Nói đến TP HCM, không thể không nhắc đến Chợ Lớn (quận 5, quận 6 và một phần quận 11), nơi sinh sống của số đông cộng đồng người Hoa. Vì vậy, khi giải bài toán thúc đẩy kinh tế để TP HCM giữ vững đầu tàu kinh tế của cả nước, cần tính đến khu Chợ Lớn.
Thúc đẩy kinh tế, văn hóa, xã hội
Theo thống kê, cộng đồng người Hoa sinh sống ở TP HCM với hơn 500.000 người (chiếm 8% số dân thành phố). Các doanh nghiệp người Hoa chiếm tỉ lệ khoảng 30%, có những đóng góp đã được ghi nhận cho phát triển kinh tế của TP HCM, đồng thời là cầu nối quan trọng cho quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư của Việt Nam với thế giới.
Đặc điểm của người Hoa là chữ tín trong kinh doanh dù buôn bán lớn hay nhỏ, tính cộng đồng rất cao, mối quan hệ giữa sản xuất, kinh doanh với các hoạt động văn hóa, xã hội… Trong đó chữ tín là nét văn hóa nổi trội giúp họ thuận lợi trong giao dịch mua bán, điều mà ai từng tiếp xúc đều cảm nhận được.
Hiện nay, hoạt động kinh tế của người Hoa tập trung trong thành phần kinh tế tư nhân, quy mô sản xuất vừa và nhỏ là chủ yếu, hơn nữa tập trung trong lĩnh vực sản xuất tiểu thủ công nghiệp và thương nghiệp dịch vụ. Trên lĩnh vực kinh tế, các doanh nghiệp người Hoa đóng góp hơn 30% giá trị tổng sản lượng kinh tế của các quận có đông người Hoa, con số này cần được hỗ trợ, thúc đẩy nâng cao hơn nữa, đặc biệt trong thời đại công nghệ 4.0 thay đổi chóng mặt.
Điều chúng ta cần làm là phải có những giải pháp tổng hợp, đồng bộ, tạo sự phát triển lâu dài, vững chắc cho người Hoa trong nền kinh tế của thành phố và cả nước để giải quyết vấn đề vốn, đổi mới công nghệ, tìm thị trường tiêu thụ sản phẩm... Hơn nữa, các doanh nghiệp người Hoa có thể làm môi giới thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam… Có rất nhiều các tập đoàn, công ty, doanh nghiệp tư nhân của người Hoa liên tục nhận các giải thưởng quốc gia và thành phố.
Mùa trung thu, phố Lương Nhữ Học là điểm đến ưa thích của người dân thành phố và du khách khi chưa bùng phát dịch Covid-19 Ảnh: Hoàng Triều
Khu Chợ Lớn - điểm nhấn du lịch
Tính đến nay, TP HCM có gần 20 công trình được xếp hạng di tích có liên quan đến cộng đồng người Hoa (chiếm 13,3%) về sự kiện lịch sử, nguồn gốc hình thành, tổ chức trực tiếp quản lý, hoạt động tín ngưỡng. Trong số đó có 16 di tích cấp quốc gia, 3 di tích cấp thành phố.
Cộng đồng người Hoa gắn bó với các tổ chức hội quán, chùa miếu…, nên phát huy nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, đưa phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" phát triển đi vào chiều sâu. Trong đó việc thúc đẩy đầu tư giáo dục rất quan trọng, người Hoa ngày càng có ý thức xem trọng đầu tư giáo dục văn hóa cho con em mình. Đây được xem là sự thay đổi lớn về quan niệm giáo dục lập nghiệp thay vì xem trọng nghề hơn học chữ như trước đây.
