TAND TP HCM đang xét xử vụ án buôn lậu thuốc chữa bệnh, làm giả con dấu liên quan đến Công ty CP VN Pharma. Từ năm 2013, Nguyễn Minh Hùng (nguyên Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc VN Pharma), Võ Mạnh Cường (nguyên Giám đốc Công ty Hàng hải Quốc tế H&C) và 7 đồng phạm đã làm giả hồ sơ để nhập thuốc chữa bệnh ung thư không rõ nguồn gốc, kém chất lượng rồi phân phối cho các bệnh viện trong nước. Ngay từ khi bị phát hiện cho đến lúc đưa ra xét xử, vụ án đã thu hút sự quan tâm của dư luận với những ý kiến bức xúc, phẫn nộ.
Táng tận lương tâm
Là một người công tác trong ngành y, bạn đọc Hữu Đức phân tích: Trong điều trị, thuốc sản xuất chính hãng vẫn có các tác dụng phụ, huống chi thuốc giả, không thể biết chính xác thành phần hoạt chất. Hơn nữa, nếu tác dụng phụ của thuốc thật nằm trong khoảng 1/100.000 đến 1/10.000 thì nguy cơ độc hại của thuốc giả lên tới 1/10. Trong đó, nguy hiểm nhất là ngộ độc thuốc và dị ứng thuốc, đặc biệt là sốc phản vệ.
"Thuốc giả - không chứa thành phần hoạt chất hoặc chứa các chất hóa học khác không có hiệu lực điều trị bệnh - sẽ làm bệnh nặng hơn. Nói tóm lại, nếu sử dụng nhầm thuốc giả, cả bác sĩ và người bệnh đều thất bại trong điều trị, thậm chí người bệnh tử vong. Như vậy, thuốc giả gây nguy hại rất lớn chứ không phải là sản phẩm kinh doanh bình thường như bị cáo Nguyễn Minh Hùng biện minh, cũng không đơn thuần chỉ là hành vi vi phạm pháp luật. Đó là tội ác!" - bạn đọc Hữu Đức thẳng thắn.
Bạn đọc Xuân Thanh xúc động cho biết anh có người bạn thân vừa phát hiện bị ung thư gan. Anh này chỉ vừa qua tuổi 30, chuyên môn giỏi, tốt tính nhưng nhà nghèo. Gia đình đã bán toàn bộ tài sản ở quê, gom góp được 80 triệu đồng để anh chữa bệnh. Đồng nghiệp đóng góp thêm hơn 30 triệu đồng nhưng số tiền đó chẳng thấm vào đâu vì thuốc đặc trị rất mắc (1-2 triệu đồng/viên).
"Mỗi lần vô thuốc là một lần hy vọng bạn sẽ vượt qua. Nhìn bạn đau đớn, vật vã, tóc rụng, người xanh xao; nhìn những giọt nước mắt xót xa của đấng sinh thành, tim chúng tôi muốn vỡ vụn. Thế nên, trước thông tin xét xử dàn lãnh đạo VN Pharma, tôi thật sự căm phẫn và lo lắng. Mỗi viên thuốc là hy vọng sống cho người bệnh; chắt chiu từ mồ hôi, nước mắt, thậm chí là máu của người nhà họ mới có được. Thế nhưng, mỗi viên thuốc đó cũng có thể là liều thuốc độc giết chết bạn, nếu là thuốc giả. Ai dám chắc bên ngoài không còn những kẻ táng tận lương tâm, vì hám lợi mà không ngại "giết người" như những bị cáo trong vụ án này?" - anh Thanh trăn trở.
Các bị cáo trong vụ án buôn lậu thuốc ở VN PharmaẢnh: Quốc Chiến
Trách nhiệm của cơ quan quản lý
9.300 hộp thuốc H-Capita 500mg Caplet không rõ nguồn gốc, kém chất lượng, không được phép sử dụng chữa bệnh cho người đã bị VN Pharma làm giả giấy tờ, con dấu, tài liệu nhập khẩu và tiêu thụ trên thị trường từ năm 2013. Vấn đề đáng nói là để nhập được lô thuốc này về Việt Nam, Cục Quản lý dược phải giám định tiêu chuẩn của chúng nhưng cũng chính cục đã ký công văn cho phép VN Pharma nhập khẩu. Vì vậy, nhiều ý kiến bạn đọc cho rằng trong vụ án này, Cục Quản lý dược và Bộ Y tế không thể không liên đới trách nhiệm.
