Những năm qua, Lý Sơn trở thành một trong những nơi thu hút đông đảo khách du lịch. Trong năm 2016, Lý Sơn đón hơn 164.000 du khách, riêng trong 5 tháng đầu năm 2017, Lý Sơn đón 63.000 lượt du khách. Với lượng du khách liên tục tăng, du lịch trở thành thế mạnh trong phát triển kinh tế - xã hội ở Lý Sơn. Thế nhưng, bên cạnh sự phát triển đó, Lý Sơn còn bộc lộ những bất cập, tồn tại trong công tác quy hoạch, xây dựng..., ảnh hưởng đến việc phát triển bền vững Lý Sơn.
Ở gần biển nhưng rất nóng bức
Cách đây 6 năm, dự án đường cơ động quanh đảo Lý Sơn được đưa vào sử dụng giai đoạn 1 với kinh phí đầu tư 300 tỉ đồng. Đến cuối năm 2016, giai đoạn 2 tiếp tục hoàn thành với kinh phí đầu tư 200 tỉ đồng. Hiện dự án đang tiếp tục triển khai giai đoạn 3 với kinh phí khoảng 600 tỉ đồng. Hiệu quả tức thời của dự án là không còn cảnh sạt lở nhà cửa, ruộng vườn do biển xâm thực. Thế nhưng, con đê chắn sóng cao quá đầu người cũng che kín luôn khung cảnh Lý Sơn.
Con đê chắn sóng cao quá đầu người bao bọc quanh đảo Lý Sơn
Bà Trần Thị Mỹ (người dân Lý Sơn) cho biết khi chưa có con đường cơ động, mỗi lần có bão lớn, sóng biển bủa vào thường gây ra cảnh sạt lở, đe dọa nhà cửa của người dân ven đảo. "Nay việc đi lại thuận tiện hơn, không lo cảnh bị biển xâm thực nhưng với việc xây dựng đê chắn sóng quá cao, chúng tôi cũng gặp khổ không ít. Bởi con đường cơ động đã cao, đê chắn sóng còn cao thêm 2-2,5 m nữa khiến nhà cửa chúng tôi như lọt thỏm. Ở gần biển mà mùa hè nóng bức vô cùng… Tôi nghĩ không cần phải làm con đê cao như vậy vì thực tế mấy chục năm sống ở đây, lúc nào sóng cao lắm cũng chỉ tới mép nền đường cơ động này" - bà Mỹ nói.
Đối với người dân trên đảo là thế, còn đối với khách du lịch, mỗi khi tản bộ trên con đường quanh đảo, chứng kiến những khối bê-tông từ đê chắn sóng cao 2-3 m bao bọc kín mít quanh đảo, họ không khỏi tiếc nuối. Theo nhiều du khách, Lý Sơn là đảo du lịch, khi xây dựng bất kỳ công trình nào cũng cần phải tính toán làm sao phát huy hết tiềm năng, nét đẹp của đảo. Việc xây con đê khiến du khách hụt hẫng, bức bối vì cảnh đẹp quanh đảo bị che hết và cũng không thể ngắm biển.
Sai lầm
Nói về con đê chắn sóng quanh đảo Lý Sơn, TS Nguyễn Đăng Vũ, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Ngãi, cho rằng đó là một sai lầm lớn. "Khách đến Lý Sơn ngoài ngắm biển, tắm biển còn chiêm ngưỡng những cảnh đẹp hiếm có. Xây đê quá cao, bít hết cảnh đẹp, du khách ngắm gì? Việc này vừa tiêu tốn hàng trăm tỉ đồng vừa tàn phá di tích, thắng cảnh hiếm có ở Lý Sơn. Chúng tôi đã nhiều lần có văn bản gửi các ngành chức năng liên quan tạm dừng dự án, xem xét lại cao trình đê chắn sóng nhưng dự án vẫn được xây dựng" - TS Vũ nói.
Trong khi đó, ông Nguyễn Đình Trung, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Lý Sơn, cho biết toàn bộ công trình đường cơ động cũng như việc xây dựng đê chắn sóng dọc theo con đường có chiều dài trên 10 km đều do Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Ngãi làm chủ đầu tư.
"Trước việc người dân và du khách cho rằng đê chắn sóng quá cao, không phù hợp, UBND huyện Lý Sơn cũng có văn bản kiến nghị xem xét hạ thấp cao trình đê hoặc nâng đường. Mới đây, Tỉnh ủy Quảng Ngãi cũng có văn bản yêu cầu đơn vị chủ đầu tư tạm dừng dự án để xem xét lại cao trình đê điều chỉnh cho phù hợp hơn" - ông Trung cho biết.
Sẽ nâng đường
Theo đại tá Nguyễn Tấn Lâm, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Ngãi, việc xây dựng đê chắn sóng ở Lý Sơn dựa vào bước sóng cao nhất đo được nên bắt buộc phải xây cao để ngăn sóng. Hiện nay, do quá trình phát triển du lịch được đẩy mạnh, đê chắn sóng không phù hợp nữa nên UBND tỉnh Quảng Ngãi vừa có chủ trương giao về cho UBND huyện Lý Sơn lập dự án nâng toàn bộ lòng đường cơ động quanh đảo lên. Như vậy, du khách, người dân đi trên đảo có thể nhìn được biển... Tuy nhiên, dự án này đang mới chỉ xem xét triển khai, chưa được phê duyệt.
Bình luận (0)