Chợ Lớn được xem là trung tâm thứ hai của đất Sài Gòn - TP HCM bởi hàng trăm năm qua, nơi đây chứng kiến dân cư sinh sống, giao thương tấp nập, có những nét văn hóa đặc sắc của cộng đồng người Hoa. Những điểm chợ đầu mối tấp nập kẻ bán người mua tuổi đời tính bằng thế kỷ. Gần như không có món hàng nào không thể tìm thấy tại chợ Bình Tây, An Đông, Kim Biên... Những ngôi chợ này tuổi đời đã cao, xuống cấp nhiều hạng mục, cần được tôn tạo, nâng cấp, cần thiết thì xây dựng mới, chú trọng đến môi trường - môi sinh xung quanh và phù hợp văn hóa người Hoa để thương nhân buôn bán ở đây được thuận lợi.
Những địa danh nổi bật khác của khu Chợ Lớn còn phải kể đến đền Bà Thiên Hậu, Nghĩa An Hội quán, đình Minh Hương Gia Thạnh, hội quán Tuệ Thành quanh năm nghi ngút khói hương. Mỗi mùa trung thu, cả người lớn lẫn trẻ em đều háo hức tìm đến con phố Lương Nhữ Học với rực rỡ ánh đèn của hàng ngàn chiếc lồng đèn đa hình đa dạng. Chợ Lớn còn là cái nôi của những con đường kinh doanh những bài thuốc y học cổ truyền như Hải Thượng Lãn Ông, hay chợ vải Soái Kình Lâm.
Phát triển kinh tế ở Chợ Lớn ngoài kinh doanh - sản xuất, còn phải kết hợp giữa buôn bán với du lịch, ăn uống bởi nền ẩm thực đa dạng của người Hoa, cực kỳ thu hút người dân thành phố lẫn khách du lịch.
Cần có cơ sở dữ liệu, website, bản đồ lưu trú và hướng dẫn du lịch riêng biệt cho khu Chợ Lớn với 3 ngôn ngữ tiếng Việt, tiếng Anh và tiếng Hoa. Người dân ở thành phố hay khách du lịch rất cần website và cơ sở dữ liệu này, vì chúng giúp cho việc đi lại, giao thương buôn bán, khám phá, du lịch và thưởng thức đặc sắc riêng có ở Chợ Lớn dễ dàng hơn, hấp dẫn hơn. Nếu trước đây hoạt động kinh tế - văn hóa - xã hội ở Chợ Lớn rất phát triển với sự hỗ trợ của "Thương hội Trung Hoa", thì hiện nay có Hiệp hội Doanh nghiệp Trung Hoa thay thế, đây là cầu nối xúc tiến, thúc đẩy mạnh hợp tác đầu tư, thương mại kinh tế của các Hoa kiều ở Việt Nam, đặc biệt là ở Sài Gòn - Chợ Lớn.
Chợ Lớn còn rất nhiều tiềm năng để phát triển trong thời kỳ hội nhập kinh tế tri thức, kỹ thuật cao. Hãy biến Chợ Lớn thành một trung tâm kinh tế không thể thiếu của TP HCM - thành phố năng động bậc nhất Đông Nam Á!
Mời tham dự cuộc thi
Cuộc thi "Lắng nghe người dân hiến kế" lần 3 tập trung vào 3 chủ đề: 1. Các giải pháp nhằm duy trì; phục hồi và phát triển nền kinh tế đất nước sau đại dịch Covid-19; 2. Hiến kế để TP HCM giữ vững là đầu tàu kinh tế của cả nước; 3. Làm gì để chuyển đổi số thành công?
Tác phẩm tham dự cuộc thi gửi qua địa chỉ email: bandoc @nld.com.vn; chưa từng gửi đăng bất kỳ trên báo, tạp chí nào; không được gửi cho nơi khác, cuộc thi khác. Cuối tác phẩm ghi rõ tên tác giả, địa chỉ, số điện thoại, tài khoản ngân hàng.
Cơ cấu giải thưởng 1 giải nhất: 50 triệu đồng; 1 giải nhì: 30 triệu đồng; 1 giải ba: 20 triệu đồng; 2 giải khuyến khích: 10 triệu đồng/giải.
Bình luận (0)