Trước thực trạng người lao động (NLĐ) chấp nhận rời bỏ hệ thống an sinh xã hội đã có những phân tích rủi ro từ phía cơ quan chức năng, cơ quan BHXH, cơ quan quản lý lao động. Thực tế có tình trạng quá khó khăn trong cuộc sống do dịch bệnh kéo dài, thất nghiệp, mất việc kéo dài..., NLĐ đành chấp nhận rút BHXH một lần sau khi nghỉ việc một năm để xoay xở, chi tiêu dù biết rằng việc "gặt lúa non" sẽ chịu nhiều thiệt hại.
Ngoài ra, có một lực lượng lao động trẻ mới tham gia thị trường lao động, làm việc cho các cơ quan, doanh nghiệp, chưa hiểu hết về chính sách BHXH của nhà nước, chính sách nhân văn, an sinh của BHXH, trong khi đó thời gian làm việc, thời gian tham gia đóng BHXH cũng chỉ một vài năm nên khi nghỉ việc, họ có xu hướng làm thủ tục nhận trợ cấp BHXH một lần.
Cũng có hàng ngàn NLĐ dễ tiếp cận với chính sách BHXH về chế độ lương hưu khi đã đủ tuổi (vì có thời gian tham gia BHXH hơn chục năm) nhưng vẫn rút BHXH một lần xuất phát từ những quy định bất cập, chưa phù hợp của chính sách pháp luật, chính sách BHXH, đặc biệt là những quy định về chế độ, chính sách hưu trí khi tuổi nghỉ hưu hiện nay tăng, thời gian tham gia BHXH quá dài, phải tiếp tục đóng thêm 15 - 20 năm nữa mới đủ điều kiện hưởng lương hưu.
Bên cạnh đó, có tình trạng NLĐ xin nghỉ việc trước một hay nhiều năm - đặc biệt là lao động nữ làm công việc nặng nhọc, không còn đủ sức khỏe để làm việc, cống hiến. Đối với những trường hợp này, khi chấm dứt hợp đồng lao động, cơ quan, doanh nghiệp cũng sẽ chi trả một khoản tiền trợ cấp thôi việc không nhỏ đối với NLĐ có thời gian làm việc từ năm 2008 trở về trước. Đây có thể nói là "gánh nặng" của nhiều cơ quan, doanh nghiệp; ngân sách BHXH cũng sẽ dành ra một khoản không nhỏ để chi trả trợ cấp thất nghiệp (từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp) hằng tháng đối với NLĐ nghỉ việc và "tự nguyện" thất nghiệp này khi họ nghỉ việc, bảo lưu thời gian tham gia, đóng BHXH và chờ chế độ hưu trí...
Hạn chế hay tiến tới các giải pháp "ngăn chặn" (bằng sự điều chỉnh của pháp luật) NLĐ làm thủ tục nhận trợ cấp BHXH một lần sau khi nghỉ việc là việc cần làm, nếu không muốn nói là rất cấp thiết hiện nay từ cơ quan quản lý lao động, cơ quan BHXH, thậm chí là các cơ quan, doanh nghiệp cũng cần góp một phần công sức nhằm tuyên truyền, phổ biến chính sách nhân văn để NLĐ suy nghĩ và cân nhắc khi lựa chọn nhận "một cục".
Ngoài ra, cần phân tích nguyên nhân, thực tế cũng như mong mỏi của NLĐ khi chấp nhận làm thủ tục rút BHXH một lần sau khi nghỉ việc. Cần đánh giá lại những quy định hiện hành (liên quan lao động, BHXH), đặc biệt là những quy định về chính sách hưu trí, có đi vào thực tiễn cuộc sống hay chưa, có phù hợp với mong mỏi của NLĐ hay không đề điều chỉnh, hoàn thiện, sửa đổi, bổ sung. Đó cũng là cách để NLĐ lựa chọn bảo lưu thời gian tham gia BHXH, để đến khi đủ điều kiện về cả tuổi đời lẫn tuổi nghề và thời gian tham gia BHXH được hưởng lương hưu, bảo đảm đời sống khi về già.
Bình luận (0)