"Dù hồ sơ thuốc H-Capita có nội dung không thống nhất nhưng Cục Quản lý dược vẫn không phát hiện mà đề nghị duyệt nhập đơn hàng. Chỉ sau khi cấp phép, Cục Quản lý dược mới nghi ngờ, tiến hành kiểm tra và phát hiện hàng loạt sai phạm. Tôi cho rằng chính thiếu trách nhiệm trong công tác quản lý và cấp phép của Cục Quản lý dược và Bộ Y tế đã "giúp" VN Pharma có thể thực hiện hành vi buôn lậu thuốc" - bạn đọc Mai Ánh nêu ý kiến.
Trong khi đó, bạn đọc Văn Thắng băn khoăn: "Vụ án này có nhiều điều cần được làm sáng tỏ, công khai. Chẳng hạn, những hợp đồng trúng thầu cung cấp thuốc cho các cơ sở y tế của VN Pharma; nhóm bác sĩ nhận hoa hồng để kê đơn thuốc của VN Pharma là những ai; vì sao Cục Quản lý dược là đơn vị duyệt hồ sơ xin nhập khẩu thuốc của VN Pharma nhưng không được triệu tập tham gia phiên tòa...?".
Nhiều bạn đọc đề nghị phải tuyên mức án thật nghiêm đối với các bị cáo vì hành vi của họ không đơn thuần là kinh doanh hàng giả mà hậu quả gây ra rất nghiêm trọng, không khác gì "giết người" hàng loạt.
Vụ VN Pharma: Tranh luận thuốc giả hay thuốc dỏm
Chiều 23-8, TAND TP HCM quyết định nghị án kéo dài sau khi kết thúc phần tranh luận trong vụ án "Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức" và "Buôn lậu" xảy ra tại Công ty CP VN Pharma. Dự kiến, tòa sẽ tuyên án vào ngày 25-8.
Tại phiên tòa, đại diện VKSND TP HCM và các luật sư tiếp tục tranh luận về hành vi phạm tội của các bị cáo. Theo luật sư bào chữa cho bị cáo Nguyễn Minh Hùng (nguyên Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP VN Pharma), không thể quy buộc bị cáo nhập lậu thuốc giả bởi không có kết luận nào thể hiện 9.300 hộp H - Capita 500 mg nhập khẩu là giả. Ngoài ra, kết luận giám định của cơ quan chức năng thể hiện lô thuốc này chỉ có tạp chất 0,17% chứ không phải 17% như cáo trạng thể hiện.Kết luận giám định cũng thể hiện căn cứ vào các tài liệu chuyên môn thì hoạt chất Capecitabine dùng để điều trị một số loại bệnh ung thư. Như vậy, việc cáo trạng cho rằng lô thuốc này "kém chất lượng, không được sử dụng làm thuốc chữa bệnh cho người" là không có căn cứ.
Ngoài ra, trong 3 tài liệu được xem là giả trong hồ sơ xin nhập khẩu thuốc có 2 tài liệu quan trọng mà Võ Mạnh Cường (nguyên Giám đốc Công ty Hàng hải Quốc tế H&C) giao lại cho Hùng từ nước ngoài mang về. Theo luật sư, Cục Quản lý dược cũng không phát hiện được các tài liệu đó là giả thì bị cáo Hùng sao có thể phát hiện được.
Trong khi đó, theo luật sư bảo vệ cho bị cáo Cường, tiêu chuẩn và chất lượng thuốc trong tài liệu xin nhập khẩu do bị cáo Phạm Văn Thông (dược sĩ) viết là không có căn cứ pháp lý. Ngoài ra, nhiều người trong hội đồng thẩm định thuốc lại là cán bộ thuộc Cục Quản lý dược, nơi cấp giấy phép nhập khẩu thuốc, dẫn đến không khách quan.
Đại diện VKS khẳng định một lần nữa không cần trưng cầu giám định lại bởi đây là vụ án buôn lậu chứ không phải vụ án làm giả hay sản xuất thuốc giả.
Q.Chiến
Bình luận (0)