Tôi vừa đi đến một số thôn, xã bị thiệt hại nặng nhất do lũ lụt trên địa bàn các huyện Phong Điền (Thừa Thiên- Huế), Hải Lăng, Triệu Phong, Đakrông, Hướng Hóa và Lệ Thủy (Quảng Trị) để hỗ trợ tiền, quà cho bà con. Tôi rất xúc động khi tận mắt chứng kiến trên đường nườm nượp xe tải, xe con treo băng rôn đỏ trước capin hối hả chạy về tận các làng, xã, thôn, bản bị ngập lụt hoặc bị sạt lở; ngành bưu điện miễn phí vận chuyển hàng cứu trợ khi gửi đến Ủy ban MTTQ Việt Nam các tỉnh từ Thừa Thiên- Huế đến Hà Tĩnh; Trạm thu phí Đông Hà có làn dành riêng và miễn phí cho xe cứu trợ; Khách sạn Đông Trường Sơn giảm 50% tiền phòng cho khách đi giúp đỡ bà con vùng lũ... Càng ấm lòng khi thấy rất nhiều điểm trao quà cho bà con ngay ven đường gần các khu dân cư nơi lũ lụt vừa đi qua, không phải xếp hàng, xướng tên từng người. Chắc do hàng hóa cho bà con vũng lũ những ngày này quá nhiều, nên không cần phải xét chọn đối tượng.
Nhưng với người có ít nhiều kinh nghiệm trong công tác cứu trợ cho người dân khi có thiên tai, tôi cho rằng hiện nay có một số địa phương, chính quyền và mặt trận cũng như các hội đoàn thể từ tỉnh đến xã chưa đồng hành với các đoàn cứu trợ khi đến địa bàn mình.
Đưa đồ ăn tiếp tế cho người dân vùng lũ
Như lần cứu trợ vừa rồi, đoàn chúng tôi được bạn Hồ Trọng Nguyễn, một thanh niên trong nhóm Phật tử chùa Khe Sanh, chở xe máy đến thăm, gửi tiền cho 29 hộ có nhà bị sạt lở ở thôn Tà Ri 1 và Tà Ri 2 của xã Húc, huyện Hướng Hóa. Nguyễn còn cho biết 3 thôn xa nhất chưa có đoàn nào đến thăm là Tà Cu, Tà Rùng và Cu Dông, do sạt lở đường. Bà con ở đó có người phải vừa đi bộ vừa chạy xe máy gần 20 km để đến điểm nhận quà.
Nguyễn đưa chúng tôi đến đó, cùng đi còn có Hồ Văn Hùng, Bí thư Đảng uỷ xã Húc, còn rất trẻ và rất nhiệt tình. Nhưng tôi lại nghĩ vì sao không có vài chục đoàn viên thanh niên Huyện đoàn Hướng Hóa về đây để đưa hàng cứu trợ và đưa các tổ chức, cá nhân vào sâu trong các thôn bản hỗ trợ bà con? Làm như thế đâu phải quá khó khăn?
Cũng có thể nhiều tổ chức, cá nhân muốn tự thực hiện nhưng đa phần, ai đi cứu trợ cũng mong muốn đến thăm nơi khó khăn nhất và trao quà tận tay, đúng đối tượng để không ai bị thiệt hại mà không được nhận quà. Tôi cho rằng mong muốn chính đáng đó chỉ được thực hiện khi có sự đồng hành kịp thời của chính quyền, mặt trận và các hội đoàn thể ở địa phương. Tôi bao giờ cũng liên hệ với Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh để biết huyện nào bị thiệt hại nặng nề nhất và xin số điện thoại của lãnh đạo Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện đó để biết xã nào, thôn, bản nào cần cứu trợ trước nhất.
Tôi e rất nhiều đoàn cứu trợ không thể hoặc không muốn làm theo cách này. Nhưng trách nhiệm của địa phương là phải kịp thời liên hệ, gặp gỡ họ để cung cấp thông tin thiệt hại, hướng dẫn nên đến nơi nào, qua đó điều phối, tránh "bỏ quên" làng này, xóm kia. Thậm chí cử người trực tiếp đi hỗ trợ các đoàn. Phải thực sự thiện chí, thể hiện lòng biết ơn chân thành thì chắc chắn không ai từ chối phối hợp.
Bình luận (0)