TP HCM mưa là dễ ngập, ra đường thì nhiều nơi kẹt xe, chợ tự phát lấn chiếm vỉa hè tràn lan, xả rác bừa bãi… Để giải quyết tình trạng này, phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp.
Giải quyết ùn tắc giao thông
Tình trạng tăng dân số cơ học làm tăng đáng kể các phương tiện giao thông, nhất là xe máy, trong khi hạ tầng giao thông chưa đáp ứng kịp thời nên dẫn đến kẹt xe. Tuy nhiên, không phải tất cả mọi con đường ở TP HCM đều ùn tắc.
Thực tế, lâu nay những cung đường xảy ra ùn tắc là ở cửa ngõ ra vào trung tâm TP HCM từ các quận, huyện ngoại thành. Ngoài ra, cách vận hành hệ thống giao thông, phân luồng chưa hợp lý.
Vì vậy, cần xây dựng thêm những cung đường để "chia lửa" dòng đối lưu đối kháng giao thông từ nhiều hướng đổ dồn về một phía, như trường hợp khu vực sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất và những tuyến đường đông dân cư.
Tốc độ xây dựng, nhất là xây nhà cao tầng, tăng nhanh và có khuynh hướng đổ dồn về một phía làm mất cân đối sự phân phối dân cư trên diện rộng.
Cần thực hiện chính sách kiểm soát, phân bổ dân số trên nhiều tiểu vùng trong TP; mạnh dạn thu hồi những dự án bất động sản liên quan việc xây dựng nhà cao tầng có nguy cơ tích tụ dân số ở một tiểu vùng.
Ùn tắc còn do nhận thức còn kém của một bộ phận người tham gia giao thông, đến nay vẫn chưa có chuyển biến tích cực. Cần xây dựng văn hóa giao thông cho người dân có hành vi ứng xử phù hợp, văn minh.
Song song đó, phát triển và hoàn thiện các phương tiện vận tải công cộng về số đầu xe, chất lượng xe, chất lượng phục vụ...
Phát triển những tuyến, chuyến xe buýt thông minh, chất lượng cao; xây dựng các trạm đi - đến hiện đại, khép kín. Xây dựng hệ thống cảnh báo các khu vực ùn tắc cục bộ cho tài xế, tạo điều kiện giao thông được thông suốt.
Thay đổi những quy hoạch chưa phù hợp
Tình trạng ngập nước tại TP HCM là do nhiều nguyên nhân, trong đó có việc địa hình TP tương đối thấp, chịu ảnh hưởng của thủy triều xâm nhập từ biển Đông làm hạn chế khả năng thoát nước.
TP HCM rộng hơn 2.000 km2 nhưng trong đó 41,8% diện tích có cao độ tự nhiên dưới hoặc bằng 1 m so với mực nước biển. Ngập sẽ càng nặng hơn về lâu về dài do hiện tượng biến đổi khí hậu và đất bị lún sụt.
Do vậy, trên trục Bắc - Đông Bắc - Tây Bắc xuống Nam - Đông Nam - Tây Nam cần có nhiều bể tạm trữ để "chia nước", giải tỏa bớt cường độ thoát nước từ vùng cao xuống thấp, tạo điều kiện thoát nước về phía vùng thấp hơn.
Ngoài ra, việc thoát nước tự nhiên theo hướng Bắc - Đông Bắc - Tây Bắc xuống Nam - Đông Nam - Tây Nam trong khi dòng chảy này đang bị các công trình xây dựng càng ngày càng dày đặc làm cản trở. Vì vậy, cần mạnh dạn thay đổi, thu hồi những quy hoạch chưa phù hợp.
Bên cạnh đó, TP HCM có đến 3.020 tuyến kênh, rạch với tổng chiều dài trên 5.075 km. Nếu giữ được diện tích mặt nước, khơi thông dòng chảy và điều tiết được mực nước, hệ thống kênh rạch này sẽ phát huy hiệu quả rất lớn trong việc trữ tạm nước mưa, ngăn triều cường để giảm tình trạng ngập lụt cho TP HCM.
