của tôi đã đánh nhau với các anh học lớp 10 vì tình. Tôi đã sững sờ và còn hụt hẫng nhiều hơn khi thầy hiệu phó đã nói rằng tôi phải chịu trách nhiệm khi bảo lãnh cho học trò của mình. Nếu học trò còn tái phạm, trường sẽ đuổi học và tôi sẽ bị kỷ luật.
Sau khi bảo lãnh cho học trò xong, tôi ngồi lại với cậu ấy để lắng nghe lý do của việc đánh nhau với các anh lớp trên. Nguyên nhân là bởi cậu ấy thích cô bạn học, một cô gái luôn nhỏ nhẹ, ân cần giúp đỡ cậu nhiều thứ. Trong khi ở nhà, bố mẹ cậu ấy chỉ có đòn roi và những lời chì chiết. Khi các anh lớp trên lăm le “cướp” đi nguồn an ủi về mặt tinh thần của mình, cậu ấy phải dùng đến bạo lực để giải quyết “tranh chấp”.
Tôi đã lắng nghe, chia sẻ và giảng giải cho cậu trò nhỏ của mình mọi vấn đề. Tôi nhấn mạnh với cậu rằng nếu cậu còn dùng đến hành vi bạo lực, cậu ấy sẽ tự hại chính mình và làm hại luôn cả giáo viên đã đứng ra bảo lãnh và bảo vệ cậu ấy. Cậu trò nhỏ của tôi đã trưởng thành sau những tháng ngày học tập tại ngôi trường đó.
Khi thầy cô và các bậc phụ huynh có thể làm bạn cùng con, lắng nghe các con, không dùng những đòn roi và sự trừng phạt cứng rắn một cách vô tội vạ, chúng ta đã giúp cho những đứa trẻ tránh xa hành vi bạo lực. Không ai muốn lấy đòn roi và bạo lực để đáp trả lại một tình yêu và sự ngọt ngào mà người khác đem đến cho mình.
41% bạn đọc đồng ý đuổi học học sinh đánh bạn
Qua thăm dò ý kiến của bạn đọc về bạo lực học đường với câu hỏi: Theo bạn, cần xử lý như thế nào đối với học sinh tham gia đánh bạn? Có đến 41% bạn đọc cho rằng phải đuổi học. Kế đến, 37% bạn đọc cho rằng cần chuyên gia tâm lý - xã hội tư vấn; 11% cho rằng đuổi học 1 tuần và 11% bạn đọc có ý kiến khác.
Tuần qua, Báo Người Lao Động cũng đã nhận được rất nhiều ý kiến tâm huyết của bạn đọc tham gia diễn đàn Bạo lực học đường: Lỗi tại ai? Chúng tôi trân trọng cảm ơn những ý kiến đóng góp của bạn đọc. Vì giới hạn của trang báo, chúng tôi xin tạm ngừng diễn đàn này kể từ số báo hôm nay, 25-3.
Bình luận (0)