Nhìn ở góc độ tích cực cho thấy những lợi ích của việc đổi khung giờ như trên: giao thông, sức khỏe, quan hệ gia đình, quan hệ xã hội, kỷ cương làm việc và tiết kiệm năng lượng. Tuy nhiên, để khẳng định những lợi ích này trên cơ sở khoa học, cần phải có thời gian nghiên cứu trước khi kết luận.
Những thập niên 60-70 thế kỷ trước, miền Bắc cũng từng thí điểm thay đổi khung giờ làm việc: đi làm muộn và nghỉ trưa ít hơn, lúc đó gọi là "làm thông tầm". Còn theo các bậc cao niên, trước đây người Pháp ở Việt Nam cũng từng làm việc theo khung giờ chính quốc nhưng sau một thời gian lại thôi, trở lại làm việc sớm hơn và nghỉ trưa dài hơn. Họ nói vì thời tiết khí hậu vùng nhiệt đới không thích hợp, hơn nữa do công chức người Việt khó thay đổi thói quen để thích nghi.
Đúng là yếu tố thời tiết, khí hậu rất đáng quan tâm vì nó tác động đến nhịp sống sinh học của cư dân, từ đó ảnh hưởng đến sức khỏe, năng suất lao động, thói quen, tập quán…
Ở Việt Nam không có chênh lệch thời gian vào mùa đông và mùa hè nên không có thay đổi nhịp sống sinh học. Ở những nước khí hậu ôn đới như châu Âu, vào mùa hè, số giờ trời sáng dài hơn; mùa đông, số giờ trời tối dài hơn. Nói cách khác, mùa hè ngày dài, mùa đông đêm dài. Do vậy, đồng hồ sinh học của con người sẽ tự động cảm nhận thay đổi theo. Chính phủ các nước này nghĩ ra biện pháp đổi giờ để con người sống theo đúng nhịp sinh học của thiên nhiên.
Một ví dụ minh chứng cho tập quán ảnh hưởng đến khung giờ làm việc. Tây Ban Nha được coi là "cái nôi" sản sinh ra văn hóa ngủ trưa của thế giới. Ở quốc gia này, người dân có thể nghỉ trưa vài tiếng, có khi đến hết buổi chiều. Thời gian làm việc trong một ngày của người Tây Ban Nha có thể kéo dài đến 21, 22 giờ do giấc ngủ trưa dài. Quá nửa đêm, đường phố vẫn huyên náo, người dân vẫn bận rộn.
Không chỉ Tây Ban Nha, ngủ trưa từ lâu đã là một thói quen khá phổ biến của người dân ở các nước Nam Âu như Bồ Đào Nha, Ý, Hy Lạp... Trong khi đó, nhiều quốc gia khác như Mỹ hay các nước Bắc Âu lại cho rằng ngủ trưa có tác động tiêu cực đến nền kinh tế, tăng huyết áp, bệnh tim mạch…
Nói điều này để thấy những kết luận đánh giá, nhất là đối với sức khỏe, không chỉ dựa vào yếu tố nào đó rồi mặc định mà phải xét toàn diện một cách khoa học. Vì vậy, đổi khung giờ làm việc ở nước ta rất cần có nghiên cứu toàn diện, xem xét nhiều mặt, trong đó bao gồm cả việc lấy ý kiến từ người dân đến doanh nghiệp, tổ chức hội thảo đánh giá tác động, ý kiến chuyên gia trong nước và quốc tế… để đánh giá đầy đủ tác động và tính hiệu quả của việc đổi giờ làm, tạo sự đồng thuận cao trong cộng đồng.
Bình luận (0)