Mỗi ngày, TP có hơn 1.000 xe các loại đăng ký và lượng xe lưu thông trên địa bàn TP hiện nay khoảng 10 triệu lượt/ngày. Trong khi đó quỹ đất, hạ tầng dành cho giao thông thiếu so với quy chuẩn nên nạn kẹt xe ngày càng trở nên nghiêm trọng.
Kiểm tra, khảo sát kỹ
Ngoài hàng loạt giải pháp như phát triển hạ tầng, nâng cao hiệu quả vận tải công cộng..., mới đây, trong cuộc họp bàn về các giải pháp kéo giảm nạn kẹt xe, Phó Chủ tịch UBND TP HCM Lê Văn Khoa đề xuất nghiên cứu, triển khai đề án bố trí làm việc lệch ca, lệch giờ tại các KCX-KCN và tại các cơ quan đơn vị trong khu vực trung tâm.
Nêu ý kiến về vấn đề này, chuyên gia giao thông - TS Phạm Sanh cho rằng việc bố trí lệch ca, lệch giờ chỉ nên thực hiện đối với học sinh THPT và sinh viên các trường ĐH vì họ có thể tự túc việc đi lại. Đối với các độ tuổi khác thì không nên vì phải có người đưa, rước. Ngoài ra, cũng nên thực hiện đối với một số trường học hay các trung tâm thương mại, bệnh viện vì đây là những lĩnh vực có lượng người tham gia đông. Riêng đối với các cơ quan nhà nước, không nên bố trí lệch giờ, lệch ca vì sẽ rất phức tạp.
Cũng theo ông Phạm Sanh, TP nên tiến hành kiểm tra, khảo sát kỹ trước khi thực hiện, tránh gây xáo trộn cuộc sống, công việc của người dân. Tổ chức lại giao thông tại các trường học, bệnh viện, chợ, trung tâm thương mại cũng sẽ góp phần giải quyết ùn tắc giao thông.
Còn ông Nguyễn Minh, Trưởng Phòng Công tác học sinh - sinh viên Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) TP HCM, nói phương án bố trí lệch giờ học đã có từ lâu nhưng trước yêu cầu của TP, phòng sẽ nghiên cứu cụ thể, cẩn thận để có phương án tham mưu với lãnh đạo TP. “Bố trí học lệch giờ cho học sinh thì dễ nhưng phụ huynh có chấp nhận không? Các nơi làm việc của phụ huynh có đồng thuận theo giờ giấc như thế? Trước hết, để có phương án tham mưu hiệu quả, phòng sẽ tiến hành khảo sát mong muốn, yêu cầu từng đối tượng cụ thể để có giải pháp hiệu quả nhất” - ông Minh nói.
Nói thêm về vấn đề này, ông Đỗ Minh Hoàng, Chánh Văn phòng Sở GD-ĐT TP HCM, cho biết hơn 10 năm trước, sở đã có phương án bố trí lệch giờ học, giờ tan trường giữa các khối lớp trong cùng một trường, giữa các trường trong cùng tuyến đường. Theo phương án bố trí này, học sinh bậc THPT, THCS giờ vào học là 7 giờ, bậc tiểu học là 7 giờ 30 phút và bậc mầm non từ 7 giờ 30 đến 8 giờ, ra về lúc 16 giờ, sớm hơn các khối khác. Trong cùng một trường thì bậc tiểu học khối 1, 2, 3 ra trước; khối lớp 4, 5 ra sau. Tương tự ở các bậc học khác cũng lệch giờ vào học, ra về giữa các khối. Tuy nhiên, theo ông Hoàng, để chống kẹt xe không thể trông chờ vào mỗi việc bố trí lệch giờ học ở các trường.
Cần nhiều giải pháp đồng bộ
Trong khi đó, ông Củ Phát Nghiệp, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Pou Yuen (quận Bình Tân, TP HCM), cho biết công ty có 96.000 lao động cộng thêm hơn 20.000 lao động của KCN Tân Tạo. Như vậy, tính ra mỗi thời điểm tan ca đều có khoảng 20.000-30.000 công nhân (CN) đổ ra đường. Hiện CN của công ty vào ca sáng lúc 6 giờ, 7 giờ và tan ca chiều vào lúc 14 giờ, 15 giờ, 15 giờ 30 phút, 16 giờ và 16 giờ 30 phút. Việc đi ca đã thực hiện hơn 20 năm nay, không thể điều chỉnh giờ làm khác được. “Thiết nghĩ, để giảm kẹt xe, TP nên dẹp chợ tạm, chợ tự phát, điều chỉnh giờ lưu thông của xe 4 bánh vào TP, phát triển tuyến xe điện ngầm...” - ông Nghiệp đề nghị.
Ông Nguyễn Thành Đô, Chủ tịch Công đoàn các KCX-KCN TP HCM, thì cho rằng CN các KCX-KCN TP vào ca lúc 6-7 giờ nên đi làm từ lúc 5-6 giờ; tan ca lúc 17-18-19 giờ hoặc trễ hơn nếu có tăng ca. Họ vào ca sớm và tan ca trễ nên không ảnh hưởng nhiều đến giao thông chung. Nếu có điều chỉnh lệch giờ thì nên điều chỉnh ở khối hành chính hoặc các doanh nghiệp làm giờ hành chính. Ngoài ra, nên tập trung vào các giải pháp căn cơ như xây dựng tốt hạ tầng; điều chỉnh mật độ dân số; di dời các trung tâm hành chính, trường ĐH ra ngoại thành; tăng cường và nâng cao chất lượng các phương tiện công cộng...
Cho rằng trong điều kiện cơ sở hạ tầng còn thiếu đồng bộ như hiện nay thì việc bố trí giờ làm lệch giờ, lệch ca sẽ phần nào giảm bớt được lưu lượng phương tiện lưu thông trên một số tuyến đường, khu vực. Tuy nhiên, TS Nguyễn Hữu Nguyên, chuyên gia phân tích của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Chính sách quốc gia - Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG TP HCM, lưu ý việc điều chỉnh này không giải quyết được căn cơ bài toán kẹt xe hiện nay của TP mà chỉ mang tính tạm thời. “Cần phải có các giải pháp đồng bộ, có đột phá để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, của sự phát triển kinh tế - xã hội thì mới giải quyết được căn cơ. Theo đó, phải tính đến tính hợp lý của giao thông đô thị” - TS Nguyên chia sẻ.
Tính toán sao cho hợp lý
Có nhà ở đường Phan Văn Trị (quận Gò Vấp) nhưng 2 con theo học ở quận 1, ngày nào vợ chồng chị N.T.H cũng thay phiên đón con lúc 16 giờ rồi về nhà ngoại ở quận 1 tắm rửa, ăn uống, dạy con học. Đến khoảng 21 giờ mới có thể về được nhà. “Khu vực tôi ở kẹt xe khủng khiếp, mọi ngả đường về nhà như bị bịt kín. Tôi ủng hộ phương án TP bố trí lệch giờ, lệch ca nhưng phải tính toán hợp lý thời gian làm việc của bố mẹ và con cái vì hiện nay, hầu hết phụ huynh đều sắp xếp để sáng đưa con đi học rồi vào chỗ làm, chiều đón con rồi về nhà luôn” - chị H. bày tỏ.
Bình luận (0)