Cần nhanh chóng khôi phục những kênh rạch bị chiếm, làm mới những kênh rạch chiến lược, xuyên tâm.
Đường Trần Xuân Soạn, quận 7, TP HCM dễ ngập nước khi mưa lớn, triều cường.Ảnh: Hoàng Triều
Quyết tâm, kiên trì dẹp chợ tự phát
Chợ tự phát tồn tại ở TP HCM là do cách xử lý còn chiếu lệ, chưa rốt ráo, dẹp chỗ này mọc lên chỗ khác, dẹp chưa xong chợ này đã mọc thêm chợ khác hoặc dẹp xong thì ít lâu sau tiếp tục mọc lại…
Thực tế, trước khi hình thành, chợ tự phát chỉ có một vài quầy nhỏ rau cải, thịt cá, tạp hóa..., sau đó lớn dần. Nếu chính quyền cơ sở thường xuyên rà soát địa bàn, kịp thời vận động những cá nhân ban đầu lấn chiếm trả lại sự thông thoáng thì không phải là việc khó.
Với những chợ tự phát hình thành đã lâu, cần xem xét từng đối tượng cụ thể (cư dân nghèo tại địa phương, người có mặt bằng mở ra bán, người cho thuê mặt bằng…) để có giải pháp phù hợp.
Khi đã giải quyết được những đối tượng này thì việc vận động những người "chạy chợ" từ nơi khác đến để buôn bán sẽ không còn khó khăn nữa.
Riêng với những tuyến đường, khu vực hoặc những dãy phố có lịch sử hình thành chợ tự phát lâu đời, nên xem xét cặn kẽ nhiều mặt: kinh tế, an toàn giao thông, an ninh, văn hóa, truyền thống…, mạnh dạn có kế hoạch xây chợ chính quy.
Dẹp chợ tự phát được hay không phần lớn là do chính quyền cơ sở có xem đây là công tác thường xuyên, mục tiêu dài hạn để cần phải có sự kiên trì, quyết tâm hay không; các giải pháp có phù hợp điều kiện kinh tế, văn hóa - xã hội, tâm tư, nguyện vọng người dân hay không?...
Mời gửi bài dự thi
Cuộc thi "Lắng nghe người dân hiến kế" lần 3 tập trung vào 3 chủ đề: 1. Các giải pháp nhằm duy trì, phục hồi và phát triển nền kinh tế đất nước sau đại dịch Covid-19; 2. Hiến kế để TP HCM giữ vững là đầu tàu kinh tế của cả nước; 3. Làm gì để chuyển đổi số thành công?
Tác phẩm tham dự cuộc thi gửi qua địa chỉ email: bandoc@nld.com.vn; chưa từng gửi đăng bất kỳ trên báo, tạp chí nào; không được gửi cho nơi khác, cuộc thi khác. Cuối tác phẩm ghi rõ tên tác giả, địa chỉ, số điện thoại, tài khoản ngân hàng.
Cơ cấu giải thưởng: 1 giải nhất 50 triệu đồng, 1 giải nhì 30 triệu đồng, 1 giải ba 20 triệu đồng và 2 giải khuyến khích: 10 triệu đồng/giải.
Trị nạn xả rác bừa bãi
Trong khi duy trì mức phạt nặng người xả rác bừa bãi, nên có mức thưởng bằng tiền mặt tương đương cho người cung cấp thông tin, hình ảnh và địa chỉ cụ thể kẻ vi phạm với cơ quan chức năng.
Bên cạnh đó, lắp đặt các máy tự động đổi chai nhựa, thủy tinh đã qua sử dụng để lấy tiền. Mô hình này nhiều nước đã áp dụng hiệu quả do kích thích lợi nhuận trên hành vi tự giác của con người. Tuy nhiên, mô hình "đổi rác lấy tiền" bằng máy thì tốn kém. Thay vào đó, có thể nhân rộng và làm thường xuyên, có kế hoạch cụ thể các chương trình "đổi rác lấy quà" (từng diễn ra ở TP HCM, Hà Nội, Huế...) hay "đổi rác lấy tiền", từ đó hạn chế được nạn xả rác bừa bãi.
Bình luận (0)