Sau khi nhận được công văn của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vào ngày 30-12-2015 đề nghị lùi thời hạn tăng mức thu phí hoàn vốn của 23 dự án BOT (có lộ trình tăng phí từ ngày 1-1-2016) đến ngày 1-6-2016, Bộ Tài chính đã không đồng ý.
Tăng chi phí vận tải
Theo Bộ Tài chính, trong 23 trạm BOT tăng mức thu phí trên quốc lộ (QL) thì có 5 trạm tăng từ 20.000 đồng lên 35.000 đồng/lượt/xe (xe dưới 12 chỗ ngồi); 10 trạm tăng từ 30.000 đồng lên 35.000 đồng/lượt/xe; 5 trạm tăng từ 30.000 đồng lên 45.000 đồng/lượt/xe. Ngoài ra, một số trạm khác theo kế hoạch trước đó sẽ có mức tăng khoảng 2.000 - 20.000 đồng/lượt/xe.
Bà Lê Thị Thu, Giám đốc doanh nghiệp (DN) vận tải H.A (Hải Phòng), phản ánh việc tăng phí tại các trạm thu phí trên QL khiến DN của bà lao đao. Với 80 đầu xe container, mỗi tháng DN của bà phải tăng thêm chi phí qua trạm khoảng 2 tỉ đồng.
“Chúng tôi ký hợp đồng vận tải theo từng năm với đối tác nước ngoài. Phí qua trạm tăng cao nhưng chúng tôi không thể thương thảo lại với đối tác. Mặt khác, đầu tháng 12-2015, Bộ GTVT và Bộ Tài chính đã có quyết định điều chỉnh tăng phí trên QL5 cũ lên gấp 2-3 lần. Để tiết kiệm chi phí, không ít DN đã mua vé tháng cho các đầu xe cả tỉ đồng. Nay phải đi vào đường cao tốc thì toàn bộ số vé tháng đã mua coi như bỏ đi” - bà Thu bày tỏ.
Cùng ngao ngán trước quy định trên, ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội, khẳng định việc tăng phí sẽ tạo gánh nặng lên DN và người dân. Trong khi nhà nước đang kêu gọi DN vận tải giảm cước thì phí đường bộ lại tăng chóng mặt. “Bộ GTVT phần nào thấu hiểu điều này nhưng Bộ Tài chính lại không chịu giãn lộ trình tăng phí với những lý do thiếu thuyết phục. Phải chăng Bộ Tài chính ưu ái với các nhà đầu tư?” - ông Liên đặt vấn đề.
Đối với vận tải hành khách, chi phí xăng dầu chiếm 1.200 đồng/km, chi phí cầu đường chiếm đến 1.500 đồng/km. “Hơn 1.000 DN vận tải ở Hải Phòng với khoảng gần 11.000 xe container có nguy cơ “chết đứng” vì mức phí đường bộ quá cao. Nếu tính 2 chiều lưu thông theo đường cao tốc mới Hà Nội - Hải Phòng, mỗi chuyến xe chi phí sẽ tăng lên gần 1 triệu đồng. Trong khi đó, giá cước qua trạm BOT trên QL5 cũng tăng gấp 2, rồi sẽ lên gấp 3 làm các DN vận tải “sống dở chết dở” - ông Lê Văn Tiến, Chủ tịch Hiệp hội GTVT TP Hải Phòng, bức xúc.
Tăng phí là hợp lý?
Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường, khi đề nghị Bộ Tài chính, các nhà đầu tư chưa tăng giá vé qua trạm BOT từ ngày 1-1-2016 là Bộ GTVT đã đưa ra lộ trình rất hợp lý. Mức thu phí phụ thuộc vào các yếu tố: Tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế; sức chịu đựng của người dân và DN. “Việc tăng phí là hợp lý bởi tất cả phương án tài chính đã đàm phán với nhà đầu tư, bây giờ không thực hiện sẽ bị phá vỡ. Khi đó sẽ ảnh hưởng đến các ngân hàng bởi họ thu nợ theo chu trình khép kín. Hiện lãi suất tăng lên, bản thân nhà đầu tư cũng bị ảnh hưởng” - ông Trường lý giải.
Ông Trường cho biết ngân sách khó khăn, nếu thời gian qua không đầu tư theo hình thức BOT thì không thể nào có những tuyến đường mới, chất lượng. Không mở rộng các tuyến cao tốc, QL trọng điểm sẽ gây ách tắc giao thông nghiêm trọng, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội.
Lý giải về việc DN vận tải không thể tự chọn tuyến đường lưu thông bởi trạm thu phí chặn tứ phía, ông Trường cho rằng phần lớn đường BOT không phải là tuyến độc đạo và người dân vẫn có thể lựa chọn những cung đường khác để đi. Tuy nhiên, một số tuyến đường thu phí hoàn vốn cho đường cao tốc là do yếu tố lịch sử, khi trước đây Chính phủ và các bộ, ngành chấp thuận phương án nhà nước hỗ trợ nhà đầu tư đường cao tốc bằng cách thu phí tuyến đường khác.
Đủ lý do để thu phí cao!
Giải thích tình trạng một số trạm thu phí BOT có mức thu cao hơn nhiều so với các trạm thu cùng loại, ông Nguyễn Hồng Trường cho biết Bộ GTVT đã đề xuất với tất cả trạm thu phí BOT trên cả nước nên thống nhất một giá. Tuy nhiên, một số trạm do sức ép về vấn đề đầu tư nên thu phí tập trung vào một trạm. Nếu chia ra nhiều trạm sẽ bị phân tán, không đủ cự ly. Ví dụ từ trạm BOT Bến Thủy (Nghệ An), vừa tăng mức thu lên 45.000 đồng/xe là do trạm này đang thu phí hoàn vốn cho 4 dự án BOT gồm: đường tránh TP Vinh, đường tránh TP Hà Tĩnh, cầu qua QL46, cầu Nghi Xuân. Mức thu này là không cao nếu so với việc tách ra làm 4 trạm thu cho 4 dự án.
Đối với trạm thu phí Pháp Vân - Cầu Giẽ chỉ sửa chữa mà thu phí cao như làm đường mới, ông Trường lý giải đường này được nâng cấp lên thành cao tốc nên thu phí như các tuyến cao tốc khác. “Nếu làm mới tuyến Pháp Vân - Cầu Giẽ phải bỏ ra ít nhất 15.000-20.000 tỉ đồng (dự án nâng cấp hiện nay hơn 6.000 tỉ đồng). Muốn thu phí hoàn vốn phải mất 30-40 năm chứ không phải là hơn 17 năm như hiện nay” - ông Trường giải thích.
Bình luận (0)