Từ ngày 31-10 đến 1-11, Báo Người Lao Động có loạt bài "Biến nơi công cộng thành "lãnh địa" riêng" phản ánh tình trạng nhiều quán nhậu ở khu vực trung tâm TP HCM ngang nhiên biến vỉa hè thành "lãnh địa" riêng, bày tràn lan bàn ghế, bếp nướng, vỏ bia… Bài viết đã nhận được hàng trăm ý kiến bình luận của bạn đọc.
Đã có nhiều chỉ đạo
Nhiều ý kiến bạn đọc nhìn nhận liên quan đến công tác bảo đảm trật tự đô thị, ngăn chặn tình trạng lấn chiếm vỉa hè, UBND TP HCM đã có nhiều văn bản, chỉ đạo sát sao cho các địa phương, đơn vị liên quan. Trong đó, nhấn mạnh vai trò của người đứng đầu địa phương trong công tác bảo đảm trật tự đô thị. Cụ thể, sẽ xử lý người đứng đầu các cơ quan, đơn vị thiếu trách nhiệm hoặc có biểu hiện tiêu cực trong quản lý, để xảy ra tình trạng lấn chiếm trái phép lòng đường, vỉa hè.
Gần đây nhất, ngày 12-5, Sở Giao thông Vận tải TP HCM có văn bản đề nghị UBND các quận 1, 3, 4, 5, 6, 10, 11 chỉ đạo lực lượng chức năng tổ chức tháo dỡ ngay các hàng rào bố trí trên vỉa hè gây cản trở người đi bộ, người khuyết tật lưu thông; hoàn trả vỉa hè theo nguyên trạng. Đây được xem là "tối hậu thư" đối với các bãi giữ xe đang "bao vây" nhiều bệnh viện lớn trên địa bàn TP HCM.
Năm ngày sau đó, Sở Giao thông Vận tải TP HCM tiếp tục có văn bản khẩn gửi Công an thành phố, Sở Y tế, UBND các quận 1, 3, 4, 5, 6, 10, 11 cùng lực lượng CSGT, Thanh tra giao thông yêu cầu tăng cường xử lý các trường hợp chiếm dụng lòng đường, vỉa hè để kinh doanh, dừng đỗ xe sai quy định.
"Từ những chỉ đạo nhanh chóng, kịp thời đó, tình trạng buôn bán, lấn chiếm vỉa hè trong những năm qua đã phần nào được chấn chỉnh. Tuy nhiên, kết quả đạt được chưa như kỳ vọng của người dân TP HCM. Đặc biệt, việc chiếm dụng vỉa hè cứ lặp đi lặp lại như căn bệnh trầm kha; có những nơi, những lúc "bùng phát dữ dội" như chưa hề có các quy định của pháp luật cũng như những chỉ đạo chấn chỉnh của lãnh đạo UBND thành phố. Việc này gây mất an ninh trật tự và bức xúc cho người dân trong khi giải pháp để xử lý tận gốc rễ vấn đề không phải là quá khó" - bạn đọc Mai Hương nêu ý kiến.
Quán nhậu chiếm trọn vỉa hè đường Trường Sa (phường 2, quận Phú Nhuận, TP HCM).Ảnh: Vũ Lương
Đừng để dư luận hoài nghi!
Nhiều bạn đọc khẳng định tình trạng lấn chiếm vỉa hè hầu như diễn ra ở khắp các quận, huyện trong thành phố, không riêng nơi nào, đến nỗi "đi bộ chẳng có vỉa hè để mà đi", "xây bờ kè sạch đẹp để người dân hóng mát thì các quán chia nhau lấn chiếm buôn bán"…
Bàn về nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, bạn đọc Phạm Long cho rằng: "Việc đẩy giá thuê mặt bằng lên quá cao, từ khu dân cư cho đến nhà phố, cũng là nguyên nhân của vòng luẩn quẩn lấn chiếm vỉa hè - bảo kê. Từ đó, đô thị cứ nhếch nhác, không "ngăn nắp" được".
Bạn đọc Hải nhận định cái chính là sự buông lỏng quản lý của chính quyền địa phương và cơ quan chức năng liên quan trong quản lý địa bàn khiến cho việc xử lý lấn chiếm vỉa hè để kinh doanh như bắt cóc bỏ dĩa, không triệt để.
