Hiện Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đang dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) và Bộ Công an cũng đang dự thảo Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Cả 2 dự thảo luật đều có nhiều quy định mới liên quan đến giấy phép lái xe (GPLX).
Hai dự thảo luật có sự khác biệt ở một vài điều khoản quy định về GPLX. Nếu Bộ GTVT chia GPLX thành 17 hạng (A0, A1, A, B1, B2, B, C1, C, D1, D2, D, BE, C1E, CE, D1E, D2E và DE); thì Bộ Công an chia thành 13 hạng (A1, A2, A3, A4; B1, B2; C, D, E, FB2, FD, FE, FC). Theo quy định tại Luật Giao thông đường bộ hiện hành có tất cả 12 hạng GPLX: A1, A2, A3, A4, B1 (B1 số tự động và B1), B2, C, D, E, FB2, FD, FE.
Dự thảo luật có nhiều quy định mới liên quan đến GPLX đang được dư luận quan tâm.
Dự thảo còn đề xuất GPLX hạng A0 cấp cho người lái xe gắn máy (kể cả xe máy điện) có dung tích xi-lanh dưới 50 cm3, hoặc có công suất động cơ điện không vượt quá 4kW. Ngoài ra, GPLX hạng A1 được cấp cho người lái xe môtô 2 bánh có dung tích xi-lanh từ 50 cm3 - 125 cm3 (quy định hiện nay là 50 cm3 - dưới 175 cm3) hoặc có công suất động cơ điện trên 4kW- 11kW.
Đáng chú ý là dù sau này Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) có hiệu lực thi hành, người đang có GPLX hạng A1 (không thời hạn) vẫn được lái xe môtô hai bánh có dung tích xi-lanh từ 50 cm3 đến dưới 175 cm3. Theo ông Lương Duyên Thống, Vụ trưởng Vụ Phương tiện và người lái (Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Bộ GTVT) pháp luật Việt Nam không có quy định hồi tố, vì vậy không có chuyện những người có GPLX hạng A1 bây giờ nay mai không được lái xe môtô phân trên 125 đến dưới 175 cm3 khi luật mới có hiệu lực.
Bạn đọc Bình Sơn bức xúc viết: “Cải cách thì phải đơn giản hơn, dễ nhận biết hơn, đằng này dự thảo đề xuất mới về GPLX thấy rối quá". Bạn đọc Nguyen thì băn khoăn: “Chưa bàn đến những đề xuất mới về GPLX có giúp nâng cao hiệu quả hơn so với trước hay không nhưng có một số chi tiết thấy chưa ổn. Vì sao cùng một hành vi mà có nhiều luật cùng tồn tại song song nhưng quy định lại khác nhau?
"Như vậy GPLX bằng giấy cũ vẫn còn hiệu lực, giờ muốn đổi sang giấy phép nhựa thì có bị áp theo luật mới không?"; "Nếu GPLX cũ bị mất khi cấp lại thì giá trị sử dụng theo GPLX cũ hay theo quy định loại A1 mới?"; "Sao đọc thấy những quy định mới "rối" quá. Cụ thể tôi có GPLX B1, sau khi luật mới có hiệu lực tôi còn được lái xe dưới 9 chỗ không?" - có bạn đọc thắc mắc.
Nhiều bạn đọc cho rằng không thấy Bộ GTVT và Bộ Công an cho biết lý do cần thiết dẫn đến đề xuất các dự thảo như vừa nêu trên. Nói thẳng việc phân chia lại các mức độ quản lý cho GPLX theo như dự thảo là không thật sự cần thiết. Trong khi việc quan trọng nhất là đề xuất các biện pháp khả thi để nâng cao chất lượng đào tạo lái xe, sát hạch, cấp GPLX, nhất là việc thực hiện nghiêm các quy định pháp luật để bảo đảm an toàn giao thông.
Bạn đọc Ngô Thanh phân tích và đặt câu hỏi: “Đang từ 12 loại GPLX tăng lên 17 loại. Sự thay đổi này có giúp gia tăng hiệu quả về an toàn giao thông? Người dân sẽ được hưởng lợi gì từ việc thay đổi các loại GPLX này?
Bạn đọc Liêm chốt lại: "Người dân là đối tượng chịu tác động từ chính sách pháp luật, nên khi sửa đổi, điều chỉnh, cần xem xét đến quyền lợi chính đáng của người dân".
Bình luận (0)