Trước hết, tôi trân trọng ý kiến của TS Hồ Thiệu Hùng. Theo tôi, đó cũng là một ý kiến có tính cởi mở trong bối cảnh kinh tế đất nước hiện tại. Chúng ta đã chấp nhận nền kinh tế thị trường cũng có nghĩa là chấp nhận sự phân hóa giàu nghèo. Có những người giàu trước, con em họ có quyền được học ở môi trường giáo dục tốt nhất mà họ phải trả tiền.
Trong giờ học của Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa (TP HCM) Ảnh: Tấn Thạnh
Công bằng trong giáo dục
Tuy nhiên, cần hiểu rằng giáo dục phải là dịch vụ công. Tại hội thảo về vai trò điều tiết của nhà nước trong việc bảo đảm chất lượng và công bằng trong giáo dục tổ chức tại Hà Nội cách đây không lâu, bà Anissa Barrak, Giám đốc Văn phòng khu vực của Tổ chức Pháp ngữ, cho rằng phải xem giáo dục là dịch vụ công và phải có biện pháp hiệu quả để mọi học sinh ở các vùng, miền tiếp cận được chất lượng giáo dục cao.
Ý tưởng này diễn tả cụ thể là mọi người dân đều có quyền được tiếp cận sự công bằng trong giáo dục. Yếu tố quan trọng này chúng ta chưa làm được. Khoảng cách giáo dục ở vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo với thành thị; thành phố này với thành phố khác, thậm chí trong cùng một thành phố, khoảng cách ấy cũng còn xa lắm.
Xin lấy ví dụ: Đề án dạy ngoại ngữ cho học sinh trước mắt chỉ có thể thực hiện trước ở các thành phố lớn, còn ở huyện Đồng Văn (tỉnh Hà Giang) chẳng hạn, lấy đâu ra giáo viên tiếng Anh cấp 1 để dạy cho các em? Tại TP HCM cũng thấy rõ khoảng cách này. Những “trường điểm” mọc lên là một chủ trương (hay tự phát?) bất cập, thể hiện sự bất bình đẳng trong hưởng thụ giáo dục. Những “trường điểm” đó na ná như mô hình trường chất lượng cao (CLC) nhưng có thực CLC hay chỉ là những lớp bán trú, phòng ăn, phòng ngủ có máy lạnh, kèm theo đó là một chương trình dạy tiếng Anh vụ lợi nào đó? Đó không chỉ là thực trạng ở TP HCM, ở Hà Nội và nhiều thành phố khác cũng vậy.
Trong giáo dục, yếu tố bình đẳng rất quan trọng. Trong một lớp học có con của nguyên thủ quốc gia, con của chính khách, có con em của anh thợ hồ… thật thú vị! Hồi ở Hà Nội, tôi đã từng dạy một lớp học như vậy và mấy chục năm sau, các em trưởng thành vẫn đối xử với nhau thân tình như thuở nào.
Chưa định hình khái niệm chất lượng cao
Chúng ta có những trường chuyên ở các địa phương, được nhà nước cấp kinh phí đào tạo, học sinh được nhận phụ cấp (một dạng học bổng), con em thành phần xã hội nào cũng được vào học miễn là qua được kỳ thi tuyển sinh. Hệ thống trường chuyên này là công bằng nhưng cũng chưa hẳn là trường CLC. Những trường khá nổi tiếng ở TP HCM như Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, Lê Hồng Phong… cũng không phải là trường CLC.
Khái niệm trường CLC cần được định nghĩa rõ ràng cả định tính lẫn định danh. Nếu không thì coi chừng chỉ là hình thức, tạo sự phân biệt giàu nghèo trong giáo dục, tạo nên những cuộc “chạy trường” phức tạp hơn hiện tại.
Ý tưởng của TS Hồ Thiệu Hùng nêu trong bài viết, nếu thành lập những trường CLC, trường đó phải trở thành “trung tâm chất lượng” để chuyển giao phương thức giáo dục tiên tiến, bồi dưỡng giáo viên cho các trường công lập, tôi thấy có vẻ khiên cưỡng. Trách nhiệm đó là của các trường sư phạm, các viện nghiên cứu giáo dục, của Bộ Giáo dục - Đào tạo.
Một khi khái niệm CLC chưa định hình, theo tôi chưa vội thành lập những trường CLC trong khi giáo dục nước ta còn nhiều vấn đề cần giải quyết hơn.
“Nghiên cứu kỹ các quyết định của UBND TP Hà Nội, chúng ta sẽ thấy rõ các khái niệm giáo dục chất lượng cao và xã hội hóa giáo dục đã được hiểu sai lệch, làm hỏng ngay từ điểm xuất phát một chủ trương quan trọng”. GS Chu Hảo |
Hãy đầu tư đúng chỗ Trong vòng 12 năm qua (từ 1998-2010), nhà nước tăng đầu tư cho giáo dục từ hơn 13% lên 20% tổng chi ngân sách. Với mức đầu tư như vậy, Việt Nam thuộc nhóm các nước có tỉ lệ chi cho giáo dục cao nhất thế giới. Nếu sử dụng hiệu quả ngân sách nhà nước, nền giáo dục chúng ta đâu phải cứ mãi tụt hậu như bây giờ... Nếu TP HCM, Hà Nội nóng lòng thành lập các trường CLC thì nên chọn hình thức bán công hoặc chọn các trường dân lập đã có để thử nghiệm, không nên lấy cơ sở vật chất của các trường công. Nên có thái độ cởi mở với hệ thống trường dân lập.
Nhà nước cũng cần đầu tư cho các trường này hoặc đầu tư ban đầu, biến hệ thống giáo dục này thành một thành phần trong hệ thống giáo dục quốc dân. Đó cũng là cách để điều chỉnh các trường tư thục hoạt động theo xu hướng bán vụ lợi chứ không như hiện nay là những trường vị lợi nhuận 100%. |
Bình luận (0)