Đại tá Đào Vịnh Thắng, Trưởng Phòng CSGT Công an TP Hà Nội, vừa đề nghị các cơ quan liên quan siết chặt hoạt động của loại hình kinh doanh vận tải xe chở khách du lịch để tránh tình trạng ùn ứ giao thông tại thủ đô.
Xem xét lại việc cấp giấy phép
Cụ thể, theo đại tá Đào Vịnh Thắng, xe chở khách du lịch đang trở thành một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng ùn ứ giao thông tại thủ đô. “Ở nước ngoài, du khách phải đi bộ hàng cây số để đến được các điểm tham quan. Còn ở Việt Nam, các xe chở khách du lịch ngang nhiên tiến thẳng đến bờ hồ Gươm, cửa các trung tâm giải trí, khu tâm linh... Đây là điều không thể chấp nhận được” - đại tá Thắng nói.
Để khắc phục tình trạng này, đại tá Đào Vịnh Thắng đề nghị phải xem xét lại việc cấp giấy phép vào phố cấm 24/24 giờ. Nếu đơn vị, cơ quan nào cấp phép không hợp lý, cần phải kiên quyết thu hồi.
Trước đề xuất trên, ông Đào Việt Long, Trưởng Phòng Quản lý vận tải Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Hà Nội, cho biết đến thời điểm hiện tại, sở chỉ cấp phép hoạt động cho các loại hình kinh doanh vận tải có điều kiện, các loại xe này phải có hợp đồng, phù hiệu do sở cấp theo quy định. “Những loại xe hợp đồng có điều kiện, như: đưa đón cán bộ công nhân viên, học sinh, sinh viên, xe tham quan, du lịch được phép hoạt động 24/24 giờ. Riêng loại xe chở khách trên 45 chỗ đến các điểm tham quan du lịch trong nội thành sẽ cấm hoạt động trong giờ cao điểm” - ông Long nêu rõ.
Thực trạng hiện nay ở Hà Nội là việc đón khách du lịch chủ yếu bằng xe khách du lịch vào nội đô TP. Còn các tuyến xe buýt công cộng vẫn chưa đáp ứng hết nhu cầu của người dân. Như vậy, nếu siết chặt xe du lịch, các đoàn khách du lịch sẽ di chuyển bằng phương tiện giao thông nào để tham quan Hà Nội?
Khống chế số lượng xe
Về vấn đề này, theo ông Đào Việt Long, Sở GTVT đang xây dựng dự thảo đề án quản lý phương tiện giao thông cá nhân, phương tiện giao thông và môi trường giao thông để trình TP trong thời gian tới. Trong dự thảo, các loại hình kinh doanh vận tải sẽ được khống chế số lượng xe được phép hoạt động. Bên cạnh đó, quy định rõ khung giờ, tuyến đường, điểm đỗ để không gây áp lực lên hạ tầng, gây ùn tắc và tai nạn giao thông.
Ông Đỗ Đình Hồng, Giám đốc Sở Du lịch TP Hà Nội, cho biết việc cấp phép cho ô tô du lịch chở khách du lịch là thuộc Sở GTVT. “Việc siết chặt xe du lịch cần cân nhắc thật kỹ và đúng quy định của pháp luật cũng như tạo điều kiện cho ngành du lịch phát triển. Hiện nay, chúng tôi đã bố trí các điểm đưa đón khách bằng xe điện, vừa nhỏ gọn vừa thân thiện với môi trường” - ông Hồng nói
Hiện không chỉ xe khách du lịch cỡ lớn, những xe dưới 16 chỗ cũng luồn lách, len lỏi trên các tuyến phố cổ chật hẹp gây ùn tắc giao thông, bức xúc cho dư luận. Theo thống kê của Sở GTVT, hiện có khoảng 20.800 xe các loại được sở cấp phù hiệu xe hợp đồng.
Theo đại diện Đội CSGT số 1 (phụ trách địa bàn quận Hoàn Kiếm), trong những tuyến phố cổ, chỉ cần một xe chở khách loại 16 chỗ đi vào giờ cao điểm là đã xảy ra nguy cơ ùn tắc giao thông. “Hằng ngày, trên địa bàn quận Hoàn Kiếm có rất nhiều xe du lịch dừng đỗ tại điểm tham quan gây ùn ứ giao thông. Tuy nhiên, điều chúng tôi lo lắng nhất lại chính là những chiếc xe khách mạo danh, trá hình xe hợp đồng du lịch để dừng đỗ trên phố bất kể thời gian nào trong ngày” - đại diện Đội CSGT số 1 nêu ý kiến.
Xử phạt nhiều ô tô dừng đỗ sai quy định
Theo thống kê của Thanh tra Sở GTVT Hà Nội, từ đầu năm đến đầu tháng 4-2017, Thanh tra Sở GTVT Hà Nội đã lập biên bản xử lý vi phạm hành chính 453 trường hợp, phạt tiền 662.450.000 đồng, tạm giữ 15 phương tiện vi phạm, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 129 trường hợp. Các lỗi vi phạm chủ yếu là dừng, đỗ sai quy định; đi vào đường cấm; lái xe không mang theo giấy phép lái xe, đăng ký, đăng kiểm hoặc bảo hiểm trách nhiệm dân sự; chở khách không gắn biển hiệu theo quy định...
Bình luận (0)