Những đề xuất thay đổi là thay đổi giá trị âm vị của 11 chữ cái hiện có, cụ thể: C = Ch, Tr; D = Đ; G = G, Gh; F = Ph; K = C, Q, K; Q = Ng, Ngh; R = R; S = S; X = Kh; W =Th; Z = d, gi, r. Vì âm "nhờ" (nh) chưa có kí tự mới thay thế nên trong văn bản trên tạm thời dùng kí tự ghép n’ để biểu đạt.
Theo nhiều bạn đọc, nếu theo đề xuất trên thì vừa đọc vừa đoán, vừa phát âm chẳng khác gì... nói ngọng. "Đề xuất này khiến người ta liên tưởng đến kiểu viết của tuổi teen rộ lên mấy năm trước. Khi đó, nhiều chuyên gia phê phán các bạn không tôn trọng tiếng Việt, làm mất văn hóa ngôn ngữ Việt. Giờ có đề xuất này rồi, các bạn cứ tha hồ mà sử dụng"- bạn đọc Nguyễn Yến nêu.
Bạn đọc Hoang Minh Thai thì cho rằng "nếu cải cách như thế thì đề nghị 1 ngàn đổi thành 1 k cho tiện và phù hợp với kỷ nguyên số internet. Ngay cả tên họ chữ cái sau này làm căn cước công dân lấy số ID xong làm tên luôn cho phù hợp với kỷ nguyên số hóa".
Nhiều bạn đọc phản ứng với đề xuất cải tiến tiếng Việt của PGS-TS Bùi Hiền
Còn bạn đọc Võ Thiện Thông lập luận những cơ sở mà PGS-TS Bùi Hiền đưa ra cho việc cải tiến tiếng Việt là không thuyết phục, gây xáo trộn về cách viết, cách phát âm... của tiếng Việt mà lâu nay chúng ta vẫn tự hào là tiếng mẹ đẻ. Cải tiến không thấy có ưu việt nào, chữ viết cũng không tinh gọn... Đó là chưa nói đến việc nếu áp dụng thì tất cả người Việt phải đi học lại nếu không muốn trở thành người mù chữ, nhà nước cũng phải tốn bao nhiêu kinh phí để thay đổi các văn bản đã ban hành, rồi đào tạo giáo viên...
"Nếu dùng chữ như vậy thì chấm chính tả cho học sinh thế nào? Các vùng miền chỉ vì phát âm sai mà chính tả viết không bao giờ đúng được, nay nếu thay đổi như thế thì làm sao học được chuẩn tiếng Việt. Cho dù là công trình nghiên cứu cá nhân, không tốn tiền ngân sách thì những cái gì mang tính quốc gia, dân tộc vẫn phải bảo tồn, gìn giữ"- bạn đọc Langbinhminh lưu ý.
Bình luận (0)