Việc lấy phiếu tín nhiệm đã tạo ra được những áp lực nhất định lên các bộ, ngành cũng như trách nhiệm, nhiệm vụ của người đứng đầu, coi như một cuộc sát hạch giữa nhiệm kỳ.
Trong bối cảnh Việt Nam hiện nay, việc lấy phiếu tín nhiệm sẽ có những tác dụng, kết quả nhất định. Người được tín nhiệm cao sẽ vẫn phải cố gắng để giữ mức độ tín nhiệm cao hơn nữa. Những người có mức độ tín nhiệm thấp thì bắt buộc phải cải thiện, cố gắng để lấy lại sự tín nhiệm cho bản thân.
Nhìn chung, có thể thấy việc tổ chức, điều hành tương đối tốt, cách làm lần này đã có đổi mới, cố gắng. Tuy nhiên, nếu phân tích sâu hơn, cũng có những vấn đề cần bổ sung, rút kinh nghiệm thêm.
48 người được lấy phiếu tín nhiệm thuộc những lĩnh vực khác nhau, trong đó có Quốc hội, Chính phủ, tư pháp… Có thể thấy những người công tác ở Quốc hội thường được tín nhiệm cao, trong khi những người công tác ở Chính phủ thường có kết quả thấp hơn. Những lần trước cũng vậy. Điều này phản ánh một thực tế công việc của bên lập pháp (Quốc hội) không có sự tác động trực tiếp, trực diện giải quyết các công việc hằng ngày, nhất là trong các lĩnh vực dân sinh bức xúc như giáo dục, y tế, giao thông, an ninh trật tự, an toàn vệ sinh thực phẩm… như ở bên hành pháp (Chính phủ). Từ lần lấy phiếu tín nhiệm trước, một số thành viên Chính phủ cũng có tâm tư về vấn đề này. Các chuyên gia đều đồng thuận rằng cần có thêm những bước đi tiếp theo để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của các chức danh được Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm.
Nên chăng, đối với những bộ trưởng có số phiếu tín nhiệm thấp, chúng ta có thể cho phép họ tự "biện hộ" hoặc "nhìn lại", xem đâu là vấn đề của lĩnh vực họ phụ trách, đâu là những điểm không được đánh giá thỏa đáng như người bị tín nhiệm thấp không hẳn là do các vấn đề phát sinh từ các quyết định của họ mà bị chi phối bởi các quyết định từ đâu đó; có "trục trặc" từ hệ thống pháp luật của chúng ta chưa hoàn chỉnh, xa rời thực tế. Trách nhiệm này đúng ra của bộ phận lập pháp (?). Ngoài ra, nhiều cơ chế chính sách ràng buộc chưa có hướng tháo gỡ khiến các bộ trưởng bị quá tải so với năng lực của mình.
Qua cuộc lấy phiếu tín nhiệm lần này, cần ghi nhận những điểm làm được, chưa làm được để rút kinh nghiệm, điều chỉnh cho những lần sau và góp phần giúp cho việc lấy phiếu tín nhiệm UBND - HĐND ở các địa phương ngày càng hoàn thiện và thực chất.
Bình luận (0)