Đưa dạy thêm học thêm sớm trở thành ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Định hướng sắp tới của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) được bộ trưởng chia sẻ trong phiên chất vấn một lần nữa bùng nổ những tranh cãi không dứt quanh một câu chuyện xưa cũ.
Dạy thêm, học thêm vốn không xấu nhưng sau bao năm tồn tại với những biểu hiện tiêu cực len lỏi đã khiến cơn sóng phản ứng dữ dội từ dư luận dâng cao.
Đã có thời điểm dạy thêm nở rộ như "nấm sau mưa", Bộ GD-ĐT đã ra quy định cấm dạy thêm, học thêm dưới mọi hình thức và tổ chức kiểm tra, xử phạt giáo viên vi phạm quy định. Một thời gian sau, Bộ GD-ĐT cho phép dạy thêm trên cơ sở tự nguyện và chỉ cấm các trường hợp dạy thêm tự phát, dạy thêm học sinh đang dạy chính khóa... Thế nhưng sau đó, học sinh vẫn mải miết học ở trường, học ở trung tâm, học ở nhà thầy cô...
Cần giải quyết dứt điểm những bất cập cốt lõi của ngành giáo dục, những bất ổn trong tâm lý phụ huynh để tìm lối ra cho vấn đề quẩn quanh này. Cụ thể, cần tiến hành đồng bộ 5 giải pháp sau:
Thứ nhất, tiếp tục rà soát chương trình và sách giáo khoa tiến tới giảm tải kiến thức hàn lâm, khó hiểu, thiếu thực tế.
Thứ hai, đẩy mạnh đổi mới kiểm tra đánh giá theo hướng phát triển tư duy, chú trọng năng lực học sinh nhiều hơn.
Thứ ba, quan tâm cải thiện đời sống giáo viên, giúp gánh nặng cơm áo gạo tiền vơi bớt để người thầy toàn tâm toàn ý chăm chút cho bài giảng, nghỉ ngơi và tái tạo năng lượng tích cực.
Thứ tư, quyết liệt bóc tách những biểu hiện tiêu cực của nạn dạy thêm tràn lan, xử lý nghiêm khắc những nhà giáo bị thui chột đạo đức, trả lại môi trường trong sạch cho việc dạy thêm chân chính và tiếng xấu từ dư luận thôi làm đau lòng người thầy mẫu mực, sáng trong.
Thứ năm, ngành giáo dục và cả xã hội phải tác động mạnh mẽ đến nhận thức của đại bộ phận người dân nhằm thay đổi quan niệm về việc học và căn bệnh thành tích để chấm dứt những cuộc rượt đuổi không hồi kết theo các kỳ thi, trường chuyên lớp chọn, điểm số và danh hiệu!
Bình luận (0)