Còn bạn đọc Chaua thì bày tỏ sự hoài nghi: "Nếu không có bảo kê và sự nhắm mắt làm ngơ của địa phương thì không quán nào ngang nhiên bán tràn lan trên vỉa hè. Cần mở chiến dịch điều tra tận gốc để diệt tận ổ tiêu cực".
Khẳng định không thể "bó tay" chịu thua, phải chấn chỉnh tình trạng chiếm dụng vỉa hè làm "lãnh địa" riêng, nhiều bạn đọc cho rằng cần sự vào cuộc của người dân và cả hệ thống chính trị.
"Phải tuyên truyền, giáo dục cho người dân về ý thức cộng đồng, tuân thủ quy định pháp luật cũng như sẵn sàng tố cáo tiêu cực. Song song đó, thành phố cần có giải pháp cụ thể, quy định rõ ràng về trách nhiệm của địa phương, đơn vị trong quản lý trật tự đô thị, trong đó có vỉa hè. Đã giao trách nhiệm cho địa phương thì mạnh dạn xử lý kỷ luật đối với người đứng đầu nếu để xảy ra tình trạng tái lấn chiếm vỉa hè. Quyết liệt thực hiện, thường xuyên kiểm tra, giám sát và truy đến tận cùng vấn đề thì mới mong chữa được căn bệnh trầm kha này" - bạn đọc Trần Thanh Tùng nêu ý kiến.
Vỉa hè nhiều nơi bị lấn chiếm
Ngoài những nơi xảy ra tình trạng lấn chiếm vỉa hè mà Báo Người Lao Động đã phản ánh, bạn đọc đã "điểm mặt" và cung cấp thêm nhiều địa điểm khác như: cuối con hẻm 213 Nguyễn Thiện Thuật (phường 1, quận 3), khu vực đường Đặng Chất, Nguyễn Biểu (quận 5), khu vực gần chợ Linh Trung (đường Linh Trung, TP Thủ Đức), đường Hoàng Hoa Thám (quận Tân Bình)...
Còn chờ gì nữa?
Vào giữa tháng 5-2022, Sở Giao thông Vận tải TP HCM gửi văn bản khẩn đến UBND 7 quận cùng nhiều cơ quan, đơn vị về việc tăng cường xử lý các trường hợp chiếm dụng lòng đường, vỉa hè để kinh doanh, dừng đỗ xe sai quy định.
Văn bản trên được nhìn nhận là động thái quyết liệt của ngành chức năng nhằm trả lại cho vỉa hè "sứ mệnh" vốn có là phục vụ người đi bộ. Đồng thời cũng chuyển tải thông điệp về một đô thị hiện đại, văn minh, không chấp nhận cách làm kinh tế chụp giật, kiếm tiền bằng việc "xà xẻo" không gian công cộng.
Mục tiêu tốt đẹp của thành phố là vậy, kỳ vọng của người dân lớn lao là thế. Tuy nhiên, câu trả lời từ thực tế lại không như mong đợi. Nhiều khu vực vỉa hè vẫn là "lãnh địa" của ai đó, đặc biệt là những nơi dân nhậu coi như "điểm hẹn". Khách đi xe vô tư chạy tới, kéo ghế ngồi chễm chệ trong khi người đi bộ bị đẩy xuống lòng đường.
Lạ một điều là hiện tượng xấu này diễn ra hằng ngày trước bàn dân thiên hạ nhưng chỉ khi báo chí lên tiếng, hàng loạt biện pháp dọn dẹp nạn lấn chiếm vỉa hè mới được tái khởi động. Trả lời báo chí, nhiều cán bộ mà nhiệm vụ gắn với công việc đó ở địa bàn nhất lại… ngỡ ngàng cho biết "vừa nắm được thông tin", "luôn kiểm tra nhưng… vẫn tái diễn"…
Câu chuyện chiếm dụng, tái chiếm dụng vỉa hè diễn ra hết năm này qua năm khác, ngoài những đợt ra quân thì mãi vẫn không có được giải pháp xử lý triệt để. Cho nên người dân không thể không nghi ngờ rằng lợi nhuận cực lớn mà các quán nhậu chiếm dụng vỉa hè kiếm được chắc chắn không chảy vào chỉ một túi.
Vậy còn chờ gì nữa mà không quyết liệt xử lý đến nơi đến chốn việc biến vỉa hè thành quán nhậu?
Ngọc Kỳ
Bình luận (0)