Nhiều học sinh Trường THPT Dân lập Lương Thế Vinh (Hà Nội) phải vào căng tin mua thức ăn trong khi chờ ra về. Ảnh: Hòa Bun
Trong báo cáo nhanh của Sở GTVT Hà Nội tối 2-2, giải pháp đổi giờ học, giờ làm bước đầu đã góp phần giảm ùn tắc giao thông. Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng khẳng định tình hình giao thông trên các tuyến đường của TP đã được cải thiện, trên một số tuyến thường xuyên xảy ra ùn tắc đã không còn tắc nghẽn, mật độ giao thông trong giờ cao điểm đã giảm đáng kể trên hầu khắp các tuyến.
Tuy nhiên, mệt mỏi nhất là học sinh THPT. Theo quy định, giờ tan học của đối tượng này là 19 giờ nhưng do cách hiểu chủ trương khác nhau nên mỗi trường áp dụng mỗi khác. Một số trường cho phép học sinh tan học ngay khi hết tiết cuối nhưng cũng có trường áp dụng máy móc, đúng 19 giờ mới mở cửa trường.
Ngày 2-2, kết thúc tiết học cuối lúc 17 giờ nhưng hàng trăm học sinh Trường THPT Dân lập Lương Thế Vinh (khu đô thị Trung Yên) đã không thể ra về vì trường chưa mở cửa. Nhiều phụ huynh chờ đón con đã phản đối kịch liệt cách hiểu, điều hành của lãnh đạo trường này. Tuy nhiên, đại diện nhà trường cho biết đã ký cam kết với lãnh đạo Sở GD-ĐT, UBND TP Hà Nội nên phải thực hiện đúng quy định là đến 19 giờ mới mở cửa trường cho học sinh ra về. Có mặt tại đây, chúng tôi nhận thấy nhiều học sinh tỏ vẻ mệt mỏi. Căng tin của nhà trường phải hoạt động hết công suất để phục vụ thức ăn nhanh cho học sinh.
Tình trạng mệt phờ sau khi tan học hiện trên nét mặt của hầu hết học sinh THPT ở thủ đô. Bà Lê Mai Anh, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Chu Văn An, cho biết 80% giáo viên của trường bày tỏ xin không dạy 2 tiết cuối để tiện việc đưa đón con nhỏ. Ông Nguyễn Đức Hải, Hiệu trưởng Trường THPT Cầu Giấy, cho rằng: “Chúng tôi không chắc 2 tiết học cuối từ 18 giờ - 19 giờ có bảo đảm chất lượng hay không vì cả thầy lẫn trò đều mệt và đói. Hơn nữa, các cô giáo còn thắc thỏm chuyện con cái, bếp núc gia đình nên cũng ảnh hưởng ít nhiều đến việc dạy học”.
Bình luận (0)